Thứ sáu, 19/04/2024 10:17 (GMT+7)

Vì sao CĐT chiếm hàng chục tỷ đồng quỹ bảo trì không xử lý hình sự?

MTĐT -  Thứ tư, 05/06/2019 11:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay (5/6), Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Theo đó, nội dung nhóm vấn đề thứ 2 gồm: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình. Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa). Về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP. Hà Nội.

Theo báo Tiền Phong, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp tục trả lời câu hỏi chất vấn của  đại biểu Quốc hội về tình trạng chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư. "Thanh tra xây dựng đã phát hiện ra những vi phạm này trong quá trình thanh tra vừa qua hay chưa. Trách nhiệm của thanh tra và Bộ Xây dựng cụ thể trong những trường hợp này thế nào?", Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Mai Bộ chất vấn.

ĐB Nguyễn Mai Bộ giơ biển tranh luận. Ảnh: Quochoi.vn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông tin, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở xây dựng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 92 dự án chung cư; xử phạt vi phạm hành chính 5,5 tỷ đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 2 chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích chung nhà chung cư.

“Qua thanh tra chưa phát hiện trường hợp lạm dụng tín nhiệm quỹ bảo trì chung cư”, Bộ trưởng cho biết, đến nay chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra.

Không đồng tình, ông Nguyễn Mai Bộ giơ biển tranh luận lại. Theo ông, hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư đã cấu thành tội phạm mà nặng nhất là khoản 4 Điều 175 Bộ Luật Hình sự. Việc Thanh tra Xây dựng không phát hiện ra chứng tỏ “hoặc là năng lực yếu hoặc không làm hết trách nhiệm. “Dân chiếm đoạt 5 triệu thì xử hình sự, chủ đầu tư hiện chiếm đoạt hàng chục tỷ quỹ bảo trì ở 1 tòa chung cư thì không bị xử lý hình sự trong khi tội phạm đã hoàn thành và đang kéo dài”, ông Bộ tranh luận.

Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công anvà các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Hà Nội, TP. HCM thực hiện nghiêm chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư. Xử lý nghiệm các vi phạm đặc biệt là vi phạm về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, đảm bảo quyền lợi của cư dân.

Phá vỡ quy hoạch tiếp tục làm nóng nghị trường

Theo Zing, nhóm vấn đề về xây dựng có 49 lượt đại biểu đặt câu hỏi, 9 đại biểu tham gia tranh luận.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) đặt câu hỏi về cách giải quyết, tháo gỡ các quy hoạch chậm triển khai.

“Vậy quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân được hiến định và luật pháp quy định sẽ giải quyết như thế nào?”, bà Tâm đặt câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng khẳng định việc bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân là hết sức cần thiết. Do đó, chính quyền địa phương cần nhanh chóng rà soát, tháo gỡ những quy hoạch và dự án chậm triển khai.

“Vừa qua, TP.HCM đã làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho gần 100 dự án bất động sản hiện đang còn ách tắc”, Bộ trưởng nói.

Dẫn báo cáo chuyên đề của Quốc hội về về đất đai trong phần chất vấn của mình, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cho biết, quy hoạch mật độ đô thị của Hà Nội và TP.HCM được điều chỉnh từ 24,6% lên 40%; tầng cao bình quân tăng từ 20,33 lên đến 40 tầng. Từ đó làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của đô thị, gây quá tải cho quy hoạch chung và hạ tầng giao thông.

“Vậy quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này như thế nào?”, ông đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM), Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đưa ra quan điểm rằng UBND TP. Hà Nội, TP.HCM phải thực hiện việc điều chỉnh mật độ xây dựng, chiều cao của các khu vực trong nội đô tuân thủ quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt.

“Trường hợp thay đổi do thực tiễn địa phương, cần lập hồ sơ điều chỉnh theo đúng quy định để báo cáo Thủ tướng. Đồng thời các địa phương cần đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông để đáp ứng nhu cầu và tránh quá tải”, ông nói.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đặt câu hỏi về việc Bộ Xây dựng có nhiệm vụ thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình dân dụng, các dự án, công trình cấp đặc biệt, các công trình nhà ở từ 25 tầng trở lên thuộc các nguồn vốn khác.

“Vậy xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm cá nhân về tình trạng có quá nhiều nhà cao tầng được xây dựng với mật độ rất cao tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội?”, câu hỏi nêu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết cơ quan chuyên môn Bộ Xây dựng có chức năng thẩm định công trình cấp đặc biệt từ 25 tầng trở lên theo Luật Xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch phân khu đối với công trình tập trung, quy hoạch riêng lẻ, quy hoạch 1/500 thuộc thẩm quyền địa phương.

“Nếu quy hoạch do địa phương phê duyệt nhưng không phù hợp, dẫn tới việc xây dựng nhà cao tầng mật độ cao là trách nhiệm của địa phương. Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh, kiểm tra”, ông nói.

Theo CAND, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xin tiếp thu tất cả ý kiến chất vấn của các vị đại biểu để tiếp tục chỉ đạo ngành Xây dựng khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy những kết quả đạt được để thúc đẩy ngành phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: QH.

Đánh giá Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã trả lời khá rõ, khá đầy đủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình dũng cũng đã làm rõ một số nội dung mà các đại biểu chất vấn.

Về tình hình điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện tại các khu đô thị hiện nay mà nhiều đại biểu nêu, Phó Thủ tướng cho biết, điều chỉnh quy hoạch là do yêu cầu khách quan và chủ quan của các chủ thể liên quan đến hoạt động quy hoạch, trong đó thứ nhất là do nhà nước yêu cầu, thứ hai do người dân yêu cầu, và thứ ba là điều chỉnh do nhà đầu tư đề nghị.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề mà đại biểu và cử tri rất bức xúc là do điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện mà gọi là chạy theo nhà đầu tư. Điều chỉnh nâng tầm cao, nâng mật độ, từ đó tăng áp lực hạ tầng giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn và chất lượng cuộc sống của dân trong các khu đô thị.

Nêu biện pháp khắc phục, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng cần yêu cầu các địa phương cho thanh tra, kiểm tra rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh, xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh tuỳ tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch và không đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.

Cho dừng thực hiện với các quy hoạch điều chỉnh vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn đang thực hiện hoặc chưa thực hiện; Có giải pháp đầu tư hạ tầng để đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số; Xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao CĐT chiếm hàng chục tỷ đồng quỹ bảo trì không xử lý hình sự?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?