Thứ sáu, 29/03/2024 05:40 (GMT+7)

TS.Đào Ngọc Nghiêm: Lại...“quy chế xin cho” để điều chỉnh quy hoạch?

NGỌC ANH (THỰC HIỆN) -  Chủ nhật, 06/05/2018 07:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nhiều đơn vị muốn thực hiện lại “quy chế xin – cho” nhằm điều chỉnh và phá vỡ quy hoạch.

Xung quanh vấn đề TP. Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng về đề xuất xây dựng Khách sạn Thắng Lợi cao 36 tầng tại chính công trình mang dấu ấn hữu nghị của hai nước Việt Nam – Cuba. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về sự minh bạch và có phần “khó hiểu” trong cách làm này.

Để rộng đường dư luận, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi cùng TS. Đào Ngọc Nghiêm - PCT Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị HN, nguyên KTS Trưởng TP. Hà Nội.

TS. Đào Ngọc Nghiêm - PCT Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị HN, nguyên KTS Trưởng TP. Hà Nội khẳng định: "dựa trên pháp lý và giá trị văn hóa đều minh chứng không nên làm cao tầng tại Khách sạn Thắng Lợi".

Theo UBND TP.Hà Nội, việc đề xuất xây dựng công trình cao 36 tầng của Công ty CP Khách sạn Thắng Lợi là vượt quá quy định, không phù hợp với quy hoạch của khu vực. Tại saođề xuấtnàyvẫn được UBND TP.Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng, thưa ông?

Đầu tiên phải khẳng định đây là yêu cầu của chủ đầu tư. Theo tôi, khi Công ty CP Khách sạn Thắng Lợi đề xuất có điều chỉnh sau đó được UBND TP. Hà Nội trả lời qua các văn bản và ý kiến phát biểu thấy là nó không hợp lý nhưng vẫn hỏi Bộ Xây dựng do: cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan đó có quyền ra điều chỉnh, Bộ Xây dựng là cơ quan thẩm định quy hoạch chung này.

Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý và thêm một câu là trong trường hợp thấy không làm rõ nguyên nhân của điều chỉnh quy hoạch thì tốt nhất nên trả lời thẳng để chủ đầu tư có ý kiến.

Trước hết phải xem xét vị trí của Khách sạn Thắng Lợi trong điều chỉnh quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội được duyệt năm 2011. Địa điểm này chính xác là khu vực hạn chế phát triển cao tầng.

Khuôn viên khách sạn Thắng Lợi củaTập đoàn BRG

Trong quy hoạch khu vực Hồ Tây được duyệt năm 1996 và vừa rồi năm 2017 vừa phê duyệt quy hoạch phân khu A6 đều khẳng định tại đây không xây dựng cao tầng. Căn cứ trong quy định về Công trình kiến trúc cao tầng ở nội đô cũng xác định nơi này không xây dựng cao tầng.

Ngoài ra, một lưu ý nữa mà báo chí ít nhắc đến khi Khách sạn Thắng Lợi là không gian thể hiện minh chứng tình hữu nghị Việt Nam – Cuba. Đó là quà tặng của Chính phủ Cuba đứng đầu là Fidel Castro tặng cho nhân dân Hà Nội. Công trình này là sự phối hợp giữa kiến trúc sư Cuba cùng kiến trúc sư Việt Nam thực hiện xây dựng Khách sạn Thắng Lợi.

Như vậy, đây là một di sản văn hóa mang dấu ấn hữu nghị của hai nước. Đáng chú ý là công trình Khách sạn Thắng Lợi có một đặc thù riêng biệt khi một phần được xây dựng trên bờ, một phần xây dựng trên mặt nước. Đây là giải pháp kết hợp cảnh quan với công trình kiến trúc.

Trước đây, khi tôi còn làm việc có một số đề xuất điều chỉnh lại cảnh quan khu vực trong TP. Hà Nội nhưng không được chấp nhận. Sau này có một số công trình xây dựng ven hồ, thậm chí UBND TP. Hà Nội không trả lời được mà phải hỏi Thủ tướng. Cuối cùng chúng ta có một đường dạo ven Hồ Tây như hiện nay chúng ta đã làm.

Vậy, dựa trên pháp lý và giá trị văn hóa đều minh chứng không nên làm cao tầng tại Khách sạn Thắng Lợi.

Ở đây chỉ có tồn tại những vấn đề sau: Khi chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh TP. Hà Nội có thể kiên quyết trả lời chứ không nhất thiết là phải hỏi nữa. Cùng với đó là tuyên truyền cho người dân và các chủ đầu tư thấy được kiến trúc là văn hóa, là lợi ích của xã hội chứ không phải lợi ích của một chủ đầu tư hoặc một ai khác.

Ý kiến của UBND TP. Hà Nội đã đưa kế hoạch tái phát triển khách sạn Thắng Lợi của chủ đầu tư vào tình trạng bấp bênh vì đến cuối tháng 12/2016, chủ đầu này vàTập đoàn Hilton Worldwide đã ký kết Hợp đồng quản lý tổ hợp hai khách sạn với quy mô dự kiến 610 phòng,dự kiến mở cửa vào năm 2020.Trong trường hợp tiến thoái lưỡng nannày, xin ông cho biết quan điểm và bình luận của mình?

Sau Luật Xây dựng 2014 và một số quy định về quản lý trong nội đô, chúng ta khẳng định đều có quy trình nhất định. Phải chăng các chủ đầu tư chưa xem xét hết các văn bản pháp quy này?

Đặc biệt, muốn tạo ra một yếu tố nào đó tiếp tục thực hiện “quy chế xin – cho” để phải điều chỉnh quy hoạch! Vấn đề này tháng 4/2018 được chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp tham dự lễ Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng và 70 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh: “Cần phải nâng cao chất lượng quy hoạch và phải xem xét lại việc điều chỉnh quy hoạch thiếu căn cứ”.

Đây có thể xem là một minh chứng trong việc muốn xin điều chỉnh quy hoạch mà chưa kết hợp được lợi ích của xã hội và lợi ích của chủ đầu tư. Đến lúc này cần có tiếng nói kiên quyết của Bộ Xây dựng để tạo điều kiện cho TP. Hà Nội quản lý chặt chẽ hơn.

Khách sạn Thắng Lợi là không gian thể hiện minh chứng tình hữu nghị Việt Nam – Cuba.

Như vậy với những công trìnhkiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa đã có những quy chế quản lý trong khu vực nội đô đã được ban hành năm 2016. Song chính cơ quan quản lý nhà nước cũng “băn khoăn”và “lúng túng”thực hiện. Vậy làm cách nào để minh bạch trong vấn đề quy hoạch những công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa nói chung và công trình khách sạn Thắng Lợi nói riêng ở thời điểm này, thưa ông?

Muốn minh bạch trước hết phải cần công khai.

Theo quy định của Luật Thủ đô ghi rõ: Đối với các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa (thực hiện điểm b, khoản 3, Điều 11, Luật Thủ đô).

Hà Nội đã có một số những nghiên cứu khoa học kết hợp giữa các cơ quan nghiên cứu với cơ quan quản lý nhà nước ở các vùng đã công bố danh sách các công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954.

Nhưng hiện nay, các nhà khoa học, chuyên gia cũng đang đề xuất cần xem xét thêm những công trình kiến trúc của giai đoạn 1954 -1986 (giai đoạn trước Đổi Mới). Vì đây là giai đoạn minh chứng cho thời kì mà Việt Nam, nhất là Hà Nội rất quan tâm đến vai trò của cộng đồng.

Đối với những công trình xây dựng sau năm 1954 như Khách sạn Thắng Lợi, phải chăng cũng đến lúc TP.Hà Nội cần nghiên cứu và sớm công khai lấy ý kiến rộng rãi để có danh sách các công trình kiến trúc có giá trị giai đoạn 1954 -1986 mà trong thời gian vừa qua cũng đã mai một đi rất nhiều.

Hiện nay chúng ta thấy có rất nhiều công trình có giá trị như những công trình được xếp hạng mới được quan tâm. Còn nói chung những công trình khác chúng ta vấn chưa để ý đến. Trong luật Thủ đô cũng chưa nêu, chỉ nói trước năm 1954 thôi!

Tuy rằng giai đoạn 1954 -1986 có rất nhiều công trình được nghiên cứu khoa học đề xuất rồi nhưng vẫn chưa được công nhận.

Từ sự kiện này, Hà Nội nên công nhận và sớm đề xuất ra danh mục các công trình kiến trúc có giá trị giai đoạn 1954 -1986. Đó là minh chứng cho một thời kỳ hào hùng của cách mạng, một thời kỳ vì cộng đồng.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên!

Khi gửi văn bản lên Bộ Xây dựng về đề xuất của doanh nghiệp xây lại khách sạn lên tới 36 tầng, UBND TP.Hà Nội cho rằng đề xuất xây khách sạn Thắng Lợi cao 36 tầng không phù hợp với quy định vì đây là khu vực không cho phép xây công trình cao tầng.

UBND TP.Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực này không cho phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian hồ Tây.

Ngoài ra, văn bản của UBND TP.Hà Nội cũng nhấn mạnh, khách sạn Thắng Lợi thuộc loại công trình có kiến trúc đặc biệt, bảo tồn không gian và công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan.

Hơn nữa, theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử đã được UBND thành phố ban hành năm 2016, khu đất nằm tại vị trí không xây dựng công trình cao tầng.

“Việc cải tạo, nâng cấp khách sạn Thắng Lợi tại vị trí cảnh quan đẹp, điểm nhấn đô thị cho khu vực Hồ Tây nhằm cung cấp hệ thống khách sạn, thương mại, dịch vụ du lịch cao cấp tầm quốc tế tại trung tâm thủ đô là cần thiết, phát huy lợi thế vị trí.

Tuy nhiên, việc Cty đề xuất công trình cao với quy mô 36 tầng là vượt quá quy định, không phù hợp với quy hoạch của khu vực” - UBND TP.Hà Nội nêu.

Bạn đang đọc bài viết TS.Đào Ngọc Nghiêm: Lại...“quy chế xin cho” để điều chỉnh quy hoạch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.