Thứ bảy, 20/04/2024 21:07 (GMT+7)

Quy hoạch sân bay Chu Lai: “Mở đường” cho tư nhân đầu tư sân bay

MTĐT -  Thứ sáu, 27/12/2019 15:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương tổ chức triển khai lập điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai, theo định hướng xã hội hoá.

Theo Zing, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Thông báo nêu rõ Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch đến năm 2030 là cảng hàng không quốc tế với công suất 5 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bản (GRDP) năm 2030 gấp trên 2,5 lần GRDP năm 2020.

Vì vậy, Phó thủ tướng cho rằng việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung.

Theo đó, sân bay Chu Lai sẽ được đầu tư nâng cấp thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay tầm cỡ khu vực.

Đáng chú ý, tại Thông báo số 141/TB-VPCP, Thủ tướng giao Bộ GTVT thống nhất với tỉnh Quảng Nam điều chỉnh quy hoạch và nhà đầu tư thực hiện nâng cấp cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa, không dùng ngân sách Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT lập điều chỉnh quy hoạch sân bay Chu Lai, lựa chọn phương án tối ưu đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, báo cáo Thủ tướng theo quy định.

Mở đường cho doanh nghiệp tư nhân

Đầu tư cảng hàng không Chu Lai theo hình thức không dùng ngân sách Nhà nước là việc chưa có tiền lệ bởi đối với các dự án đầu tư, mở rộng các hạng mục sân bay trước đây, Chính phủ yêu cầu khuyến khích, ưu tiên sử dụng vốn tư nhân nhưng chưa bao giờ chỉ định rõ ràng là không dùng vốn ngân sách. Động thái này được coi là tín hiệu đáng mừng đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân đang có ý định tham gia đầu tư hạ tầng sân bay, điển hình là Hãng hàng không Vietjet. Đơn vị này từng đề xuất Bộ GTVT cho phép tham gia đầu tư 20.000 tỉ đồng nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai với phân kỳ đầu tư chia thành 3 giai đoạn.

Trao đổi báo Thanh Niên về vấn đề này, TS Lương Hoài Nam, thành viên Tổ tư vấn du lịch - người đã có rất nhiều năm nghiên cứu về kinh tế hàng không - nhận định việc chỉ định sử dụng vốn xã hội hóa để đầu tư và nâng cấp toàn diện sân bay Chu Lai là động thái “bật đèn xanh”, từng bước cụ thể hóa chủ trương cho phép DN tư nhân tham gia vào mở cửa bầu trời, mà Chính phủ đã nhiều lần khẳng định nhưng chưa làm được. Theo ông Nam, trong bối cảnh hạ tầng sân bay VN đang quá tải nghiêm trọng như hiện nay, tận dụng nguồn lực từ xã hội, từ khu vực kinh tế tư nhân là điều tất yếu để hoàn thiện hạ tầng, đột phá hàng không, du lịch. Cụ thể, cả nước hiện có 22 sân bay dân dụng, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Tổng công suất toàn mạng sân bay đạt 90,4 triệu lượt khách/năm, nhưng năm 2018 đã được khai thác phục vụ gần 105 triệu lượt khách. Cả 3 sân bay quốc tế lớn nhất của nước ta đều đang quá tải.

“Ngân sách nhà nước không thể đủ kham nổi việc hoàn thiện hạ tầng sân bay một cách nhanh chóng. Với một nền du lịch và vận tải hàng không phát triển đầy năng động như ở nước ta trong vài chục năm gần đây, việc phát triển hạ tầng sân bay dựa vào chỉ một DN sân bay như ACV (Tổng công ty Cảng hàng không) là bất hợp lý và bất khả thi. Để gỡ nút thắt hạ tầng sân bay, không có cách nào khác là kêu gọi nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay ở nước ta cần trở thành một chủ trương xuyên suốt và có quy định cụ thể, rõ ràng cho từng dự án”, ông Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS Lương Hoài Nam cũng lưu ý đối với các dự án phát triển sân bay, khuyến khích tư nhân tham gia thì phải cho phép đầu tư, quản lý tổng thể tất cả các hạng mục của một sân bay dân dụng: bao gồm cả khu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và các dự án thương mại, dịch vụ thành phần. “Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân phải có quyền tham gia đầu tư vào nhiều dạng dự án phát triển hạ tầng hàng không.

Không chỉ các dự án xây mới hoàn toàn như sân bay Vân Đồn, đối với các cảng đã có hạ tầng khu bay, đang thuộc quản lý của ACV nhưng cần mở rộng, nâng cấp hay đầu tư thêm các dự án thành phần thì doanh nghiệp khác vẫn có quyền tham gia đấu thầu, thực hiện. Đã chủ trương xã hội hóa, mở cửa bầu trời thì phải làm cho tới và rõ ràng. Tránh mở nửa vời, cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều “chết dở” như câu chuyện 2 đường băng đang chờ sửa tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài”, ông Nam đề xuất.

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch sân bay Chu Lai: “Mở đường” cho tư nhân đầu tư sân bay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất