Thứ sáu, 29/03/2024 12:11 (GMT+7)

Từ Sa Pa mù bụi đến Đà Lạt 'không biết buồn'

MTĐT -  Thứ bảy, 18/05/2019 14:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một Sa Pa mờ sương lặng lẽ, một Đà Lạt buồn mộng mơ đã dần biến mất, thay vào đó chỉ còn là đô thị du lịch mất bản sắc và bị bê tông hoá một cách lạnh lùng.

Sa Pa - một đại công trường

“Sa Pa mất nước” bỗng trở thành một từ khóa kiếm tìm trên mạng với hơn 5,4 triệu lượt tìm kiếm chỉ trong vòng 0,31 giây. Khách du lịch nháo nhào vì mất nước, chủ khách sạn phải mua một khối nước với giá 500.000 đồng, tức gấp hơn 50 lần so với mức giá thông thường,… là hình ảnh gần đây nhất về khu du lịch nổi tiếng ở Việt Nam.

Sự cấp thiết của việc đáp ứng hạ tầng cho phát triển du lịch đã buộc chính quyền Sa Pa sốt sắng vào cuộc. Theo đó, ngoài giải pháp tạm thời, Sa Pa dự kiến tiếp tục thực hiện dự án cấp nước thị trấn với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng kỳ vọng năm 2021 hoàn thành. Đây được coi là phương án giải quyết tình trạng thiếu nước, góp phần phục vụ và phát triển du lịch trên địa bàn.

Câu chuyện mất nước ở Sa Pa là một minh chứng rõ rệt cho sự xoay vòng của bài toán phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa. Và hình ảnh mất nước ở Sa Pa lại tiếp tục khoét sâu thêm về một khu du lịch từng được coi là “hòn ngọc” nghỉ dưỡng đã bị biến chất hoàn toàn. Sa Pa bị băm nát quy hoạch, Sa Pa đã bê tông hóa,… là những nhận định mà giới chuyên gia dành cho nơi này.

Sa Pa - thị trấn mù sương từng là điểm dừng chân của khách du lịch. Ảnh: Internet.

Xưa, nhắc đến Sa Pa là nhớ đến hình ảnh của những thửa ruộng bậc thang, con suối lững thững chảy, rừng cây samu, vài người Mông gùi ngô trong chiều cô liêu, sương mờ giăng kín. Thay vì lưu giữ những nét đẹp truyền thống, giờ đây, Sa Pa chỉ còn lại trong mắt du khách là những khách sạn chồng khách sạn, nhà nghỉ xen kẽ nhà nghỉ. Nhà thờ đá đơn độc nép mình trước những công trình đồ sồ hiện đại khiến nét đặc sắc mang tinh thần của nơi này cũng không còn.

Thị trấn mờ sương thơ mộng trước đây được đổi bằng những con đường mù bụi. Những căn biệt thự cổ Pháp cũng hoán đổi bằng khách sạn mini, nhà hàng nhấp nhô. Một quy hoạch từng được kỳ vọng là sẽ biến Sa Pa trở thành trung tâm du lịch nhưng thực tế lại hóa thị trấn mờ sương trở thành một đại công trường mù bụi mà sự bức bối, chật chội đang bủa vây.

Quy hoạch lộn xộn, sự chắp vá của các dự án đã khiến người ta nghĩ đến thực tại, đến Sa Pa chỉ thấy dự án mà không còn… thấy giang sơn. Và xót xa, đã có những khách du lịch đến một lần… và chẳng còn thiết tha quay trở lại.

… đến Đà Lạt “không biết buồn”

Ngày 15/3, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và UBND TP. Đà Lạt đã tổ chức công bố quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình - TP. Đà Lạt.

Theo đó, Rạp Hòa Bình sẽ được thay bằng Trung tâm thương mại Hòa Bình, là khu phức hợp có tính chất giải trí gồm 5 tầng nổi. Dinh Tỉnh trưởng, công trình này cũng sẽ bị thay thế bằng khu cao ốc thương mại phức hợp. Và những dãy kios, khách sạn dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu phố chợ đường Phan Bội Châu, khu bến xe Tùng Nghĩa... cũng buộc phải đổi thay để thích ứng với sự hiện đại.

Đà Lạt trở nên chật chội với những dãy nhà san sát nhau. (Ảnh: Zing)

Quyết định thay đổi quy hoạch chi tiết về Đà Lạt đã tạo nên những tranh luận trong xã hội. Bởi nhiều e ngại về việc Đà Lạt sẽ tiếp tục đi vào vết xe đổ của Sa Pa. Trong khi đó, thực tại, Đà Lạt đã và đang bị bê tông hóa cũng như mất đi mất đi vẻ đẹp vốn có tự tại.

Đà Lạt từng được mệnh danh là “tiểu Paris” giữa Lâm Đồng, nổi tiếng với khí hậu đồi núi mát mẻ, rừng thông cổ thụ tĩnh mịch. Đà Lạt còn mộng mơ với những con đường bình yên. Đó là lý do mà trước đó, người Pháp khám phá ra vùng đất này và gọi nơi đây là “thành phố thư nhàn”, "thành phố của những nỗi buồn mộng mơ". Ý tưởng của những người khai phá và tạo dựng đã để lại cho Đà Lạt một di sản kiến trúc độc đáo.

Nhưng giờ đây, thay vì đồi thông, thay vì không gian sương mù phủ lấp thì Đà Lạt lại bị “đô thị hóa” với những con đường bụi bặm và rác. Những căn nhà nghỉ xô bồ, chen chúc lẫn nhau. Người dân tứ xứ đổ về, chen chúc trên con đường rác và bụi.

Linh hồn của Đà Lạt xưa là kiến trúc độc đáo. Song sự phát triển manh mún, tự phát thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát của những năm qua đã dần xoá đi những gì vốn là đặc trưng riêng của nơi này, khiến Đà Lạt cũng trở nên xô bồ, ồn ào.

Theo thống kê, trước đây, Đà Lạt sở hữu 1.500 biệt thự cổ nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 400 căn. Cũng theo đề án quy hoạch hồ Tuyền Lâm (Quy hoạch chung Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm - thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt) một nửa diện tích ở đây sẽ được khai thác thành các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, resort, khách sạn... Nửa còn lại là không gian mặt nước và quy hoạch để phát triển thành các khu du lịch sinh thái. Theo ước tính, để biến đổi khu vực hồ Tuyền Lâm, người ta phải chặt bỏ hơn 98.000 cây thông.

Không chỉ kiến trúc thay đổi, “đặc sản” của Đà Lạt với những cây thông già cũng dần dần biến mất để “tiểu Paris” đã không còn hiện hữu về một hình ảnh thành phố sương mờ, bình yên và dịu dàng.

Từ hình ảnh “thành phố buồn mộng mơ” là nơi để mỗi du khách đặt chân đến có thể lắng mình trong đó thì giờ đây, Đà Lạt đã đánh mất cái chất buồn rất đẹp ấy, để thay vào đó là bức tranh về một khu du lịch náo nhiệt bị bê tông hoá chắp ghép và lộn xộn.

Bảo tồn hay bê tông hóa?

Sa Pa và Đà Lạt được lựa chọn trở thành khu du lịch trọng điểm nhờ những tiềm năng vốn có. Những quy hoạch được vẽ ra với mục đích bảo tồn và phát triển di sản, điều làm nên linh hồn của hai khu du lịch này. Thế nhưng, nghịch lý đang xảy ra, càng quy hoạch, càng đưa ra mục đích bảo tồn và phát triển thì Sa Pa và Đà Lạt lại càng trở nên lộn xộn, đánh mất đi chính mình. Điểm chung của 2 khu du lịch nức tiếng này là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đến “chóng mặt”. Một tầm nhìn được coi là hiện đại đã xóa đi giá trị cốt lõi, để lại ở Sa Pa và Đà Lạt là khối bê tông dầy đặc, bụi bặm.

KTS. Lê Quang đã từng nói rằng: “Có những người ‘‘càng già càng bé lại‘‘, không phải ai tóc bạc cũng là người uyên thâm, ngược lại có những người càng già lại càng đáng trân trọng, càng trở thành tấm gương. Nói vậy để thấy, công trình cũng như đời người, giá trị của nó cần được xác định bởi giá trị tự thân và mối quan hệ, ảnh hưởng của nó đến môi trường, bầu không khí đô thị”.

Song thực tế, ông nhận thấy, “nói đến sự "phát triển", người Việt Nam thường nghĩ ngay đến việc đập đi xây mới và dễ có liên tưởng đến văn hóa tiêu dùng”. Vị kiến trúc sư này còn nhấn mạnh: “Bảo tồn di sản phải là một khoản "Đầu Tư" chứ không phải là một "Chi Phí"."

Bàn về vấn đề quy hoạch khu du lịch như thế nào để đáp ứng được bức thiết hiện tại, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai kiến nghị: “Quy hoạch du lịch phải tính đến những yếu tố bất thường có thể xảy đến, tầm nhìn phải 20 - 30 năm.  Ví dụ như vấn đề thiếu nước tại Sa Pa, công suất của nhà máy nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, như vậy là chưa tính đến lượng khách du lịch gia tăng.

Do vậy, để có được một quy hoạch bền vững cho khu du lịch thì không nên tiếp cận theo cách thức thông thường, tức là chỉ dựa vào số lượng và quy mô người dân cũng như khách du lịch sẽ đến tại địa phương mình mà cần có cách nhìn, đánh giá xem môi trường sinh thái, điều kiện có đến đâu để chúng ta có được kế hoạch cũng như quy hoạch du lịch thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương”.

Bảo tồn hay bê tông hóa? Có lẽ đó là vấn đề mà thực tại ai cũng hiểu nhưng có điều Sa Pa và Đà Lạt lại vẫn đang loay hoay trong bài toán cân bằng giữa giữ gìn giá trị cốt lõi và phát triển.

Theo Reatimes

Bạn đang đọc bài viết Từ Sa Pa mù bụi đến Đà Lạt 'không biết buồn'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới