Thứ năm, 25/04/2024 11:28 (GMT+7)

Vì sao vấn đề Thủ Thiêm không được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội?

MTĐT -  Thứ tư, 04/12/2019 15:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng trả lời thắc mắc của cử tri về việc Thủ Thiêm không được chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.

Theo báo Giao Thông đưa tin, sáng nay (4/12), rất đông người dân có mặt tại Nhà thiếu nhi quận 2 (TP.HCM), nơi diễn ra buổi tiếp xúc cử tri quận 2 của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND TP.HCM.

Vấn đề thu hồi đất và đền bù khu Thủ Thiêm tiếp tục nóng lên bởi những câu hỏi chất vấn của người dân liên quan đến việc bồi thường, tái định cư cho người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTM Thủ Thiêm). An ninh xung quanh khu vực luôn được thắt chặt hơn các đơn vị tiếp xúc cử tri khác, song không xảy ra tranh cãi với người dân như những lần trước.

Đây là lần thứ 8 tổ đại biểu Quốc hội gặp người dân Thủ Thiêm, gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND thành phố); ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó chánh án TAND TP.HCM).

Quang cảnh buổi họp

Theo báo Vov, phát biểu tại buổi làm việc, cử tri Nguyễn Thị Thu Dung, phường Bình Khánh chất vấn về việc trước kỳ họp Quốc hội, đông đảo cử tri Quận 2 đã gửi gắm và đề nghị đại biểu Quốc hội TPHCM đưa vấn đề Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội.

Cử tri đang chờ đợi câu trả lời từ phía đại biểu Quốc hội nhưng sau khi nghe đại biểu trình bày tại buổi tiếp xúc thì không thấy đề cập đến. Cử tri Dung thắc mắc, không biết lý do tại sao vấn đề này chưa được đại biểu đề đạt để giúp cho người dân Thủ Thiêm.

Nhắc lại quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cử tri Dung cho hay, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 367 năm 1996 nhưng TPHCM đã không thực hiện đúng, biến từ một chủ trương đầy tính nhân văn trở thành nỗi bức xúc kéo dài hàng chục năm nay.

"Cần phải đem ra ánh sáng những việc làm khuất tất của chính quyền thành phố với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chúng tôi đề nghị phải làm rõ sai phạm của những người nhân danh chính quyền địa phương, phá nát quy hoạch Thủ Thiêm, làm trái với quyết định của Chính phủ”- cử tri bức xúc.

Rất đông cử tri Thủ Thiêm đến dự buổi tiếp xúc.

Cử tri Nguyễn Huy Hoàng, phường Bình An cho rằng, 160 ha đất tái định cư cho người dân Thủ Thiêm (nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm) đã bị thành phố giao đất không qua đấu giá cho 51 dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi…

Cử tri Hoàng đề nghị phải trả lại đất khu vực này để phục vụ đúng mục đích tái định cư cho người dân. Vấn đề Thủ Thiêm đến nay Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và có nhiều văn bản chỉ rõ sai phạm, nhưng theo cử tri Hoàng, người dân chưa thấy thành phố vào cuộc để khắc phục.

“Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần đưa vụ việc Thủ Thiêm vào diện theo dõi và chỉ đạo đặc biệt. Thành phố làm đúng quy định của pháp luật thì người dân sẽ chấp hành. Nếu thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng thì bà con ở đây không ai đi khiếu nại, sẽ là một đô thị phát triển, nhân văn chứ không phải như ngày hôm nay”- cử tri Hoàng cho biết.

Cử tri Hồ Thị Mai, phường Bình Khánh cho biết, chính quyền địa phương cưỡng chế, thu hồi nhà đất của người dân khi chưa có phương án đền bù và chưa có quyết định thu hồi đất là trái quy định của pháp luật.

Thành phố phải giải quyết dứt điểm, khắc phục hậu quả cho người dân Thủ Thiêm. Cử tri Mai cho biết, bản thân mình xin được chuyển lên căn hộ tạm cư để ở nhưng Quận 2 không xử lý, khiến đời sống của gia đình hết sức khó khăn.

Theo Dân Trí, trả lời về việc tại sao vấn đề Thủ Thiêm không được đưa ra nghị trường Quốc hộị, ông Phan Nguyễn Như Khuê (Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy) cho biết, sau khi tiếp xúc cử tri, đoàn Đại biểu Quốc hội TP đã có văn bản chính thức, trong đó phản ánh đến Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Ban Dân nguyện Quốc hội đồng ý đề nghị cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM giám sát giải quyết khiếu nại tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Văn bản nêu rõ cử tri quận 2 luôn phản ánh về nội dung 2 thông báo kết luận số 1483 (ngày 4/9/2018) và số 1041 (ngày 26/6/2019) của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa được giải quyết đầy đủ các nội dung khiếu nại và kiến nghị của cử tri.

Trong đó, cử tri phản ánh 5 khu phố (thuộc 3 phường Bình An, Bình Khánh và An Khánh) nằm ngoài ranh quy hoạch chứ không chỉ riêng khu 4,3ha khu phố 1, phường Bình An theo kết luận thanh tra. Ý kiến cử tri và các hộ dân đã gửi đơn đến đoàn Đại biểu Quốc hội TP và tổ Đại biểu Quốc hội về 2 kết luận nêu trên đến Thanh tra nhưng đến nay chưa nhận được thông tin xem xét và giải quyết nên cử tri đề nghị Thanh tra Chính phủ trực tiếp sắp xếp đối thoại với công dân.

Đồng thời, đề nghị tổ chức đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện đối với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để giải quyết dứt điểm các khiếu nại của người dân và Thanh tra Chính phủ có báo cáo trước Quốc hội về vấn đề cụ thể của Thủ Thiêm. 

Cũng theo ông Khuê, trong phần chất vấn và trả lời chất vấn có đưa ra Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn của Quốc hội. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến đại biểu chọn lọc vấn đề đang quan tâm "thì việc của cơ quan thanh tra xếp lại, chưa trả lời".

Tuy nhiên, trong báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đề cập đến và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành quan tâm cùng TPHCM giải quyết vấn đề Thủ Thiêm.

"Báo cáo cử tri, không phải Đoàn Đại biểu Quốc hội TP không đề đạt mà Ủy Ban Thường vụ xem xét. Do đó đến giờ này, trước cuộc tiếp xúc cử tri, tôi có gọi điện cho Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội. Tôi mong muốn Ban Dân nguyện sớm thành lập đoàn giám sát của Ban Dân nguyện để cùng với đoàn Đại biểu Quốc hội TP nắm vấn đề Thủ Thiêm. Ban Dân nguyện đã chấp thuận đề nghị của tôi và sẽ báo cáo lại Ủy Ban Thường vụ Quốc hội để có tổ công tác vào giám sát giải quyết khiếu kiện ở Thủ Thiêm", ông Khuê nói.

Trước đó, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các bộ ngành, TP.HCM, kiểm tra khiếu nại của người dân Thủ Thiêm, báo cáo kết quả đối thoại trước ngày 1/1/2020. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ hai lần kết luận hàng loạt sai phạm của UBND TP HCM và các bộ ngành liên quan.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao vấn đề Thủ Thiêm không được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành