Thứ sáu, 19/04/2024 16:04 (GMT+7)

Nội, ngoại thành Hà Nội “biến thành sông” sau mưa chuyên gia nói gì?

MTĐT -  Thứ ba, 24/07/2018 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù đầu tư không ít công trình chống ngập ngàn tỷ nhưng những năm qua Hà Nội vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng ngập lụt sau mỗi trận mưa to.

Có tới 18 điểm ngập úng trong nội đô

Tại Hà Nội, trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã khiến các tuyến đường nội đô thậm chí là ngoại thành mệnh mông trong biển nước.

Cụ thể, theo thông tin trên Tiền Phong, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội thừa nhận, trên các tuyến phố khu vực nội thành tồn tại 18 điểm úng ngập cục bộ kéo dài từ 1- 2 giờ, ngoài ra còn một số tồn tại các điểm úng ngập khác trên một số tuyến thuộc thị trấn các huyện và trong các ngõ.

Năm 2017, Cty Thoát nước Hà Nội đã giải quyết triệt để được 3/18 điểm úng ngập tồn tại lâu năm trên địa bàn Hà Nội như: Ngã ba Phan Ðình Giót - Quang Trung; đường Yên Nghĩa; đường Cổ Linh. Như vậy, đến đầu năm 2018, các tuyến phố chính của Hà Nội còn tồn tại 15 điểm úng ngập.

Tuy vậy, cơn mưa kéo dài đêm 20 rạng sáng 21/7 khiến nhiều tuyến phố Hà Nội ngập hàng giờ đồng hồ. Nhiều điểm ngập nặng như đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Quang Trung (Hà Ðông), Thái Hà (Ðống Ða), Trần Bình (Cầu Giấy), Giải Phóng, Trương Ðịnh, Minh Khai, Chùa Bộc, Tây Sơn, Hoàng Cầu... Ðặc biệt, khu vực trũng, thấp như ở Ðại lộ Thăng Long giao với đường Lê Trọng Tấn (Hoài Ðức) ngập sâu, rút chậm gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Ba ngày sau trận mưa lũ lịch sử, đến nay nhiều người dân ở Chương Mỹ, Hà Nội vẫn chưa thoát khỏi cảnh ngập lụt. Ảnh: VOV.

Tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 270 nhà dân ở Quốc Oai và 291 hộ dân ở Chương Mỹ bị ngập. Các hộ dân bị ngập sâu đã phải ngắt hệ thống điện, di dời tài sản, sơ tán đàn gia súc, gia cầm tới vị trí cao hơn để tránh thiệt hại. Đặc biệt, mưa kéo dài khiến nước các sông hồ tràn ra đường khiến nhiều người dân có thể bơi lội, đánh bắt cá trên đường.

Trong khi đó, trao đổi với báo Đại đoàn kết, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với diện tích 300 km2, chủ yếu là hệ thống thoát nước chung bao gồm: hệ thống cống, kênh mương cùng 122 hồ điều hòa, 10 trạm bơm thoát nước chính, cùng 5 nhà máy xử lý nước thải.

Hiện hệ thống thoát nước của Hà Nội với lưu vực chính gồm: Tô Lịch, tả Nhuệ, hữu Nhuệ, sông Cầu Bây, Hà Đông. Ngoài ra, còn có các tiểu lưu vực tại các thị trấn trên địa bàn các huyện: Thạch Thất, Sơn Tây, Mê Linh, Thanh Oai… Nhìn chung, hệ thống thoát nước ở các khu vực trên đều được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ…

Có một hệ thống thoát nước đồng bộ như vậy nhưng Hà Nội lại cứ hễ mưa là ngập, điều này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Trả lời cho câu hỏi vì sao Hà Nội đã đầu tư rất lớn nhưng cứ mưa to là đường phố lại ngập, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, cuối năm 2016, Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 đã hoàn thành, song mới chỉ giải quyết được áp lực thoát nước cho lưu vực sông Tô Lịch rộng 77,5 km2. Còn toàn bộ khu vực phía Tây và Tây Nam TP thuộc lưu vực sông Nhuệ chưa được đầu tư; việc thoát nước chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống kênh, mương nông nghiệp.

Từng trả lời báo chí về nguyên nhân ngập lụt tại Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng thừa nhận rằng, dù đã có nhiều nỗ lực, xây dựng các trạm bơm để “giải cứu” cho khu vực nội đô mỗi mùa mưa về, tuy nhiên hiện nay thành phố vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng ngập lụt nếu gặp những trận mưa to.

Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, nếu mưa từ khoảng 50 - 100mm trong 2 giờ liên tiếp thì trên địa bàn tthành phố có khoảng 15 điểm bị ngập. Việc này do nhiều nguyên nhân, như tỉ lệ mật độ xây dựng cao, việc xả rác ra đường nhiều khiến hệ thống thoát nước bị ách tắc. Khi mưa các cán bộ công ty thoát nước khơi thông hố ga mới có thể thoát nước được.

Nhiều tuyến đường Hà Nội bị tê liệt trong trận mưa ngày 21/7 vừa qua. Ảnh: Internet.

Quy hoặch chắp vá

Theo các chuyên gia và nhà khoa học, nguyên nhân ngập úng ở Hà Nội hiện nay là do triển khai quy hoạch chắp vá và không có sự kiểm soát. Người xây nhà sau xây nền cao hơn người xây trước, dồn hết nước cho khu vực trũng thấp.

Cụ thể, trao đổi với Tiền phong, chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc chưa hoàn thiện hạ tầng thoát nước, cùng tính dự báo chưa sát thực tế là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cứ mưa là ngập ở Hà Nội.

Ông cho rằng, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước toàn thành phố, thậm chí có cả quy hoạch điều chỉnh đợt 2, nhưng trong quá trình làm chưa thực hiện đầy đủ và hoàn tất.

Theo ông Nghiêm, cần phải điều chỉnh lại dự án thoát nước, vì trước đây, theo tính toán, hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được mức độ như hiện nay. “Càng ngày càng mưa lớn. Hạ tầng chưa đáp ứng được. Dự án cũ tính theo thông số cũ chưa theo kịp, chưa dự báo được tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lượng mưa”, ông Nghiêm nói thêm.

Với những điểm úng ngập cục bộ, ông Nghiêm cho biết, cần có điều tra, khẳng định, xác định rõ những điểm úng ngập để có giải pháp thực hiện. “Việc này chúng ta bàn nhiều quá nhưng không làm. Phải điều tra những vị trí úng ngập cục bộ để đề ra các giải pháp. TP. HCM đưa các máy bơm siêu khủng vào rồi mà Hà Nội chưa làm được điều này”, ông Nghiêm nói.

Còn với các khu vực phía Hà Ðông, Hoài Ðức... bị ngập nặng trong mấy ngày vừa qua, ông Nghiêm cho rằng, đó là vùng trũng, thấp, nên nước đổ dồn về. Một phần nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do xây dựng nhiều, cùng với đó, Hà Nội chưa quan tâm đến quy hoạch cảnh quan cây xanh, mặt nước điều hòa.

Theo ông Nghiêm, giải pháp để giải quyết tình trạng úng ngập ở phía Tây Hà Nội chỉ còn cách đẩy mạnh hoạt động các trạm bơm cuối nguồn, kết nối các con sông thoát nước với sông Hồng. “Nhưng thời gian qua người ta kêu nhiều, các sông kết nối với sông Hồng đều bị ô nhiễm. Lượng bùn, rác thải nhiều làm hạn chế tốc độ dòng chảy...”, ông Nghiêm nhận định.

Đoạn đường Nguyễn Trãi bị ngập sâu trong sáng 21/7. Ảnh: Internet. 

Còn theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để giải quyết tình trạng ngập lụt, Hà Nội cần sớm giải quyết 3 vấn đề: Thứ nhất là phải cập nhật quy hoạch thoát nước với việc thực hiện quy hoạch đô thị hiện nay.

Quy hoạch thoát nước phải được thực hiện và kết nối với quy hoạch chung. Thứ hai là dùng các biện pháp hiện đại hơn trong việc quản lý hệ thống cống thoát nước của đô thị.

“Thành phố cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này bởi đây là vấn đề dân sinh bức xúc trong nhiều năm qua. Về phía người dân phải có ý thức bảo vệ hệ thống hạ tầng, giữ gìn sạch sẽ; người dân nên vì lợi ích của chính mình chứ không nên vì một chút tiện lợi và ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước và mỹ quan chung của đô thị”, TS Phạm Sỹ Liêm nói.

Tốc độ đô thị hóa

Còn theo PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường thì cho rằng, trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị, Hà Nội còn nhiều bất cập khi công trình hạ tầng (đặc biệt là thoát nước) không theo kịp với xây dựng công trình, nhà cửa. Hệ thống hồ điều hòa ở các khu đô thị mới hiện không phát huy tác dụng, thậm chí nhiều khu hồ điều hòa còn bị lấp để lấy đất làm nhà, dẫn đến thoát nước chậm.

Việc xây dựng các nhà cao tầng với mật độ lớn và khai thác nước ngầm cũng sẽ dẫn đến cốt nền đô thị trở nên thấp hơn do sụt lún đất. Việc thay đổi cốt đường sau mỗi lần cải tạo sửa chữa sẽ làm thay đổi tiểu lưu vực thoát nước và hiệu quả hoạt động của các đường cống ở đó.

Ngoài ra không kiểm soát được việc xả rác thải, đổ phế thải xây dựng và lấn chiếm hồ kênh mương,… là nguyên nhân hiện hữu hạn chế khả năng tiêu thoát nước và gây ô nhiễm môi trường.

Quá trình đô thị hóa đã tạo ra bề mặt không thấm nước như mái nhà, bê tông, đường nhựa… làm tăng lưu lượng nước đổ vào ống thoát nước, kênh mương. Những vùng trũng cứ lấp dần làm đường, xây nhà. Trong lúc đó năng lực tiêu thoát nước các trạm bơm nâng cấp từ trạm bơm tiêu nông nghiệp, phục vụ cho lưu vực Mỹ Đình, Từ Liêm,… hạn chế.

Nhiều khu đô thị mới cũng biến "thành sông". 

Bên cạnh đó, dự án thoát nước Hà Nội khởi công năm 1998. HTTN có công suất tiêu thoát với những trận mưa có cường độ 310 mm/2 ngày của lưu vực sông Tô Lịch. Tuy nhiên yếu tố BĐKH làm cho nhiều trận mưa lớn với tần suất tăng hơn làm cho HTTN không đủ tải.

Để giải quyết tình trạng trên, PGS.TS Trần Đức Hạ cho rằng, Hà Nội cần tăng cường lực lượng ứng phó với mưa lũ như: tập trung nạo vét mương cống và làm sạch các cửa thu nước mưa trước mùa mưa lũ,...

Tạm dừng bơm nước từ hệ thống mương nông nghiệp khu vực thượng lưu sông Nhuệ để giảm tải lượng nước bổ cập ra sông

Liên tục vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước mưa theo trục sông Nhuệ; Các cửa phai hồ điều hòa đô thị như Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… phải được mở để điều hoà nước.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thoát nước và kiểm soát chặt chẽ mực nước trên hệ thống sông thoát nước…

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nội, ngoại thành Hà Nội “biến thành sông” sau mưa chuyên gia nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước
Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.