Thứ năm, 28/03/2024 15:38 (GMT+7)

TP.HCM: Vì sao “càng chống càng ngập” nặng?

MTĐT -  Thứ tư, 01/07/2020 21:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù đã được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho hệ thống chống ngập, nhưng TP.HCM càng chống lại càng ngập nặng. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Ngày 1/7, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đã tổ chức hội thảo "Làm rõ kết quả triển khai nhiệm vụ giảm ngập nước 5 năm qua và giải pháp cho giai đoạn 2021-2025”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chống ngập úng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 5 qua đã đạt nhiều thành công nhất định. Thành phố đã chi 25.000 tỷ đồng thực hiện các dự án giải quyết giảm ngập thêm 25 tuyến đường trục chính cho giai đoạn 2016-2020, nâng tổng số tuyến đường giảm ngập từ năm 2008 tới nay lên 104 tuyến.

Đối với các tuyến đường trục chính bị ngập do triều, thành phố xóa ngập ở 9/9 tuyến đường, đạt 100% chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020; thời gian ngập được rút ngắn chỉ còn 15-40 phút sau mưa, chiều sâu ngập cũng chỉ duy trì 0,1-0,3m.

Người dân TP.HCM luôn vất vả mỗi khi có mưa lớn

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 22 tuyến đường và hàng trăm tuyến hẻm vẫn bị ngập nặng sau mưa lớn, triều cường; trong đó có nhiều tuyến đường lớn như Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Kha Vạn Cân...

Nguyên nhân chính là do hệ thống cống thoát nước của thành phố hiện chỉ thiết kế với quy mô tiêu thoát nước cho 1,55m triều cường và lượng mưa 80mm đáp ứng cho 2 triệu dân, nhưng nay dân số thành phố đã tăng gấp 5 lần trong khi khối lượng cống thoát nước trên thực tế chỉ đạt gần 70% so với yêu cầu.

Ngoài ra, nhiều tuyến đường hiện nay không có cả hệ thống cống thoát nước hoặc hệ thống cống xuống cấp, biến dạng và không đồng bộ khi đấu nối ở cửa xả, tiết diện nhỏ không đủ khả năng tiêu thoát nước; lòng rạch bị bồi lắng và trữ nước rất kém.

Tình trạng hệ thống đê bao bị sạt lở, sụt lún hoặc hư hỏng nhưng không được sửa chữa kịp thời, hệ thống đê quy hoặc chưa hoàn thiện do thiếu kinh phí tại nhiều khu vực cũng dẫn đến tình trạng cao trình mặt đê thấp gây tràn bờ, ngập nước cục bộ khi triều cường dâng cao.

Bên cạnh đó, nhiều khu vực quận, huyện trên địa bàn thành phố như các Quận 4,5,7,9,12, Bình Tân và huyện Bình Chánh có cao trình thấp, địa hình thấp trũng, nền đất thấp, yếu và lún, nằm cuối lưu vực thoát nước nên dễ bị ngập khi triều cường cao.

Đặc biệt, quá trình đô thị hoá khiến các diện tích thấm nước như mặt nước, cây xanh giảm và diện tích không thấm nước như đường giao thông, công trình xây dựng tăng, cũng như quản lý đô thị không hiệu quả, không theo kịp sự phát triển nhanh của thành phố cũng là một trong những nguyên nhân khiến thành phố bị ngập.

Một nguyên nhân khác khiến thành phố ngập như hiện nay, theo ông Trần Hoàng Ngân là do hành vi vứt rác xuống kênh của người dân làm tắc dòng chảy và việc lấp kênh rạch để làm dự án, cống hộp mà không bù lại bằng hồ điều tiết tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, việc xả nước thải không qua xử lý từ các cơ sở kinh doanh, sản xuất cũng làm giảm tiết diện cống, làm giảm khả năng tiêu thoát nước.

Cần phải có giải pháp đồng bộ

Đề xuất về giải pháp cho tình trạng ngập của Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiệp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, muốn hết ngập một cách căn cơ, việc cần làm nhất hiện nay là thực hiện chấn chỉnh ngay việc lấp kênh, rạch.

Theo đó, thành phố cần xác định việc lấp kênh, rạch chỉ nên tiến hành với những con rạch cùng, nằm sâu bên trong các tuyến đường nhánh và ngay sau đó phải bù bằng hồ điều tiết. Đối với các kênh, rạch tự nhiên nằm trên các tuyến đường chính, không phải rạch cùng thì phải giữ nguyên hiện trạng.

Trên thực tế, ông Nguyễn Ngọc Thiệp cho biết, vào năm 2000, thành phố đã thực hiện lấp kênh Hàng Bàng (Quận 5-Quận 6) thay bằng cống hộp, nhưng đến 15 năm sau, thành phố đã phải chi 2.000 tỷ đồng đào lên trả lại kênh hở tự nhiên do nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thiệp, thành phố phải thường xuyên tiến hành nạo vét bề mặt tất cả các kênh, rạch và xử lý nghiêm hành vi vứt rác xuống kênh để bảo đảm cho dòng chảy được thông suốt thông qua việc cụ thể hoá hình thức thưởng, phạt, khuyến khích người dân giám sát việc xả rác.

Mặt khác, thực hiện nghiêm chỉ thị 19 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước; đưa mục tiêu chống xả rác kênh rạch vào đánh giá thành tích, thi đua mỗi quận, huyện để thúc đẩy tinh thần tự giác của địa phương chứ không chỉ hô hào suông."

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Hồng Hải, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12, TP.HCM cho rằng: “Việc rác của người dân đã ăn sâu vào thói quen sinh hoạt, rất khó bỏ. Chính quyền cần có biện pháp mạnh, thông qua chế tài xử phạt, không thể chỉ là tuyên truyền, vận động vốn không hiệu quả.

Cách đây hơn 10 năm, chúng ta phạt thật nặng những người không đội mũ bảo hiểm khi đi đường, sau đó dần hình thành thói quen. Giờ ra đường người nào không đội mũ bảo hiểm ai nhìn vào cũng thấy kỳ dị, chẳng giống ai. Xử lý hành vi xả rác, chất thải cũng cần làm mạnh tay như vậy”, ông Hải nói.

Dự án chống ngập liên tục lùi tiến độ

Dự án chống ngập do triều cường có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng được quy hoạch từ 2008, nhưng đến 2016 mới khởi công xây dựng. Dự kiến đến tháng 4/2018 hoàn thành nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ hoàn thành gần 80% khối lượng. Chủ đầu tư cho biết, tháng 10/2020 sẽ hoàn thành.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện môi trường nước TP HCM, lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương phê duyệt vào năm 2006. Mãi đến năm 2015 mới khởi công được gói thầu đầu tiên. Toàn bộ dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020, tuy nhiên tiến độ vẫn còn khá chậm. Đến nay, các nhà thầu vẫn đang thi công hệ thống cống dọc đường Võ Văn Kiệt, bến Vân Đồn, rạch Hàng Bàng…

Hoài Thu (th)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Vì sao “càng chống càng ngập” nặng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.