Thứ sáu, 29/03/2024 13:47 (GMT+7)

Bao giờ Hà Nội hết ngập trong khói rơm?

Vương Liễu -  Thứ sáu, 08/06/2018 10:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo tổng kết từ Hội Nông dân xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội, chiến dịch này đang thu lại kết quả khả quan.

Chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ"

Đã từng có thời điểm cả TP. Hà Nội bị ô nhiễm không khí nặng vì khói rơm, cứ tới khoảng 7-8h tối, khói mịt mù, xông thẳng vào mắt, mũi người dân Hà Nội. Trước thực trạng đó, hầu hết các huyện ngoại thành Hà Nội đều được tuyên truyền hạn chế bỏ đốt rơm rạ,  phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng.

Đầu tháng 6/2017, sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã phát động chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”, triển khai thí điểm tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội.

Ngay trong buổi tham gia chiến dịch đã có khoảng 100 hộ gia đình xã Thọ Xuân tình nguyện ký cam kết tham gia chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”, tương đương khoảng 5 ha ruộng không đốt rơm rạ sau mùa gặt vụ Chiêm Xuân năm 2017.

Người dân dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ trong vụ Chiêm Xuân 2017. Ảnh: Nguyễn Nga KTĐT

Thay vì thiêu đốt gây ô nhiễm bầu không khí, người dân được hướng dẫn xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học ngay trên cánh đồng. Số chế phẩm sinh học này hoàn toàn được cấp miễn phí, đem lại hiệu quả nhanh chóng, và dễ dàng thực hiện.

Chỉ sau 15-20 ngày ủ chế phẩm sinh học, gốc rạ sẽ bị phân hủy, tạo thành một lượng phân bón hữu cơ giúp cải tạo độ tơi xốp của đất, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Chi phí đắt đỏ, người dân vẫn đốt trộm rơm rác

Tròn 1 năm triển khai thí điểm chiến dịch, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã trực tiếp về xã Thọ Xuân ghi nhận kết quả đạt được.

Theo người dân xã Thọ Xuân, mặc dù phương pháp này dễ thực hiện nhưng so với việc đốt rơm rạ thì xử lý bằng chế phẩm khiến người dân mất một khoản chi phí thuê máy cắt, mất công thu gom và trộn đều rơm rạ với chế phẩm.

Chính vì vậy, dù chính quyền xã đã tuyên truyền bà con không đốt, thậm chí nếu bắt được sẽ xử phạt hành chính nhưng hiện tượng đốt trộm rơm rạ trên cánh đồng vẫn diễn ra.

Cánh đồng xã Thọ Xuân vào vụ Chiêm Xuân 2018 gần như đã gặt xong, tình trạng đốt rơm rạ qua quan sát thực tế đã giảm thiểu rất nhiều.

Trao đổi với PV, ông Đào Quang Ánh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xuân cho biết: “Trong vụ Chiêm Xuân 2017, xã Thọ Xuân có 100 hội viên ký kết tham gia chiến dịch không đốt rơm rạ, kết quả thực tế, trong đó có 75 hộ nghiêm túc thực hiện cam kết. 25 hộ còn lại không đốt, không dùng chế phẩm xử lý nhưng thu gom, dự trữ rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò.

Mô hình trên thực sự đã mang lại hiệu quả nhất định, khiến hội viên phấn khởi, tin tưởng, lãnh đạo xã và các ngành cũng đánh giá rất cao về mô hình này. Hiện tại, xã Thọ Xuân vẫn đang tiếp tục cho triển khai, vận động bà con xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học do Hội Nông dân huyện Đan Phượng cấp.”

Theo ông Ánh, so với 2 xã nằm liền kề gồm Thọ An, Trung Châu thì Thọ Xuân là địa phương còn diện tích trồng lúa cao nhất, nhận thấy chiến dịch đem lại những hiệu quả nhất định nên từ khi có chủ trương, lãnh đạo xã Thọ Xuân đã có đề xuất được là địa phương thực hiện thí điểm chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” và được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các đơn vị liên quan chấp thuận.

Vẫn tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền

Trước đó, việc người dân tại xã Thọ Xuân tiến hành đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng, đốt tràn lan trên các trục đường quốc lộ, làm khói mù mịt khiến cho các phương tiện giao thông khó kiểm soát, mất tầm nhìn, gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.  

Trong vụ Chiêm Xuân năm nay, xã Thọ Xuân đã đăng ký với Hội Nông dân huyện Đan Phượng xin cấp chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ cho 19,96 ha lúa. Đây là toàn bộ diện tích lúa còn lại tại địa phương, tuy nhiên ông Ánh cũng khẳng định, việc sử dụng chế phẩm sinh học qua sự tuyên truyền, vận động tích cực của chính quyền xã đã thay đổi nhận thức của đông đảo bà con, tình trạng đốt rơm rạ đã giảm rất đáng kể, nhưng bên cạnh đó vẫn có một bộ phận nhỏ bà con không tuân thủ.

Trực tiếp đi thăm các khu ruộng của người dân, PV ghi nhận vẫn có trường hợp người dân đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng.

Vài năm trở lại đây, diện tích trồng lúa bị thu hẹp, thay vào đó là các loại hoa màu, cây ăn quả như bưởi, đu đủ, chuối… Người dân chuyển đổi cây trồng do lúa đem lại hiệu quả kinh tế thấp và nguồn nước tưới tiêu cũng ngày một khó khăn. Diện tích trồng lúa còn lại chủ yếu là những vùng trũng. Ngoài bộ phận bà con thu giữ rơm rạ làm thức ăn cho trâu bò thì vẫn còn có hộ gia đình đốt rơm lấy tro bón cho cây trồng.

Thửa ruộng trồng đu đủ của một hộ dân tại xã Thọ Xuân. 

Mặc dù việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ không phải là việc khó thực hiện, nhưng thói quen cũ ăn sâu vào tiềm thức, cộng thêm sự am hiểu của một số bà con về khoa học kỹ thuật vẫn còn hạn chế, khiến cho hiệu quả mô hình chưa thể đạt đến mức tối đa.

Theo nhận định từ Chủ tịch Hội nông dân Thọ Xuân, mô hình này dễ dàng thực hiện và đem lại hiệu quả rõ rệt, khoảng 3 sào ruộng của gia đình ông cũng đang sử dụng phương pháp này. Trong tương lai, xã Thọ Xuân vẫn sẽ tiếp tục triển khai, tuyên truyền cho bà con nghiêm túc thực hiện mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học.

Sau 1 năm thực hiện thí điểm tại xã Thọ Xuân, mặc dù kết quả đạt được chưa ở mức tối đa, thế nhưng không thể phủ nhận hiệu quả mà chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” đem lại. Sự thành công bước đầu từ mô hình này sẽ là điểm sáng để nhân rộng ra các địa phương lân cận, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do việc đốt các phế phẩm nông nghiệp gây ra.

Bạn đang đọc bài viết Bao giờ Hà Nội hết ngập trong khói rơm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới