Thứ sáu, 29/03/2024 21:59 (GMT+7)

Sở GTVT Hà Nội: Bến xe Yên Sở được thiết kế hiện đại nhất cả nước

MTĐT -  Thứ năm, 09/08/2018 11:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Sở GTVT Hà Nội, bến xe Yên Sở sẽ được thiết kế hiện đại nhất cả nước; khép kín từ khu vực đón khách, trả khách, xe xếp chỗ chờ đón khách đến khu vực bán vé.

Theo Vnexpress, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thiết kế bến xe Yên Sở gồm tòa nhà hình tròn 3 tầng, diện tích 2.000 m2, công suất 1.000 xe mỗi ngày. Trong đó, tầng một là nơi bán vé và showroom cho thuê, tầng hai sẽ kinh doanh đồ ăn nhanh. Ngoài ra, tầng hầm rộng khoảng 5.000 m2 được dùng làm nơi trông giữ xe cho hành khách.

Theo Sở GTVT Hà Nội, đây là bến xe khách hiện đại nhất cả nước; khép kín từ khu vực đón khách, trả khách, xe xếp chỗ chờ đón khách đến khu vực bán vé. Hầu hết các công đoạn tại bến xe sẽ tự động hóa, như kiểm soát xe ra, hiển thị thông tin về chuyến xe, giờ xuất bến, cửa đón khách, hay khu vực xe buýt, khu vực taxi...

Phối cảnh bến xe Yên Sở khi hoàn thành. Ảnh: Internet. 

Ngoài ra, theo thông tin trên CAND, bến xe này sẽ được trang bị wifi miễn phí, sạc pin điện thoại, điều hòa để phục vụ hành khách ngồi chờ đến giờ xe chạy. Khu vực trả khách sẽ được tách biệt, hành khách sau khi xuống xe sẽ đi dọc theo đường hầm, đến nơi lấy phương tiện gửi tại đây, hoặc theo đường hầm để đến khu vực đón xe buýt, đi về trung tâm thành phố.

Tại Đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Sở GTVT và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, Bến xe Yên Sở tiếp tục được quy hoạch là bến xe khách liên tỉnh trung hạn với chức năng hỗ trợ, giảm tải cho 3 bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm.

Năm 2016, UBND TP. Hà Nội cho phép Công ty cổ phần bến xe Thanh Trì được đầu tư xây dựng bến xe khách Yên Sở (bến xe Thanh Trì) tại quận Hoàng Mai.

Dự án bến xe khách kết hợp bãi đỗ xe giai đoạn đầu sẽ khai thác 400 lượt xe mỗi ngày đêm. Vốn đầu tư dự án là 118 tỷ đồng, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Chủ đầu tư đang tiến hành giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng vào cuối 2018.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện các bến xe ở phía Nam quá tải. Để giải quyết ách tắc, thành phố định hướng đưa các xe khách ra ngoài vành đai 3 và tương lai là ngoài vành đai 4.

Trước mắt, xe các tỉnh phía Bắc sẽ chuyển về bến xe Cổ Bi; xe khách đi các tỉnh phía Nam sẽ tạm thời về bến xe Yên Sở. Bến Giáp Bát sẽ chuyển thành bãi đỗ xe và bến trung chuyển vận tải hành khách công cộng.

Ông Viện cho rằng, sau khi chuyển bến xe Giáp Bát, phía Nam Hà Nội chỉ còn bến Nước Ngầm và Yên Sở. Khi nào bến xe phía Nam mới ở khu vực Ngọc Hồi - vành đai 4 xây dựng xong, sẽ chuyển toàn bộ xe khách liên tỉnh về bến xe mới.

Giám đốc Sở Giao thông cũng cho biết, thành phố cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư bến xe Yên Sở trong 50 năm là do công năng sử dụng không chỉ là bến xe liên tỉnh mà còn cả bến bãi đỗ xe. Khi Hà Nội xây dựng được bến xe phía Nam ở ngoài vành đai 4 thì phương tiện tại bến xe Yên Sở sẽ được di chuyển, giữ lại hạ tầng bến xe là bãi xe trung chuyển.

Liên quan đến nhiều thông tin cho rằng, bến xe Yên Sở nằm ngoài quy hoạch, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Dự án bến xe Yên Sở phù hợp với các quy hoạch chung - riêng trong lĩnh vực giao thông vận tải của thành phố. Bộ GTVT cũng đã thẩm định kỹ và trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bến xe này”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gian giao thông, việc xây dựng Bến xe Yên Sở sát đường vành đai 3 là trái với quan điểm di chuyển bến xe ra khu vực vành đai 4 của thành phố. Hơn nữa, quy hoạch bến xe ở Thủ đô đang đi ngược với thế giới.

Nhiều ý kiến trái chiều về việc xây dựng bến xe Yên Sở. Ảnh: Internet. 

Nhấn mạnh việc Hà Nội cho xây dựng Bến xe Yên Sở cạnh đường vành đai 3 là trái quan điểm di chuyển bến xe ra khu vực vành đai 4 của thành phố, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam trao đổi với VOV rằng, cần thực hiện chuyển đồng loạt, tránh tình trạng bến đi, bến ở lại.

“Đã chuyển thì phải chuyển cả, chứ tất cả đi mà có một bến Yên Sở ở lại chỉ hoạt động mấy năm, sẽ khiến các DN vận tải, đơn vị đầu tư bến xe đặt câu hỏi về sự bất hợp lý. Khi vẫn tồn tại Bến xe Yên Sở trong nội đô, Hà Nội sẽ không thể thu hút được đầu tư tư nhân vào bến xe khác ở khu vực vành đai 4 như quy hoạch và chủ trương của thành phố. Về tổ chức giao thông, quy hoạch là bất thường", ông Thanh nhìn nhận.

Liên quan đến việc Hà Nội cho phép bến xe hoạt động 50 năm, trong khi các bến xe khác đang hoạt động lại cho chuyển đi nhiều người cho rằng là thiếu nhất quán và không hợp lý.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Sở GTVT Hà Nội: Bến xe Yên Sở được thiết kế hiện đại nhất cả nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới