Thứ sáu, 29/03/2024 08:44 (GMT+7)

Quản lý xây dựng theo quy hoạch: May áo phải đo ni cẩn thận

MTĐT -  Thứ tư, 16/07/2014 14:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(tinnhanhmoitruong.vn)- Nếu quy hoạch đô thị theo hướng đẹp hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân được ví là may áo mới, thì việc may đo cần được tính toán kỹ lưỡng. Nhân sự kiện này, Người Đô Thị có cuộc trò chuyện với TS. Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam về tầm quan trọng của việc quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Giã từ chủ nghĩa công năng...

Thưa ông, công tác may đo áo cho các đô thị (quy hoạch) ở ta hiện đang được thực hiện theo cách nào?

Phương pháp quy hoạch đô thị truyền thống cùng với thể chế và năng lực quản lý yếu kém của chính quyền đô thị thường dẫn đến sự cách biệt khá lớn giữa đồ án quy hoạch với thực tiễn phát triển đô thị. Tư duy quy hoạch dựa trên chủ nghĩa công năng đầu thế kỷ 20 khiến giao thông đô thị căng thẳng, vai trò của khu thương mại trung tâm bị giảm sút, đường phố bị bài xích, bản sắc đô thị bị coi nhẹ. Theo luật Quy hoạch đô thị năm 2009, quy hoạch đô thị nước ta vẫn áp dụng phương pháp quy hoạch truyền thống (conventional planning) theo mô hình “khảo sát - phân tích - đánh giá - đồ án - thực hiện”, xem quy hoạch chung là đồ án của chuyên gia quy hoạch với tầm nhìn hướng tới sự kết thúc lý tưởng và được thực hiện theo các quy chế hành chính cứng nhắc, sau mỗi giai đoạn thực hiện nếu thấy không sát với thực tế thì lại tiến hành các thủ tục điều chỉnh, bổ sung.

Tuy nhiên, 40 năm lại đây, quy hoạch đô thị các nước châu Âu đang chuyển sang phương pháp quy hoạch chiến lược (strategic planning), theo đó thì chính quyền đô thị là người sẽ quản lý thực hiện quy hoạch vì vậy phải là người lập quy hoạch đô thị với sự giúp đỡ của các chuyên gia quy hoạch và sự tham gia của các tầng lớp xã hội và giới kinh doanh, quy hoạch phải hướng tới quá trình và hành động, khởi đầu bằng sự đồng thuận về các chủ đề phát triển có trọng tâm và chọn lọc nhằm vượt qua các thách thức, kể cả các tình huống bất lợi, để tiến lên trình độ phát triển mới tốt đẹp hơn. Như vậy quá trình quy hoạch cũng chính là quá trình thực hiện quy hoạch và tương tác với các bên có lợi ích.

Nghĩa là khi chọn phương pháp quy hoạch đô thị truyền thống, sẽ có rất nhiều lỗ hổng?

Đúng. Trong thực hiện quy hoạch cái yếu kém nhất là thiếu tầm nhìn chiến lược. Người ta chạy theo những việc lặt vặt, giải quyết vấn đề cụ thể chứ không hình dung được bức tranh tổng thể của mọi việc mình làm. Thứ hai là thiếu công cụ, muốn quản lý phải có công cụ quản lý, chứ nếu không thì khó mà quản lý được. Chẳng hạn muốn phát triển hạ tầng mà không có vốn thì chẳng làm được gì, muốn có thành phố trật tự nhưng giấy phép xây dựng không ai kiểm soát, ai muốn xây thế nào thì xây thì làm sao trật tự được. Thứ ba, phải có chế độ theo dõi đánh giá thường xuyên kết quả thực hiện như thế nào. Đây là một yếu tố rất quan trọng.

Chính quyền đô thị và sức mạnh thị trường

Rõ ràng, để đô thị được xây dựng theo đúng quy hoạch, vai trò của chính quyền đô thị là rất lớn?

Đúng vậy, điều kiện then chốt để quản lý phát triển thành công đô thị theo quy hoạch là phải có chính quyền đô thị vững mạnh, hay nói theo từ ngữ thông dụng của các tổ chức phát triển quốc tế là phải có trị lý và quản lý đô thị giỏi (good governance). Trị lý (governance) vốn có nghĩa là cai trị, nay được dùng lại theo nghĩa hiện đại với các đặc trưng là: sự tham dự; hướng tới đồng thuận; hiệu lực và hiệu quả; tầm nhìn chiến lược; tinh thần trách nhiệm; tạo lập sự công bằng; thi hành luật pháp; sự minh bạch; trách nhiệm giải trình.

Theo dõi và đánh giá là công cụ rất cần thiết để quản lý thực hiện các chính sách, chương trình và dự án phát triển, giúp chính quyền đô thị vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục yếu kém và tình trạng nói không đi đôi với làm.

Nhân tố hàng đầu trong trị lý là phải thiết lập được khung thể chế hành chính dựa trên phân công và phân cấp rành mạch, quyền hạn tương xứng với trách nhiệm, đạo đức công vụ được coi trọng, quan hệ tốt với khu vực kinh doanh và công chúng.

Quản lý đô thị không thể không nói đến ngân sách, nhưng thực tế là các đô thị của ta đang phát triển dựa vào việc... bán đất. Ông nghĩ thế nào về tính bền vững của cách phát triển này?

Đúng vậy, hiện nay ngân sách đô thị đều dựa vào bán đất. Chẳng hạn như ở Hà Nội, tôi xem lại bản dự trù thu ngân sách năm 2012 của họ thì 22% nguồn thu dựa vào bán đất đấu giá; Đà Nẵng còn nặng nề hơn thế. Nhưng hiện nay, thị trường suy thoái, bán chẳng ai mua. Cho nên, Hà Nội năm nay ngân sách hụt, Đà Nẵng hụt nghiêm trọng hơn. Do thị trường suy thoái nên không bán được, nhưng giả sử nếu bây giờ bán được thì ít năm nữa cũng hết đất để bán. Lúc bấy giờ, ngân sách đô thị biết dựa vào đâu trong khi đó thuế tài sản ở các nước là nguồn thu ngân sách rất lớn và rất ổn định thì lại không tiến hành. Nếu chỉ thu theo mỗi một căn nhà thì thu được rất ít, nhưng nếu thu theo diện tích nhà thì sẽ thu được nguồn ngân sách lớn, nhưng chúng ta lại không làm, các đại biểu Quốc hội mượn cớ là “dân làm được cái nhà chẳng lẽ đi đánh thuế”, nhưng những người giàu như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, làm căn nhà hai - ba triệu USD, tại sao lại không phải chịu thuế?!

Vai trò của thị trường như thế nào trong việc tạo dựng những đô thị đúng nghĩa, thưa ông?

Thứ nhất, thị là chợ, thị trường tức là cái chợ. Thiếu thị thì làm sao ra đô thị? Ngày xưa kinh tế thị trường chủ yếu dựa vào nhà máy nhưng bây giờ ta đưa nhà máy ra ngoài ngoại ô, thay vào đó là phát triển dịch vụ như y tế, giáo dục,... nhưng chủ yếu là thương mại. Mà thương mại nếu chỉ dựa vào mấy cái siêu thị thì lấy đâu ra đô thị. Chính phố phường tạo ra thương mại ấy, người ít tiền cũng kinh doanh, kiếm sống được. Thế nhưng ở các đô thị của ta bây giờ lại muốn đuổi hàng rong. Cho nên, hiểu biết yếu tố thị trường rất yếu kém. Tuy nhiên, có một thị trường rất quan trọng mới nổi là thị trường bất động sản. Vì đô thị mà không có thị trường bất động sản làm sao có đô thị đúng nghĩa. Nhà nước chỉ đầu tư phát triển hạ tầng. Còn công trình thì thị trường bất động sản làm. Thế nên vai trò của nó rất quan trọng, phải coi trọng nó và quản lý được nó, nhưng buồn thay là mình lại để nó điều khiển mình. Hiện nay, thị trường bất động sản chỉ huy việc làm quy hoạch chứ không phải quy hoạch chỉ huy thị trường bất động sản. Thế đảo ngược đó dẫn tới việc các đô thị hỗn loạn như bây giờ. Quy hoạch là để điều khiển, nhưng quy hoạch một đằng mà thực hiện một nẻo, nên cuối cùng đô thị chẳng có chuẩn mực nào cả.

                                                                                               Lê Vũ Quý Linh

Bạn đang đọc bài viết Quản lý xây dựng theo quy hoạch: May áo phải đo ni cẩn thận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.