Thứ năm, 28/03/2024 17:08 (GMT+7)

Vì sao chưa cưỡng chế biệt thự “khủng” ở Sóc Sơn?

MTĐT -  Thứ tư, 15/05/2019 17:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, chỉ còn lại xã Minh Trí chưa thể tiến hành xử lý các vi phạm công trình tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden do vướng mắc liên quan tới việc xác minh nguồn gốc đất rừng.

Liên quan đến việc xử lý vi phạm đất rừng Sóc Sơn, báo Tiền Phong đưa tin, theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Sóc Sơn, trên địa bàn 9 xã của huyện có tổng số 269 vi phạm đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường cần xử lý. Thanh tra TP đã yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn tập trung xử lý các vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu đối với diện tích có công trình vi phạm trong 2 năm 2017 - 2018.

Đã có 8/9 xã tổ chức ra quân xử lý các công trình có vi phạm. Chỉ còn lại xã Minh Trí chưa thể tiến hành xử lý các vi phạm công trình tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí do vướng mắc liên quan tới việc xác minh nguồn gốc đất rừng. Đến nay, tổng số công trình vi phạm đã bị xử lý là 32/65 công trình.

Sau kết luận thanh tra, người dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí (khu vực có 22 công trình vi phạm theo kết luận) liên tục gửi đơn thư lên các cơ quan chức năng về đặc thù “dân có trước, rừng có sau” tại đây.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa có Văn bản chỉ đạo xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) giai đoạn từ 2008 - 2018.

Ảnh: VOV.

Theo kết luận thanh tra, có 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu từ 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới theo Điều 12 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Tuy vậy, kết quả thanh tra cho thấy, việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.

Kết luận cũng nêu rõ huyện Sóc Sơn không kiểm tra và xử lý với 336 trường hợp chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng. Đáng chú ý, hầu hết trường hợp chuyển nhượng, người bán đất không có giấy tờ sử dụng đất  gốc nhưng vẫn được UBND xã chứng thực, xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng là vi phạm Điều 9 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, dẫn đến người nhận chuyển nhượng đất xây dựng nhiều công trình lớn trong quy hoạch rừng…

Trước nhiều sai phạm mà Đoàn Thanh tra đã chỉ ra, Thanh tra Thành phố đã đề nghị UBND thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân các thời kỳ từ năm 2006 - 2018 đã không nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và UBND thành phố về xử lý khắc phục sau thanh tra; buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng, để xảy ra các vi phạm như kết luận thanh tra.

Thành phố yêu cầu tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm trong các năm 2017, 2018 trên địa bàn 10 xã (Minh Trí, Minh Phú, Phù Linh, Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Nam Sơn, Tân Minh) và thị trấn Sóc Sơn, trả lại nguyên trạng ban đầu; xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đối với các chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao chưa cưỡng chế biệt thự “khủng” ở Sóc Sơn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.