Thứ ba, 23/04/2024 15:47 (GMT+7)

Quy hoạch Đà Lạt: Chuyên gia lo mất bản sắc

MTĐT -  Thứ năm, 21/03/2019 16:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, dư luận, đặc biệt là người dân TP Đà Lạt và những người yêu thành phố này lại một phen ồn ào trước thông tin Đà Lạt đã thông qua dự án phá bỏ rạp Hòa Bình và di dời dinh tỉnh trưởng.

Trước đó, ngày 15/3, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và UBND TP Đà Lạt đã tổ chức công bố quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Đà Lạt. Theo đó, khu vực quy hoạch này có diện tích 30ha, thuộc phường 1, TP Đà Lạt. Quy mô dân số hiện trạng khoảng 5.370 người, 1.064 hộ dân.

Trung tâm Hòa Bình được quy hoạch thành 5 phân khu, trong đó sự chú ý tập trung vào phân khu 2 (diện tích 3,37 ha), nơi sẽ trở thành khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ, giải trí.

Theo thiết kế, rạp hát Hòa Bình sẽ được thay thế bằng cụm kiến trúc cao 5 tầng, bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng. Riêng phân khu 3 ở khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng cũ (diện tích 4,43ha) trở thành khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Tại đây có cụm khách sạn cao 10 tầng ngay trên đỉnh núi để tạo điểm nhấn; mở thêm đường giao thông bao quanh Dinh.

Theo báo Tiền Phong, nói về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trung tâm TP Đà Lạt hiện nay rất chật chội nên phải quy hoạch lại để phát triển. Trước đây người Pháp chỉ thiết kế đô thị Đà Lạt cho 130.000 dân, nay Đà Lạt xấp xỉ 250.000 dân, chưa tính áp lực khách du lịch ngày càng gia tăng.

Theo Quyết định 704 năm 2014 của Thủ tướng, TP Đà Lạt phải mở rộng ra các huyện lân cận để giảm áp lực. “Khu trung tâm Hòa Bình là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; chưa kể việc xây dựng, buôn bán tại khu vực này rất nhếch nhác, lộn xộn... Do đó cần thiết phải quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại, đầu tư cơ sở hạ tầng xứng đáng là bộ mặt của thành phố du lịch hiện đại” - ông Trung cho hay.

Trung tâm TP. Đà Lạt. Ảnh: Zing. 

Tuy nhiên, nhiều người gắn bó với TP này lại tỏ ra tiếc nuối, theo họ, rạp Hòa Bình là một phần của lịch sử Đà Lạt.

Trao đổi với báo Thanh Niên, KTS Đặng Phan Lạc Việt (người gốc Đà Lạt) cho rằng: “Người dân Đà Lạt có quyền tự hào về khu Hòa Bình, rạp Hòa Bình, về khu Dinh tỉnh trưởng… Đó là một phần của lịch sử Đà Lạt. Nếu phá bỏ rạp Hòa Bình, phá bỏ Dinh tỉnh trưởng để thay vào đó là những khối kiến trúc xa lạ thì quá đáng tiếc”.

Còn KTS Trần Công Hòa (Hội KTS tỉnh Lâm Đồng) nêu quan điểm: “Rạp Hòa Bình từ xưa đến nay là “điểm mốc” đô thị Đà Lạt, có thể xem là biểu tượng của Đà Lạt vì gắn bó với đời sống sinh hoạt, tinh thần, chính trị, văn hóa của người Đà Lạt. Từ mọi ngã đường khi nhìn về tháp cao của rạp Hòa Bình dễ dàng định được hướng đi”.

Trong khi đó, trao đổi với Zing về rạp Hòa Bình, PGS.TS. Nguyễn Minh cho rằng: "Nhìn một cách công bằng, đây không phải là công trình kiến trúc đặc sắc gì. Nó chỉ là cái nhà, hội trường được xây vào năm 1958, tuổi cũng chưa cao lắm nên việc dỡ bỏ nếu cần thì cũng được. Nhưng vấn đề quan trọng là phải xây công trình nào cho xứng đáng".

Theo ông, vị trí địa lý khu Hòa Bình chỉ nên xây nhà thấp tầng (khoảng 2-3 tầng). Đó có thể là nhà triển lãm mỹ thuật, trung tâm thiếu nhi,... quy mô không lớn. PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nêu ý kiến cần có cuộc thi thiết kế để chọn ra công trình đặc sắc.

Theo bản vẽ, nơi này sẽ xây tòa nhà khối tròn cao 5-6 tầng. Chuyên gia quy hoạch đô thị này cho rằng xây dng trung tâm thương mại thì phải cao tới 40 m. Nếu vậy sẽ phá vỡ không gian và công trình lớn như vậy "thật sự xấu".

"Một công trình có thể đẹp hay xấu tùy theo vị trí. Có thể chỗ này đẹp nhưng đặt chỗ khác là xấu. Không gian xung quanh Hòa Bình đường quá hẹp, nếu thêm trung tâm thương mại to thì sẽ không có chỗ gửi xe, người ta ra vào đông quá sẽ làm hỏng đi", PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nhận định và cho rằng nên chuyển chỗ khác để không dồn nén khu trung tâm.

"Đà Lạt nên giãn bớt ra ngoài. Trung tâm thương mại kết hợp giải trí thì người ta sẽ đến thôi. Quy hoạch như đồ án sẽ đè nén khu trung tâm. Không nên. Bản thân khu trung tâm đã quá chật chội rồi. Một công trình đẹp nên đặt ở chỗ xứng đáng hơn, có khoảng trống, rộng lớn hơn thì người ta mới nhìn được", ông nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch Đà Lạt: Chuyên gia lo mất bản sắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới