Thứ sáu, 29/03/2024 03:08 (GMT+7)

Siêu dự án tâm linh chùa Hương 15.000 tỷ đồng gây tranh cãi

MTĐT -  Thứ năm, 27/12/2018 14:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Siêu dự án tâm linh chùa Hương với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng, quy mô khoảng 1.500 ha vừa được Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất đang gây ra nhiều tranh cãi.

Siêu dự án tâm linh chùa Hương đang gây ra nhiều ý kiến.

Siêu dự án tâm linh Hương Sơn với kinh phí khủng

Mới đây, Doanh nghiệp Xuân Trường đã có văn bản đề xuất lên UBND TP Hà Nội cho xây dựng dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn (tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), có quy mô khoảng 1.500 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 15.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án được doanh nghiệp cho biết là nhằm xây dựng khu du lịch Hương Sơn mang tầm cỡ Quốc tế. Nhà đầu tư cũng cam đoan nếu được Hà Nội đồng ý cho triển khai dự án, khu du lịch Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hoá thế giới vào năm 2030.

Khi khu du lịch hoàn thành sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 30.000 người lao động, mỗi năm nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng...

Theo đề xuất, dự án sẽ được xây dựng trên khu vực được bao bọc bằng dãy núi đá vôi và những ao hồ, ruộng ngập nước. 

Chùa Hương là danh thắng nổi tiếng ở nước ta.

Phía Bắc của dự án được đề xuất giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc (nơi có chùa Tam Chúc), phía Tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình và phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam.

Khó khả thi và tác động đến môi trường

Ngay sau khi đề xuất về siêu dự án được biết đến, nhiều chuyên gia văn hóa, thủy lợi đã bày tỏ sự lo ngại.

Chia sẻ với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền bày tỏ lo ngại khi cho rằng việc dự án xây dựng sẽ tác động đến cảnh quan tự nhiên ở khu vực suối Yến.

Theo ông Biền, dòng chảy Suối Yến gần như nguyên sơ từ trăm năm nay. Về mặt tâm linh, đây được ví là dòng nước cam lồ từ Hương Tích chảy ra, việc nạo vét, khơi thông sẽ ảnh hưởng đến khoa học phong thủy...

Trong khi đó, chuyên gia sông ngòi Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng: Nếu tiến hành thực hiện dự án không cẩn thận sẽ làm hỏng cả thắng cảnh.

Ngoài ra ông Tứ cho rằng, trong báo cáo chưa nói rõ rằng dự án sẽ xâm phạm như thế nào tới cảnh quan bởi khu vực này là rất nhạy cảm.

"Làm khu du lịch cũng tốt, tạo ra một nền kinh tế xanh nhưng vì quyền lợi của ai và ai là người được lợi nhiều. Nếu làm đẹp thì đừng can thiệp nhiều, cố gắng giữ gìn thiên nhiên... ", ông Tứ bày tỏ.

TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Tứ cho rằng, trong đề xuất gửi TP Hà Nội, doang nghiệp có dẫn thành công từ mô hình chùa Bái Đính... Tuy nhiên, phải làm rõ từ đầu số vốn đầu tư 15.000 tỉ đồng thì doanh nghiệp hưởng bao nhiêu, ngân sách bỏ ra bao nhiêu và sẽ mang lại lợi nhuận thế nào?

Được biết, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa qua cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ băn khoăn về dự án này. Một trong những vấn đề khiến nữ đại biểu trăn trở đó là "xây dựng khu du lịch tâm linh này vì lợi ích của ai? Ai là người được hưởng lợi?".

Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy ngày 25/12, ông Trần Ngọc Nam - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: Tại khu vực này hiện đã có 3-4 dự án đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấp thuận. Trong đó có cả về tâm linh, cáp treo liên quan đến cả Hòa Bình và Hà Nội.

Theo ông Nam, đại gia Xuân Trường đề nghị được cấp hơn 1.000 ha. Tuy nhiên, gần 400 ha trong 1.000 ha trên bị chồng lấn với các dự án đã có từ trước.

PGĐ Sở KH-ĐT Hà Nội cho rằng, có thể hiểu việc thu lợi với Xuân Trường chỉ là một vấn đề, còn một việc khác mà doanh nghiệp này muốn là tạo cảnh quan đẹp cho Hà Nội, để 4 hoặc 5 năm tới trở thành di sản thế giới. Tuy nhiên, PGĐ Sở KH-ĐT Hà Nội cũng đánh giá, việc 4-5 năm sau khu vực trên có thể trở thành Di sản thế giới như đại gia Xuân Trường kỳ vọng là hơi quá. Trước đó, Sở KH-ĐT Hà Nội đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội về việc này.

Đại gia Xuân Trường gây tuyên bố "chỉ khuyến cáo"

Thông tin phản ánh về dự án Báo Lao động dẫn lời ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường cho hay: Đây chỉ là "gợi ý" của đơn vị với UBND TP Hà Nội để có một cảnh quan xứng tầm, chứ chưa phải quyết định cuối cùng.

Về các văn bản gửi UBND TP và các cơ quan chức năng liên quan trong thời gian vừa qua, đại gia quê Ninh Bình khẳng định đó chỉ là văn bản mang tính khuyến cáo, không có nghĩa là đề xuất xin dự án .

"Tỉnh nào tôi chẳng khuyến cáo. Chúng tôi chỉ nói rằng phải giữ gìn lấy di sản. Đừng nghe mấy ông lợi ích nhóm nói chúng tôi là phá môi trường thế nọ thế kia. Hơn nữa, tôi còn đang tập trung chuẩn bị cho Đại lễ Vesak 2019, có khi mời tôi cũng chẳng làm. Tôi chỉ gợi ý cho tất cả các doanh nghiệp. Tôi chỉ làm chủ trương thôi. Làm gì có doanh nghiệp nào đi làm chùa?”, ông Trường khẳng định với PV báo Lao động.

Báo Vietnamnet cũng dẫn lời ông Trường cũng cho biết: “Đó là phương án và kinh phí mà nếu quy hoạch lại khu chùa Hương thì nên làm như thế. Tôi đưa lên như thế để bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào có tâm, tầm thì đầu tư chứ không phải nhận cho mình”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Nguyễn Nam/Sức Khỏe Cộng Đồng
Bạn đang đọc bài viết Siêu dự án tâm linh chùa Hương 15.000 tỷ đồng gây tranh cãi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.