Thứ tư, 24/04/2024 08:45 (GMT+7)

Thái Nguyên: Bất cập tại dự án Khu du lịch sinh thái Đá Thiên

Nhóm PV -  Thứ tư, 09/09/2020 10:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án Khu du lịch sinh thái Văn hóa Đá Thiên với quy mô gần 1000 tỷ đồng dù chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý nhưng doanh nghiệp đã đi gom đất lúa của người dân.

Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên dự kiến tọa lạc tại Thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) do Công ty TNHH Xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc (Phường Tân Thanh, TP. Ninh Bình) làm Chủ đầu tư được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 20/6/2018, dự án có tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, quy mô trên 55ha, vành đai bảo vệ 244,4ha, chủ yếu là đất rừng và đất nông nghiệp.

Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên (ảnh minh họa dự án).

Theo quảng cáo, dự kiến khi hoàn thành dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của địa phương và ý tưởng kết nối một số khu vực tâm linh như: Hồ Núi Cốc và Đình, Đền, Chùa Cầu Muối. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến không chỉ ở Thái Nguyên mà các tỉnh lân cận và quốc tế.

Dự án ra mắt và được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương từ năm 2018, kỳ vọng khởi công từ quý 2/2019 nhưng qua nhiều năm, trải qua nhiều nỗ lực đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai khi vướng phải một số lỗi được ví như những “hạt sạn… siêu to khổng lồ”, nhất là khi chủ đầu tư dự án là đơn vị có thương hiệu tại địa phượng.

Nguyên nhân dự án chưa thể triển khai, đi vào hoạt động khai thác là bởi hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện. Cụ thể theo văn bản số 786 do UBND huyện Đồng Hỷ ban hành ngày 19/6/2020 nêu rõ dự án sử dụng trên 10 ha đất Lúa nên cần sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngày 19/6/2019 UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản số 84 trình Thủ tướng Chính phủ tuy nhiên đến nay vẫn chưa được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tờ trình trình Thủ tướng và đến nay vẫn chưa được đồng ý chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Dù đang trong thời gian hoàn thiện, bổ sung hồ sơ pháp lý (Quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường; chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích đất…) nhưng theo phản ánh, chủ đầu tư đã tìm đến nhiều hộ dân có đất trong diện quy hoạch dự án để thu mua, làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ (có bản ghi là thỏa thuận chuyển nhượng). Đáng lưu ý, những bản hợp đồng có chữ ký, con dấu của chính quyền địa phương xác nhận và thời điểm là khi UBND tỉnh Thái Nguyên chưa ra văn bản tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Một số hộ dân đã nhận tiền bồi thường không ngần ngại “bật mí” về cách thức “giao dịch giữa chủ đầu tư và người dân (hộ dân) có đất. Các hộ dân đồng ý bán đất sau khi nhận tiền bồi thường sẽ giao sổ đỏ cho doanh nghiệp làm thủ tục chuyển đổi còn biên bản bàn giao, nhận tiền sẽ do phía công ty giữ!? Biên bản trên sẽ được sao in để chuyển đến tay hộ dân nhận tiền sau khi doanh nghiệp hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý.

Ngoài hình thức “tiền tươi – thóc thật”, một số trường hợp khác được Công ty Thiên Phúc giao tiền dưới hình thức ký kết hợp đồng, trả trước 70% tổng số tiền, ngoài ra còn 30% thì chưa có thời hạn trả. Các hợp đồng đều có dấu xác nhận của chính quyền địa phương.

 Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp có chữ ký, xác nhận của chính quyền địa phương.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng TNMT huyện Đồng Hỷ cho rằng hợp đồng giữa người dân và doanh nghiệp sử dụng câu từ chưa chính xác dẫn đến việc người dân hiểu sai, chưa đúng bản chất sự việc.

Ở diễn biến khác, ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc khẳng định việc làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp khi chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý là không sai.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vào những kỳ sau

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Bất cập tại dự án Khu du lịch sinh thái Đá Thiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới