Thứ sáu, 29/03/2024 14:19 (GMT+7)

Thanh Trì (Hà Nội): Chuyện lạ trong triển khai dự án BT xã Liên Ninh

YẾN OANH -  Thứ hai, 30/07/2018 06:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án theo hình thức BT để xây dựng đoạn đường rồi mất đi 30ha đất nông nghiệp tại xã Liên Ninh. Hiện đất đối ứng được làm sạch trước ngay cả khi chưa có quyết định thu hồi đất..!

Ngày 17/03/2011, UBND TP Hà Nội ra văn bản số 1823/UBND-KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép áp dụng chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp Hợp đồng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường 70B thôn Tự Khoát đến đường liên thôn thuộc thôn Phương Nhị và đường nối từ đường bao đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ nối với QL1A theo hình thức Hợp đồng BT. 

Căn cứ chỉ định thầu!

Tiếp đó, ngày 28/06/2011, Thủ tướng Chính Phủ ra văn bản số 1042/TTg-KTN đồng ý chủ trương đầu tư dự án trên theo hình thức Hợp đồng BT. Ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định chỉ định nhà đầu tư, đàm phán trực tiếp Hợp đồng BT, chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư các Dự án…

Tuy nhiên, tại văn bản số 7713/UBND – KH&ĐT ngày 04/10/2012 của UBND TP Hà Nội về kết quả rà soát các dự án đầu tư theo hợp đồng BT của TP Hà Nội thì dự án tuyến đường nối trên được xác định là dãn tiến độ, triển khai thực hiện ở giai đoạn sau năm 2020.

Hình thức chỉ định nhà thầu tại các dự án BT đang được các chuyên gia kinh tế chỉ ra những bất cập, lỗ hổng tạo gây mất tính cạnh tranh công bằng, tạo điều kiện cho tham nhũng, lợi ích nhóm... 

Ngày 07/12/2012, để giúp nhà đầu tư là công ty CP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình (HBI) nhanh chóng thực hiện dự án, UBND huyện Thanh Trì ra văn bản số 3376/UBND- TCKH gửi UBND T/P Hà Nội và Sở kế hoạch Đầu tư. Nội dung là nêu ra những nguyên nhân cần cấp bách thực hiện ngay dự án đường nối trên nhằm phát triển kinh tế xã hội. Đề nghị xem xét, cho chủ trương để Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình tiếp tục triển khai thực hiện ngay dự án  trên theo hình thức hợp đồng BT.

Tháng 8/2015, UBND huyện Thanh Trì lại tiếp tục ra văn bản số 1871/UBND-TCKH gửi UBND TP Hà Nội, Sở kế hoạch và Đầu tư,…đề nghị cho Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Hòa Bình (HBI) được triển khai ngay Dự án. Như vậy, Nhà đầu tư này được sự đồng thuận của cả UBND TP Hà Nội và UBND huyện Thanh Trì.

Ngày 16/03/2017, UBND TP Hà Nội ra quyết định số 1751/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề xuất Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường 70B thôn Tự Khoát đến đường liên thôn thuộc thôn Phương Nhị; Đường nối từ đường bao đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ nối QL1A theo hình thức hợp đồng BT.

Có hậu thuẫn?

Theo phản ánh của người dân, vào những ngày cuối cùng của năm 2017 vừa qua, đúng đợt cận Tết nguyên Đán, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòa Bình cùng chính quyền địa phương đã xuống vận động bà con thôn Thọ Am di chuyển mồ mả tại diện tích đất khu đối ứng, khi chưa hề có quyết định thu hồi đất.

Cụ thể, khi xuống tiếp xúc với bà con, ông Nguyễn Văn Bình đại diện các hộ cho biết:" Đúng đợt giáp Tết vừa rồi dân chúng tôi phải chạy mồ mả ngày đêm. Công ty và cán bộ xã, huyện kêu gọi người dân vào nhà văn hóa họp phổ biến, cho mỗi người 50.000 đồng.

Đáng nhẽ ra họ phải thỏa thuận với dân theo lộ trình và có quyết định thu hồi đất đàng hoàng. Dân thì thiếu hiểu biết. Đằng này, họ phối hợp với chính quyền, mang hình thức đồng tiền ra để làm đòn bẩy đánh vào tâm lý dân. Họ nói chuyển luôn thì có tiền, không chuyển thì sang năm chuyển sẽ không có tiền mà vẫn phải chuyển. Sau này chung cư xây lên nó kẹt nọ kia nên nhà nào cũng phải sợ phải chuyển gấp."

Khu nghĩa địa được công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòa Bình mua lại số sào ruộng của dân để vận động bà con chuyển mồ mả, làm sạch khu đất đối ứng trước khi có Quyết định thu hồi đất...

"Bây giờ, khi 80% số hộ đã di dời số mộ thì phản ánh lên xã, phía xã lại nói đây là do dân chúng tôi tự làm việc với Công ty. Vậy xã không liên quan thì tại sao hôm đi đo đạc cán bộ địa chính xã đi cùng!

Được biết, phía Công ty đã mua vài sào ruộng ở gần nghĩa trang để phục vụ cho nhân dân dồn mổ mả vào đó. Mả xây thấp thấp thì 11,6 triệu. Mộ đất được 9,6 triệu, tùy mộ cao thấp họ đo theo mét vuông họ trả. Bức xúc hơn khi dân phải bđào hố, chụp ảnh, nhìn tiểu xong xuôi họ mới cho ký tên để sau trả tiền...", bà Nguyễn Thị Lan cho hay.

"Chúng tôi rất bức xúc vì người dân sống vì mồ mả. Không có thời gian để nhân dân tính toán. 1 tuần là chạy như gần xong cánh đồng. Chỉ vì Công ty này mà dân phải chuyển mồ mả của ông bà tổ tiên.

Người ta chỉ nói di chuyển mồ mả để sau này làm chương trình BT, lấy đất để làm khu đô thị", anh Hoàn (thôn Thọ Am) đại diện các hộ dân cho biết.

Đem vấn đề thắc mắc rằng tại sao khi chưa có quyết định thu hồi đất chính thức tại dự án đối ứng này, Công ty đã biết chắc chắn được giao gần 30ha đất này để thực hiện đi trước 1 bước - "làm sạch" và chính quyền lại giúp doanh nghiệp đến UBND xã Liên Ninh.

Người dân bức xúc: "Công ty phải về làm lại nghĩa trang, tại sao lại không lấp đất, không làm đường xá cho đàng hoàng. Móc hết lớp thượng bì, xây mỗi phần thô để đặt tiểu vào để khi trời mưa thì nhầy nhội bẩn thỉu, phải lội, cỏ mọc hoang..."

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Ảnh - Chủ tịch UBND xã Liên Ninh thừa nhận: "Đúng là ở tuyến đường mới có quyết định GPMB còn khu đất đối ứng hiện tại mới có quyết định phê duyệt quy hoạch.

Việc GPMB, chuyển mồ mả ở khu đối ứng này là có sự phối hợp giữa xã, Trung tâm phát triển quỹ đất, thôn. Nhưng hộ nào di chuyển mồ mả thì công ty có thêm hỗ trợ, phần hỗ trợ thêm là quyền của công ty chúng tôi không can thiệp. Tất cả các mồ mả phải chụp ảnh để lưu vào hồ sơ".

"Đại diện trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì lại khẳng định đây là chuyện hết sức bình thường: Việc chuyển mồ mả là do người dân tự làm thôi. Mồ mả nhà ông cha bà mẹ di chuyển là chuyện bình thường, đây là lĩnh vực tâm linh của người dân.

Hiện tại, dự án mới GPMB ở phần tuyến đường còn đối ứng thì chưa làm gì. Đất đối ứng 100% đất nông nghiệp và khẳng định hiện chưa có quyết định giao đất đối ứng.

Công ty họ xuống ý muốn hỗ trợ bà con, dù sao không sớm thì muộn người ta cũng phải di chuyển. Tạo điều kiện cho chủ đầu tư thì người ta cũng bỏ tiền ngoài ra người ta hỗ trợ. Còn nếu sau này "chính thống", đền bù GPMB thì cũng chỉ đền bù theo đơn gia Nhà nước thôi.

Bên tôi không ép một ai, tự nguyện hỗ trợ, xây thô toàn bộ, chỉ để tiểu vào ốp đá. Dân ý kiến việc khu nghĩa trang đó bỏ hoang, tôi sẽ ý kiến"- ông Hoàng cho biết.

Làm sạch đất đối ứng khi chưa có quyết định thu hồi đất

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Vũ Văn Biên (Công ty Luật TNHH Khoa Tín) cho rằng căn cứ theo Điều 49, Điều 67, Điều 70 Luật Đất đai năm 2013 có thể thấy quy trình thu hồi đất như sau: Có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND cấp huyện (trong vòng 03 năm phải có quyết định thu hồi đất); Thông báo thu hồi đất (chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp trước khi có quyết định thu hồi đất); Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Bản đồ phần 2 tuyến đường và lô đất đối ứng tại dự án BT đổi đất lấy hạ tầng tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. Khu đất đối ứng nằm sát đoạn đường Nhà đầu tư sẽ phải làm...

Luật sư Biên cho rằng, Việc Trung tâm Phát triển Quỹ đất cùng công ty làm sạch đất trước khi có quyết định thu hồi đất là sai với quy định.

Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng phải được lập thành một phương án cụ thể và phải phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi.

Đồng thời phải niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi. Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.

Sau khi phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được phê duyệt và có quyết định thu hồi đất thì mới được tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Vì sao chưa được ký hợp đồng BT, mới chỉ là Nhà đầu tư, chưa là Chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòa Bình đã ráo riết đi trước 1 bước, vận động bà con chuyển mồ mả để làm sạch khu đất đối ứng? Ngoài ra, chính quyền trong đó có UBND xã Liên Ninh, UBND huyện Thanh Trì có đang ưu ái, tạo điều kiện cho doanh nghiệp?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ đợi câu trả lời của UBND T.P Hà Nội và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Hiện tượng các Chủ đầu tư sau khi ký được hợp đồng BT chỉ nhăm nhe khu đất đối ứng và bỏ bê trách nhiệm làm đường trả Nhà nước hiện không phải hiếm gặp. Bởi vậy, tại văn bản số 1785/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một loạt các sai phạm tại các dự án BT mà UBND T.P Hà Nội cùng một số cơ quan liên quan đã được kiến nghị xử lý trách nhiệm.

Chính vì vậy, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Hà Nội cần xem xét rõ vấn đề, đặc biệt là nên nghiên cứu kỹ về giá đất đối ứng trước khi giao cho doanh nghiệp.

Việc tổ chức, triển khai thực hiện cần có sự giám sát, công khai, minh bạch, tính toán rõ ràng để không xảy ra chuyện trục lợi, thất thoát tài sản nhà nước!"

Bạn đang đọc bài viết Thanh Trì (Hà Nội): Chuyện lạ trong triển khai dự án BT xã Liên Ninh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.