Thứ ba, 23/04/2024 20:03 (GMT+7)

Thanh Hóa: “Khát” nước trong khu biệt thự giữa trung tâm thành phố

HOÀNG BÁCH -  Thứ sáu, 20/07/2018 11:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều hộ dân sống ở mặt bằng 1876 P. Đông Hương, TP Thanh Hóa “khát” nước sạch. Mặt bằng này do UBND TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư và BQL di tích lịch sử Hàm Rồng được giao quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng

Trái với những gì đã cam kết trước đó của chủ đầu tư là sẽ có đầy đủ cơ sở hạ tầng khi cư dân đến làm nhà. Nhưng đã hơn 3 năm qua, hàng chục hộ dân sống trong các khu biệt thự hàng chục tỷ đồng vẫn khốn khổ vì “khát nước” sinh hoạt ngay giữa trung tâm TP.Thanh Hóa.  

Các hộ dân vẫn sống trong cảnh nước đi xin từng can, những gia đình đấu nối xin nước ở Bệnh viện Thanh Hà thì thời gian cao điểm nước yếu, không đáp ứng được đã gây khó khăn không nhỏ đến đời sống sinh hoạt.

Ông Nguyễn Tất Thành, người dân sống trong khu này cho biết: “Ở ngay giữa trung tâm thành phố mà mấy năm trời khốn khổ vì điện rồi đến nước. Giải pháp của người dân là dùng nước giếng khoan nhưng nước giếng khoan toàn đá vôi rất nguy hiểm. Thành thử mọi nhà phải đấu chung đường ống với nhau xin nước của Bệnh viện Thanh Hà, nhiều lúc nước yếu có lấy được đâu”.

Cũng theo ông Thành thì, nước giếng khoan nhà ông đã qua bể lọc rồi nhưng rất hôi, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, mới đây, gia đình ông đã phải đầu tư 20 triệu chi phí cho việc lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm để tìm cách xử lý.

“Bây giờ dân chúng tôi không biết kêu ai nữa, nếu chờ được nước sạch mà nhà thầu đưa về sợ dân bị bệnh tật hết nên mỗi gia đình phải tự tìm cách khắc phục” – ông Thành cho biết thêm.

 Những căn biệt thự hàng chục tỷ đồng khang trang nhưng lại luôn trong tình trạng khát nước sinh hoạt.

Anh Tống Đức Cảnh, cư dân ở lô 21C bức xúc: “Nếu biết khổ thế, chúng tôi chẳng bao giờ mua đất ở đây. Lúc bán, chủ đầu tư hứa hẹn đầy đủ cơ sở hạ tầng khi dân đến ở nhưng giờ đã hơn 3 năm trôi qua, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi nước sạch. Mà nhu cầu dùng nước là vô cùng cần thiết đối với cuộc sống ấy vậy mà chúng tôi kiến nghị mãi vẫn chẳng thấy đâu”.

Cũng theo anh Cảnh thì nhiều hôm nước yếu, gia đình nhà anh phải sang hàng xóm xin từng can nước để dùng. “Chúng tôi rất mong chủ đầu tư sớm có biện pháp khắc phục tình trạng trên để người dân sớm ổn định cuộc sống” – anh Cảnh nói thêm.

Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Thanh Liên - Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử Hàm Rồng cho biết: “Thời gian qua, thành phố cũng đã rất nỗ lực, liên tục yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Vấn đề điện và đường cơ bản đã xong còn vấn đề nước thì tất cả các đường ống hiện đã hoàn thành.

Tuy nhiên, thành phố cũng khó khăn về tài chính nên giải ngân được cho nhà thầu không được bao nhiêu. Hiện tại còn chính thức nợ nhà thầu 3 tỷ, một số hạng mục đang thi công thì chưa nghiệm thu nên chưa tính nhưng cũng có khả năng toàn bộ cũng rơi vào trên dưới chục tỷ”.

“Thành phố cũng đã đặt vấn đề nhà thầu thống nhất sang thanh toán tiền, không nhiều thì ít để làm việc với nhà máy nước thì họ mới cung cấp nước. Trong tuần này nếu làm hồ sơ xong, tuần tới thành phố giải ngân lúc nào nhà thầu sẽ làm việc với Công ty nước lúc đó và sẽ đưa nước về sớm cho bà con”- ông Liên khẳng định.

Trong lúc đợi UBND TP. Thanh Hóa làm việc với nhà thầu và các bên liên quan thì hằng ngày nhân dân nơi đây vẫn mòn mỏi đợi chờ những giọt nước sạch lúc giờ cao điểm, vẫn phải xách can đi lấy từng can nước và sử dụng chắt chiu từng giọt nước.

Thiết nghĩ TP. Thanh Hóa cần nhanh chóng vào cuộc giải quyết những bất cập mà cư dân nơi đây đang phải gánh chịu thời gian qua.

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: “Khát” nước trong khu biệt thự giữa trung tâm thành phố. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới