Thứ bảy, 20/04/2024 16:39 (GMT+7)

TP. Hà Nội: Chậm di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành

MTĐT -  Thứ sáu, 13/09/2019 08:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, việc di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề bức thiết được đông đảo người dân quan tâm.

Dậm chân tại chỗ

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội tính đến thời điểm tháng 6 năm 2017, trong các quận nội thành còn trên 200 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch, buộc phải di dời ra khỏi khu vực nội đô. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch, công tác di dời vẫn chỉ được thực hiện “trên giấy”.

Năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vấn đề di dời cơ sở sản xuất tiếp tục được xác định. Tiếp đó, ngày 23-1-2015, Thủ tướng ký quyết định, giao UBND TP Hà Nội lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể. Quá trình lập phương án, TP Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi tạo điều kiện để thúc đẩy việc di dời. Tuy nhiên, sau nhiều năm ròng rã, việc di dời các cơ sở này được đánh giá là rất chậm và ì ạch. Những cụm nhà máy sản xuất cao su, thuốc lá, bóng đèn phích nước, giày dép… vẫn tồn tại, hoạt động ngay giữa khu dân cư, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, trên địa bàn 12 quận, huyện của TP đang có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cần phải di dời. Trong số này, Sở TN-MT đề xuất các phương án di dời 26 cơ sở theo phương thức bắt buộc; 67 cơ sở đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102 ha; 27 cơ sở được UBND TP chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6 ha. Dù danh sách di dời đã được lập nhưng đến thời điểm hiện nay các cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động.

Ì ạch trong di dời

Công ty Thuốc lá Thăng Long có địa chỉ tại 235 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân với diện tích 64.226 mét vuông được liệt vào cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ dã chấp thuận việc Công ty Thuốc lá Thăng Long được dùng số tiền thu từ việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án di dời Công ty ra KCN Thạch Thất – Quốc Oai. Đến ngày 8/1/2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đại diện tham dự cuộc họp điều chỉnh nội dung dự án đầu tư di dời nhà máy Thuốc lá Thăng Long.Tuy nhiên, cuộc họp không đưa ra được lộ trình và thời điểm di dời cụ thể.

Ngụ tại tổ dân phố số 4, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Công ty TNHH bánh kẹo Nam Hương cũng nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng buộc phải di dời. Ngày 30/11/2016, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ban hành Quyết định số 6170/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đối với 07 cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quận. Ngày 20/01/2017, theo Quyết định số 463/QĐ-XPVPHC, công ty Bánh kẹo Nam Hương chịu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với công ty về hành vi xả thải nước thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép.

Khu vực sản xuất của Công ty Nam Hương tạm bợ, bẩn thỉu.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND thành phố Hà Nội tháng 6 năm 2017, Công ty CP cơ khí xây lắp máy điện nước (COMAEL) có trụ sở tại số 84 Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên có diện tích 8.000 mét vuông chuyên sản xuất thiết bị máy điện nước và cho thuê nhà xưởng thuộc vào nhóm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.Tuy nhiên, khi PV làm việc với người đại diện phía Công ty, ông Ngô Thế Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP cơ khí và xây lắp máy điện nước lại tỏ ra ngạc nhiên: “Cái quyết định gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ông nào dám xác định cho tôi, nghe thấy giật mình đấy. Nội dung doanh nghiệp không phải là gây ô nhiễm nghiêm trọng nói thế là sai. Có cái gì gây ô nhiễm đâu". Chắc chắn phải dựa trên những tiêu chí đánh giá và các quy định của pháp luật về việc quan chắc, đánh giá cụ thể trước khi đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vậy mà người đứng đầu Công ty này lại bàng hoàng không biết sự việc trên!

Công ty COMAEL nằm tại số 84 Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. HN.

Nhà máy của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng vẫn đang hoạt động dù kế hoạch chuyển về Hà Nam được phê duyệt từ chục năm trước. Câu chuyện di dời năm nào cũng được doanh nghiệp bàn đến trong mỗi kỳ Đại hội cổ đông nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Cũng nằm giữa khu đông dân cư, nhà máy của Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường (Trần Quý Cáp, quận Đống Đa), nhà máy Dệt kim Đông Xuân (Minh Khai, quận Hai Bà Trưng)... đều là những cơ sở phải di dời nhưng chưa thực hiện. Người dân khu vực xung quanh cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm do xả khói, bụi, tiếng ồn của những nhà máy có tuổi đời hàng chục năm này. 

Một loạt nhà máy khác như Xà phòng Hà Nội (Nguyễn Trãi), Nhà máy Bia Hà Nội (Hoàng Hoa Thám), Nhà máy Rượu (Lò Đúc)... gần đây cũng đã hoàn tất việc di dời, tuy nhiên cũng phải loay hoay đến nay mà chưa có kế hoạch cụ thể.

Đây chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải vào thời điểm hiện tại ở thủ đô. Đồng thời, đây cũng là một hồi chuông cảnh báo về việc nhiều nhà máy, cơ sở công nghiệp chây ì di dời ra ngoại ô khi mà quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ lâu .

Nguyên nhân chậm trễ

Một trong những nguyên nhân của việc chậm tiến độ di dời này chính là vị trí đắc địa của các nhà máy tại nội đô bởi các khu đất này đều ở vị trí đẹp, có giá trị cao, nên các đơn vị chần chừ trong việc di dời, bàn giao đất cho thành phố. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn đưa ra lý do thiếu nguồn vốn để di dời đến vị trí mới. Cùng với đó là khó khăn trong việc giải quyết công ăn việc làm nếu di dời nhà máy khỏi nội đô. 

Lý giải về tiến độ xử lý, di dời chậm, UBND TP Hà Nội cho rằng do tâm lý doanh nghiệp (DN) không muốn di chuyển ra xa nội thành, năng lực tài chính của hầu hết các DN còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ tại nơi di chuyển đến. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ DN di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế; các đồ án quy hoạch phân khu đô thị đang trong quá trình hoàn thiện quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng theo quy hoạch chung thủ đô được duyệt...

Việc hàng trăm nhà máy ô nhiễm vẫn hiện hữu tại nội đô đòi hỏi cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo của các cơ quan chức năng và cơ sở sản xuất để có thể giải quyết triệt để vấn đề này.

                                                                      Nguồn: Nguoilaodong.vn/ Nhadautu.vn

Ứng Chi

Bạn đang đọc bài viết TP. Hà Nội: Chậm di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ