Thứ sáu, 29/03/2024 14:21 (GMT+7)

Triển khai dự án “tiền trảm hậu tấu”: Chủ đầu tư lách luật gom đất?

Nhóm PV -  Thứ hai, 14/09/2020 14:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư đã tiến hành làm hợp đồng với cácg hộ dân có đất trong khu vực quy hoạch.

Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên dự kiến tọa lạc tại Thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) do Công ty TNHH Xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc (Phường Tân Thanh, TP. Ninh Bình) làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 20/6/2018, dự án có tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, quy mô trên 55ha, vành đai bảo vệ 244,4ha, chủ yếu là đất rừng và đất nông nghiệp.

Sau nhiều năm, dự án chưa thể triển khai, đi vào hoạt động vì chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

 Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên từ trên cao nhìn xuống.

“Cầm đèn chạy trước ô tô”?

Theo báo cáo của UBND thị trấn Trại Cau và kết quả kiểm tra sơ bộ, đến thời điểm hiện nay, chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Văn hóa Đá Thiên đã tiến hành làm việc, thỏa thuận với 44 hộ dân trong vùng dự án, diện tích ước khoảng 16 ha (bao gồm đất ở, nhóm đất nông nghiệp, trong đó có cả thỏa thuận về việc chuyện nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất).

UBND thị trấn Trại Cau xác nhận đến nay doanh nghiệp đã đối ứng 40 tỷ đồng để trả cho dân có đất trong vùng dự án triển khai.

Đáng chú ý, tại thời điểm đó dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý như: Quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM); kế hoạch sử dụng đất; chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Do đó về quy định, chủ đầu tư chưa đủ điều kiện để tiến hành đi thu mua đất.

Qua tìm hiểu, chủ đầu tư có hai dạng, cách thức thu mua đất thuộc vùng dự án. Cách thức thứ nhất là dạng hợp đồng thỏa thuận, theo cách này những hộ dân (cá nhân) có đất thuộc vùng dự án sau khi đồng ý ký vào hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất (có hợp đồng ghi là hợp đồng chuyển nhượng) sẽ được chủ đầu tư đối ứng trước 70% tổng giá trị hợp đồng. Số tiền còn lại (tương ứng 30%) khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định sẽ tất toán.

Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng được doanh nghiệp ký với hộ dân, cá nhân có đất trong vùng dự án với tỷ lệ giải ngân là 70% tổng giá trị hợp đồng.

Bà Th. (tổ 17, thị trấn Trại Cau) là hộ dân đã ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng với Công ty Thiên Phúc “bật mí” để có được cái “gật đầu” và chữ ký của bà đồng ý bán 5 thửa đất thuộc vùng dự án, Công ty phải chi gần 1 tỷ 200 triệu đồng và hiện đã thanh toán gần 900 triệu (tương đương 70% tổng giá trị hợp đồng).

Ngoài hình thức “70-30”, dạng thứ hai những hộ dân có đất thuộc vùng dự án sẽ được chủ đầu tư mời lên trụ sở để thương thảo giá dưới dạng “tiền tươi, thóc thật”, sau khi đồng ý các hộ dân đồng ý bán đất sẽ giao sổ đỏ cho doanh nghiệp làm thủ tục chuyển đổi còn biên bản bàn giao, nhận tiền sẽ do phía công ty giữ!? Biên bản trên sẽ được sao in để chuyển đến tay hộ dân nhận tiền sau khi doanh nghiệp hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý.

Là hộ sở hữu hàng nghìn m2 đã bán cho chủ đầu tư, hộ gia đình bà L. (thị trấn Trại Cau) “bật mí”, khi dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên về địa phương đã có một số người tự xưng là người dự án đến thu mua đất và mời bà lên trụ sở để thỏa thuận giá cả.

Sau khi thống nhất, chủ đầu tư trả cho hộ gia đình bà số tiền gần bốn tỷ đồng, biên bản bàn giao, nhận tiền bên phía Chủ đầu tư giữ?

Bà L. cho hay: “Tiền cô nhận hết rồi, giấy tờ ký kết chuyển tiền cô chưa được cầm. Bìa đỏ thì vẫn trong tay người ta, họ (Công ty Thiên Phúc – PV) đứng ra nhận chuyển và nói sau khi làm xong bìa đỏ chuyển nhượng thì mới đưa cho mình giấy tờ. Gần chục hộ dân khác cũng bán đứt như tôi”.

Trường hợp khác là hộ gia đình bà T. (thị trấn Trại Cau) có 4 sào đất đã bán cho doanh nghiệp Thiên Phúc cho biết, phía Công ty đã gọi gia đình bà T. lên để thương thảo giá cả và đưa cho một bộ hồ sơ trong đó ghi giá các loại đất. “Khi mình đồng ý ký vào thì hồ sơ đó họ giữ, phía Công ty cũng cầm hết sổ đỏ của chị?”, bà T. tiết lộ.

Theo số liệu thống kê của UBND thị trấn Trại Cau đến nay doanh nghiệp Thiên Phúc đã chi khoảng 40 tỷ đồng để đối ứng cho người dân, phục vụ công tác thu mua đất thuộc vùng dự án.

Có nhận định, với việc thu mua đất như vậy, chủ đầu tư đang “nhất tiễn hạ song điêu” khi vừa thua mua được đất để triển khai dự án sau này, vừa tránh được tình trạng bị “ép” giá, trục trặc về việc thỏa thuận thu mua với hộ dân, cá nhân có đất thuộc vùng dự án về sau. Tuy nhiên việc thu mua đất khi chưa thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất có đang đúng pháp luật?

Huyện nói có, xã nói không

Theo giải trình của UBND thị trấn Trại Cau tại văn bản số 786 do UBND huyện Đồng Hỷ ban hành, mục đích của việc thu mua đất dưới dạng hợp đồng chuyển nhượng (một số hợp đồng ghi là thỏa thuận) là để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ dự án và người dân trong việc thực hiện cam kết chuyển nhượng, tránh tình trạng tranh chấp đất đai, hoặc mua bán tự phát gây ảnh hưởng đến GPMB dự án.

Ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau xác nhận có việc doanh nghiệp và người dân làm thỏa thuận chuyển nhượng đất thuộc vùng dự án.

“Hợp đồng mang tên chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất như anh trao đổi trước đấy có một, hai bản nhưng tôi chỉ nghe thông tin chứ chưa được nhìn thấy. Hiện nay hợp đồng là hợp đồng thỏa thuận”, ông Hà nói.

Ông Nghiêm Sơn Hà, tân Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ.

Ông Hà cũng thông tin, việc làm hợp đồng chỉ dừng lại ở thỏa thuận, bản hợp đồng chuyển nhượng giữa Công ty Thiên Phúc và người dân chưa hợp lý, không có giá trị chuyển đổi vì không đúng theo mẫu quy định. Hợp đồng chuyển nhượng ghi như vậy là chưa hợp lý nhưng về dân sự việc doanh nghiệp ký với người dân thỏa thuận chuyển nhượng là không sai.

Đồng quan điểm với lãnh đạo thị trấn, ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty Thiên Phúc cũng nhận định việc doanh nghiệp và người dân làm thỏa thuận là không sai vì tỉnh đã có chủ trương.

Trái ngược với quan điểm của lãnh đạo thị trấn và chủ đầu tư, ông Phạm Văn Bẩy, Trưởng phòng TNMT huyện Đồng Hỷ đánh giá ngôn từ sử dụng tại bản hợp đồng thiếu chính xác dẫn đến việc hiểu sai, hiểu chưa đúng. Đã là “hợp đồng thỏa thuận” thì không thể là “chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất” vì khi đó cơ quan có thẩm quyền chưa giải quyết các thủ tục, hồ sơ pháp lý cho chủ đầu tư. Việc Công ty Thiên Phúc đứng ra thu mua đất lúa, ký hợp đồng như trên khi chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý là trái quy định.

Ông Phạm Văn Bẩy, Trưởng phòng TNMT huyện Đồng Hỷ.

“Trên ghi là hợp đồng thỏa thuận dưới lại ghi là chuyển nhượng đất là chưa chính xác vì khi đó bên tôi chưa giải quyết các thủ tục cho công ty, chưa được cấp có thẩm quyền cho chuyển nhượng nên không đúng quy định”, ông Bẩy nói.

Cũng tại văn bản số 786, huyện Đồng Hỷ cũng nhận định: “Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc đã thỏa thuận dân sự với các hộ dân để khi có đủ thủ tục thì thực hiện theo quy định. Tuy nhiên các văn bản thỏa thuận giữa công ty với người sử dụng đất và UBND thị trấn Trại Cau có xác nhận như vậy là chưa đúng quy định”.

Với việc thu mua đất tại thời điểm chưa được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất; chưa có báo cáo phê duyệt ĐTM; chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất… có ý kiến cho rằng chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên đang “cầm đèn chạy trước ô tô”, bất chấp luật định để triển khai dự án?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Triển khai dự án “tiền trảm hậu tấu”: Chủ đầu tư lách luật gom đất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.