Thứ sáu, 29/03/2024 19:47 (GMT+7)

'Siêu ủy ban' xin đất vàng xây trụ sở: Cần xem xét, tránh lãng phí

PHAN NGÂN -  Thứ sáu, 19/04/2019 08:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét lại đề xuất của "siêu ủy ban" xin 1,5 - 2,5 ha đất tại Tây Hồ (Hà Nội) xây trụ sở để tránh lãng phí.

Nhu cầu có thật nhưng hơi sớm

Trước thông tin Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi văn bản tới Bộ Xây dựng đề nghị bộ này xem xét việc báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương xây dựng trụ sở mới tại Tây Hồ, nhiều đại biểu quốc hội và chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, bất động sản đã đưa ra nhận định.

Chia sẻ với Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Tôi nghĩ nhu cầu trụ sở của tổ chức này là nhu cầu có thật và chính đáng. Họ cũng cần có chỗ để làm việc, đáp ứng công việc trước mắt cũng như trong tương lai. Hiện nay do mới thành lập nên bộ máy chưa đông nhưng cũng đòi hỏi một trụ sở đáp ứng được nhu cầu công việc”.

Được biết, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký. Việc thành lập ủy ban là để tách bạch giữa quản lý Nhà nước và quản lý vốn.

Sau khi thành lập, mục tiêu của cơ quan này là đẩy mạnh cổ phần hóa dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, lên sàn chứng khoán, đặc biệt chú trọng việc phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng trong tất cả các hoạt động, các khâu của cổ phần hóa. Ngoài ra cần hạn chế tối đa những tiêu cực trong doanh nghiệp nhà nước, giảm chi phí bất hợp lý, xảy ra do tình trạng "cha chung không ai khóc".

Chính vì mới thành lập và có chức năng nhiệm vụ vô cùng quan trọng nên các chuyên gia cũng e ngại rằng việc xây dựng trụ sở tại thời điểm này là hơi sớm. “Thực ra thì ủy ban rồi cũng sẽ cần một nơi làm việc, thế nhưng theo tôi, khi nào thấy ủy ban này phát huy tốt hiệu quả làm việc thì lúc đó xây dựng trụ sở vẫn chưa muộn. Nếu mới thành lập, chưa đâu vào đâu mà đã xây dựng thì có nguy cơ lãng phí” - TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư kí Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định.

“Cần đáp ứng trong khuôn khổ”

Việc xây dựng trụ sở cơ quan trên mảnh đất “vàng” có diện tích vài héc-ta tại khu vực địa thế đẹp như vậy sẽ “ngốn” hết bao nhiêu ngân sách? Có cần thiết phải xây dựng riêng một trụ sở ở Tây Hồ cho ủy ban này hay không? Đó là vấn đề mà dư luận xã hội hiện nay đang rất quan tâm.

Giải đáp thắc mắc này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Nên để cho các cơ quan có trách nhiệm bố trí công sở quyết định. Ủy ban có thể nêu yêu cầu diện tích làm việc cần bao nhiêu, dùng cho những việc gì, còn bố trí ở đâu thì nên để cho các đơn vị ví dụ như Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính xem xét và giới thiệu cho nhà nước quyết định bố trí”.

Chắc hẳn, không phải cứ là "siêu ủy ban" quản lý các "siêu doanh nghiệp" thì phải có "siêu trụ sở"! Vì thế, theo nhận định chung, giải pháp mà ủy ban cũng như nhà nước có thể lựa chọn không nhất thiết phải là xây mới và làm lại.

“Chúng ta vẫn đang trong quá trình thực hiện chủ trương giảm bớt đầu mối của các tổ chức cơ quan, cho nên chắc chắn sẽ dư thừa diện tích công sở, và phần thừa đó phải được đưa vào sử dụng cho mục đích công. Hoặc nếu cùng một mảnh đất mà hai, ba cơ quan cùng xây dựng và sử dụng diện tích thì sẽ hiệu quả hơn, chẳng hạn vậy. Nhìn chung, không nhất thiết phải xin riêng một mảnh đất lớn cho mình để xây dựng một dự án riêng, trụ sở riêng cho ủy ban” – chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn.

Trong câu chuyện “xin đất vàng” làm trụ sở, có hai vấn đề mà các nhà nghiên cứu chỉ rõ: Một mặt là cần đáp ứng nhu cầu chính đáng, nhưng mặt khác là phải đáp ứng như thế nào để phù hợp khuôn khổ chung.

Về vấn đề này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Tiêu chuẩn xây dựng trụ sở các cơ quan đã có một tiêu chuẩn cấp quốc gia rồi, cần tuân thủ điều đó. Nhà nước đã có quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn diện tích đất tính cho một cán bộ viên chức, tiêu chuẩn diện tích các nhà làm việc, chỉ tiêu tầng cao… tất cả đều rất đầy đủ. Nhưng để mà nói thì tôi thấy diện tích đó hơi lớn, cần phải xem xét thật kỹ nội dung mà ủy ban đề xuất xây dựng”.

Rõ ràng, khi nhìn vào nhận định của nhiều chuyên gia, các bộ ngành cần xem xét phương án cụ thể trước khi bố trí đất cho “siêu ủy ban” xây dựng trụ sở, đảm bảo tránh được lãng phí đất đai, lãng phí nguồn ngân sách.

Bạn đang đọc bài viết 'Siêu ủy ban' xin đất vàng xây trụ sở: Cần xem xét, tránh lãng phí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới