Thứ ba, 16/04/2024 20:43 (GMT+7)

Sống ở thành phố lớn mà chết vì... mưa (!)

MTĐT -  Thứ sáu, 12/07/2013 08:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đây là những nhận định của nhiều bạn đọc đối với các cơ quan hữu quan qua cái chết của sinh viên Đinh Thị Phương Thảo vào tối 8-7 khi bị nước cuốn trôi ở khu vực KTX ĐHQG TP HCM.

Dư luận càng bàng hoàng, bức xúc khi được biết đoạn đường qua suối Nhum này đã từng cuốn trôi nhiều người. Ngay sáng 10-7, khi vớt xe của em Thảo, cơ quan chức năng cũng đã tìm thấy thêm 3 chiếc xe máy khác nằm dưới lòng suối. Vậy là bao lâu nay các đơn vị liên quan không có biện pháp nào khắc phục cái “bẫy”chết người này.
Mất mạng vì sự tắc trách
Bạn đọc Nguyễn Thanh Sơn, bức xúc: “Đau lòng quá, tại TP HCM mà bị nước mưa cuốn trôi ư?... Các vị đã làm gì khi bao năm nay cái cống ấy đã cuốn bao nhiêu người nhưng không được sửa chữa. Bây giờ thì một cô sinh viên giỏi vừa tốt nghiệp đại học đã phải chết vì sự tắc trách của các vị”.

Trước trả lời của ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm Quản lý đô thị - ĐHQG TP HCM, rằng đơn vị  chỉ đặt cống tạm trên đoạn đường này, bạn đọc Sấm Sét cho rằng điều đó thật khó chấp nhận. “Cho dù chỉ làm đường và cống tạm nhưng nguyên tắc vẫn phải đảm bảo an toàn giao thông. Đặt cống tạm cũng phải tính toán để đủ tiêu thoát nước chứ không thể để nước chảy tràn qua mặt đường khi trời mưa. Cách làm này quá ẩu và đã có người trả giá quá đắt về điều này. Phải nhanh chóng khắc phục, làm lại cống suối Nhum trước dự án cải tạo rạch suối Nhum để chấm dứt những tai nạn đau lòng như thế này” - bạn đọc Sấm Sét đề nghị.
Bạn đọc Nguyễn Quang chỉ rõ những bất cập của con đường “tử thần” này: “Khi chưa có đường này thì mưato gió lớn gì nước cũng được lưu thông hết. Không biết ông kỹ sư nào thiết kế ra 2 cái cống bé xíu đặt cho có dưới cầu? Nếu làm cống hộp to bằng với lòng suối thì chẳng bao giờ sợ rác cả”.
 
Bạn đọc Lê Xuân Hậu nói thẳng: “Người ta có thể bỏ ra hơn 200 tỉ đồng để làm nút giao thông ĐHQG TP HCM nhưng lại không thể bỏ ra vài chục triệu đồng để làm rào chắn cho con đường nguy hiểm này, thật hết biết”.

Hãy xử nghiêm để làm gương!

Cái chết của em Thảo không phải là trường hợp cá biệt mà đã có rất nhiều người là nạn nhân của các công trình giao thông kém. Đáng nói là những đơn vị liên quan thường chẳng bị xử lý đến nơi đến chốn nên những cái chết oan ức như trên cứ chực chờ xảy ra.

Sau cái chết thương tâm của sinh viên Phương Thảo, đơn vị chức năng mới lo lắp
đèn chiếu sáng ở đoạn đường "tử thần" này. Ảnh: Phạm Dũng.

Bạn đọc Francesco Dia kiến nghị: “Có quy trách nhiệm hay xử phạt đơn vị nào cũng không xóa đi sự mất mát của gia đình nạn nhân. Trách nhiệm ở đây là phải làm sao để không xảy ra trường hợp tương tự ở khu vực này nói riêng và tất cả các khu vực khác, đó mới là tròn 2 chữ trách nhiệm”. Khắc phục hiện trạng là một việc nhưng phải truy ra ai là người chịu trách nhiệm và xử lý rốt ráo thì mới có thể răn đe những đơn vị khác có trách nhiệm hơn với những công trình thuộc quyền quản lý của mình.

Một bạn đọc cung cấp thêm thông tin: “Trách nhiệm này thuộc về ĐHQG TP HCM. Là người dân sống trong khu vực này, tôi biết rõ vì sao em Thảo thiệt mạng: Đường nối KTX B và Trường Đại học Kinh tế - Luật chưa thông nhưng trường cố đưa các em về ở KTX  B. Để đi lại, các em phải đi qua bãi tha ma và con đường tạm rất nhỏ (khoảng 3 m) và không có rào chắn ở khu vực cống suối Nhum này. Vào đầu năm học, nhiều phụ huynh khi đưa con em đến trường, thấy con đường này đã vội vã kiếm nhà trọ gần trường hoặc ở khu vực khác chứ không dám ở KTX B mặt dù KTX B thừa chỗ ở”...
 
Mất bò mới lo làm chuồng

“Theo tôi, đơn vị nào thi công đặt cống, làm đường này phải chịu trách nhiệm về tai nạn chết người xảy ra ở đây. Kỹ sư cầu đường ăn học ra sao mà lại không biết tính toán đến khối lượng nước cần thoát khi mùa mưa đến cũng như phải lắp đặt bao nhiêu cống, mỗi cống có đường kính là bao nhiêu thì không gây nước ngập mặt đường? Còn chính quyền địa phương cũng tỏ ra tắc trách khi đã được biết có khá nhiều tai nạn ở đây mà vẫn lơ là trong việc bảo vệ tài sản và tính mạng của những người dân khi giao thông trên đoạn đường này lúc mưa to, gió lớn” - bạn đọc Single Fierfly bình luận.
 
Nữ sinh Đinh Thị Phương Thảo (SN 1991, quê Bình Định) đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, do bị ngạt nước và kiệt sức, vào lúc 20 giờ ngày 8-7. 

Trước đó, chiều 8-7, đang lúc trời mưa tầm tã, Thảo và Thu chở nhau từ Trường ĐH Kinh tế-Luật TP HCM về KTX Đại học Quốc Gia TP HCM. Khi đang chạy trên đường nội bộ cách KTX khoảng 300m thì bất ngờ hai nữ sinh và xe máy bị dòng nước cuốn trôi. Thu may mắn thoát nạn và hô hoán người dân địa phương cứu Thảo.
Hàng chục nam sinh viên cùng người dân và ban giám đốc KTX đã đến tìm kiếm Thảo. Phát hiện Thảo bị vướng vào một lùm cây gần đó nên các nam sinh nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên Thảo đã không qua khỏi…
Theo Người lao động
Bạn đang đọc bài viết Sống ở thành phố lớn mà chết vì... mưa (!). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.