Thứ sáu, 29/03/2024 19:19 (GMT+7)

Phải xem xét đồng bộ các yếu tố gây ngập lụt tại TP. HCM

MTĐT -  Thứ hai, 11/06/2018 10:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo TS Tô Văn Trường, các yếu tố tác động đến ngập lụt là mưa, triều, cống ngầm, kênh rạch và lũ tại TP. HCM có liên quan mật thiết với nhau.

Là chuyên gia có nhiều năm gắn bó với công tác chống ngập lụt cho TP. HCM và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TS Tô Văn Trường, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam nhìn nhận, hơn 20 năm trước, ngập lụt do mưa ở TP. HCM không nghiêm trọng như gần đây, bởi khi đó mưa vẫn có đường thoát nhanh ra sông, rạch. Còn nay, không gian bị thu hẹp, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đã làm cản trở dòng tiêu thoát nước mưa.

Về giải pháp chống ngập cho thành phố, TS Tô Văn Trường khẳng định, các yếu tố tác động đến ngập lụt là mưa, triều, cống ngầm, kênh rạch và lũ có liên quan mật thiết với nhau.

Nên muốn xây dựng được bản đồ ngập lụt để từ đó giải quyết triệt để chuyện ngập nước cho TP. HCM, cần phải xem xét một cách toàn diện các yếu tố này.

Theo một khảo sát của GS TSKH Lê Huy Bá, Trường Đại học công nghiệp TP Hồ Chí Minh, có đến 97% số sông, kênh rạch trên địa bàn đang bị lấn chiếm; hơn 22% diện tích mặt nước kênh rạch đã bị chiếm dụng, bồi đắp để xây dựng nhà cửa và công trình kiên cố.

Ngập nước trong một con hẻm ven đường Kinh Dương Vương khi tuyến này được nâng cao 1,2m.

Tuy vậy, việc xử lý nhằm khắc phục hậu quả, trả lại hướng tiêu thoát nước đã bị lấn chiếm lại quá chậm, không đủ sức răn đe, ngăn chặn nên cứ xử lý được chỗ này, tình trạng lấn chiếm kênh, rạch lại tiếp tục xảy ra ở nơi khác. Thời điểm này, một hạng mục quan trọng trong quy hoạch kiểm soát triều tổng thể cho thành phố là 6 cống ngăn triều quy mô lớn cùng 25 cống nhỏ dưới đê của giai đoạn 1 “Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” đang dần hình thành.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group - chủ đầu tư dự án còn cho biết: Khi đưa vào vận hành, dự án chỉ có thể ngăn nước triều tràn vào các tuyến kênh đã xây cống ngăn triều cũng như chủ động hạ thấp mực nước trên các tuyến kênh, rạch này để tạm trữ nước mưa những thời điểm được dự báo có mưa lớn, mưa kéo dài. Còn nước mưa trong đô thị có thể chảy ngay được ra kênh, rạch hay không là vấn đề không nằm trong khả năng giải quyết của dự án này.

Về vấn đề ngập lụt do triều cường, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học - Công nghệ và Quản lý TP Hồ Chí Minh (Hascon) cho rằng, từ thời Pháp đến trước năm 1995, đỉnh triều đo tại khu vực trạm Phú An chưa bao giờ vượt quá 1,3m. Nhưng từ năm 1995 trở lại đây, đỉnh triều ở trạm này liên tục dâng cao hằng năm, trong đó ngay từ năm 2014 đỉnh triều đã đạt đến 1,7m. Như vậy, trong vòng 20 năm qua đỉnh triều tại TP Hồ Chí Minh đã tăng lên 40cm.

Trước kia do đỉnh triều thấp, triều cường không gây ra tình trạng ngập úng trên diện rộng. Nhưng 10 năm trở lại đây, cứ mỗi đợt triều cường đạt đỉnh là nước tràn vào thành phố, bao phủ trên diện rộng với mức độ ngày một trầm trọng hơn. Theo TS Nguyễn Bách Phúc, trước hiện tượng ngập lụt do triều lâu nay, không chỉ người dân mà cả chính quyền thành phố cũng vẫn lầm tưởng rằng đỉnh triều cường dâng cao gây ngâp lụt trên diện rộng là do nước biển dâng từ hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt.

Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy, bởi mực nước biển trong 30 năm qua theo số liệu đo đạc chỉ dâng thêm có vài centimet. Từ đó nguyên nhân nào đã làm đỉnh triều dâng cao gần 40cm trong khi mực nước biển chỉ dâng cao không đáng kể như vậy là vấn đề cần được chỉ ra một cách chính xác.

Quan điểm của các nhà khoa học thuộc Hascon về hiện tượng này là lượng nước do triều cường dồn từ ngoài biển vào thành phố không thay đổi, nhưng không gian chứa nước do thủy triều tràn vào đã bị thu hẹp, khiến mực nước triều cường buộc phải dâng cao. Không gian chứa nước triều cường bị thu hẹp là do đắp đê ngăn nước ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7 - những nơi theo quy hoạch không gian đô thị của người Pháp thiết lập hơn trăm năm trước đây là khu vực để chứa nước triều cường.

Rồi tình trạng lấp hết hệ thống hồ, ao, đầm, vùng trũng trong thành phố để xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp hoặc phát triển hạ tầng đô thị… cũng đã góp phần làm giảm không gian chứa nước triều cường.

TS Tô Văn Trường, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam:

Với chế độ bán nhật triều, TP Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng rất lớn từ do triều cường khi nước ngập do đợt triều cường trước chưa kịp rút hết theo hệ thống cống chảy ra kênh, rạch để đổ ra sông, đã bị đợt triều mới đẩy ngược trở lại. Trong mùa mưa, thời điểm chân triều thấp nhất thường xảy ra vào ban đêm nên khi trời mưa về đêm, nước mưa sẽ rút nhanh hơn, những chỗ còn ngập sâu cũng ít ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.

Ngược lại, khi mưa xảy ra vào ban ngày, thường là buổi chiều tối, đa số sẽ gặp lúc triều đang cường ở đỉnh, dễ gây ra ngập lụt, ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống người dân.

Ngoài yếu tố gây ngập do mưa, thủy triều, cống thoát, kênh rạch, thì TP Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng ngập lụt nặng nề từ việc xả lũ của các hồ thủy điện ở thượng nguồn như hồ Dầu Tiếng, Trị An, Srock Phumiêng nếu ba yếu tố trên xảy ra cùng lúc.

Theo CAND

Bạn đang đọc bài viết Phải xem xét đồng bộ các yếu tố gây ngập lụt tại TP. HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới