Thứ năm, 28/03/2024 17:46 (GMT+7)

Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu nội dung phản ánh về sạt lở di sản

MTĐT -  Thứ tư, 23/12/2020 10:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ TP.HCM mà nhiều tỉnh thành khác cũng đang chống chọi với các “cơn lốc sạt lở di sản”.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lâm Đồng và TP.HCM và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung phản ánh của Người Đô Thị về "sạt lở di sản trong lòng đô thị".

Cụ thể, công văn số 10640/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cho biết: Báo Người Đô Thị điện tử ngày 14.12.2020 có bài viết "Sạt lở di sản trong lòng đô thị", trong đó thông tin: Hiện có tình trạng "sạt lở di sản" ngấm ngầm trong lòng đô thị, không ít những tòa nhà cổ và cảnh quan xưa - được xếp hạng hay chưa xếp hạng, bị phá bỏ hay "bốc hơi" hoặc biến dạng do con người. Để bảo vệ di sản, nội dung quản trị đô thị của chính quyền các cấp cần được bổ sung chi tiết về quản trị di sản.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lâm Đồng và TP.HCM và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý.

Công văn Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu nội dung phản ánh về "sạt lở di sản trong lòng đô thị".

Trước đó, trong bài viết "Sạt lở di sản trong lòng đô thị"  đăng trên Người Đô Thị của tác giả Phúc Tiến phản ánh thực trạng ngay tại các đô thị, không ít những tòa nhà cổ và những cảnh quan xưa - được xếp hạng hay chưa xếp hạng, bị phá bỏ hay “bốc hơi” hoặc biến dạng không phải vì thiên tai mà do “nhân tai”.

Bài viết đưa ra nhiều dẫn chứng điển hình, như mới đây, tòa “lâu đài” Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (“Nhà Chú Hỏa”, xây 1929 - 1934) bị lún nền, nứt sân và nứt móng, kể cả hàng rào cũng bị nghiêng đổ. Không những thế, một số phù điêu gốm cổ từ trên cao bị rạn nứt hay bong rơi do chấn động bên trong. Nhiều gạch bông lót nền bị hư hại, trần nhà và các cột trụ bên trong đều có nguy cơ hư hỏng. Theo báo cáo của Bảo tàng, các hiện tượng trên bắt đầu có từ năm 2017,  khi công trường hai tòa tháp đôi - cao ốc The Spirit of Saigon (tên cũ là The One Ho Chi Minh City) ngay kề bên thi công đào móng và xây các tầng hầm. Hiện tại, nếu không có cách ngăn chặn và cứu chữa hiệu quả thì cả tòa nhà “kho báu” Bảo tàng Mỹ thuật không những hư hao lớn mà còn có thể sụp đổ!

Không chỉ gây lún nền, nứt sân Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, sự ra đời của tòa tháp đôi 55 tầng kể trên đã xóa đi dãy phố cổ - đối diện vòng xoay Quách Thị Trang và bến xe trung tâm Sài Gòn. Cao ốc chọc trời này, sau khi hoàn thành còn biến Chợ Bến Thành, Tòa nhà Hỏa xa cổ kính (Công ty Đường sắt 3), Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bảo tàng Mỹ thuật cùng nhiều tòa nhà xưa chung quanh, trở thành “bảy chú lùn” đáng thương. Rõ ràng, các kiến trúc từ thế kỷ trước tại đây ngày càng bị “mắc kẹt” và rồi chìm lẩn trong một không gian “nén chặt” của một “rừng cao ốc” và nhiều luồng xe cộ. Mặt khác, cảnh quan truyền thống của khu vực Chợ Bến Thành - một ngôi chợ 106 tuổi, “đang xếp hàng chờ xếp hạng”, đang bị xáo trộn đáng kể. 

Những đường nứt toác chạy dọc móng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phía đường Lê Thị Hồng Gấm có thể thọc bàn tay vào được. Đây là công trình đã được công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp thành phố. (Ảnh chụp ngày 17.9.2020). Ảnh: Trung Dũng

Thực ra, những “tiếng còi” khẩn cấp như vậy đã cất lên từ lâu. Thoạt đầu còn nhỏ, giờ đây càng rền vang. Ở Sài Gòn, tiếng còi cất lên khi một loạt “cột mốc ký ức” của nhiều vùng đất lâu đời bị phá bỏ: Khu Eden, Tòa nhà Thương xá Tax, Công viên Chi Lăng, Tòa nhà Sở học chính Nam Kỳ (Sở Giáo dục), Bùng binh - Bồn nước Lê Lợi - Nguyễn Huệ... Và rồi, mất cả con đường cổ thụ Cường Để (Tôn Đức Thắng), Nhà máy đèn Chợ Quán, Nhà máy CARIC, Nhà máy Ba Son, Lò gốm Hưng Lợi, Bến phà Thủ Thiêm, Tòa nhà số 8 Lê Duẩn và nhiều biệt thự kiểu Đông Dương ở các quận xưa cũ. 

Tiếng còi đó vẫn đang hú vang, khẩn thiết cảnh báo giữ lại và tôn tạo Dinh Thượng thơ (59-61 Lý Tự Trọng), Chợ Bến Thành, Tòa nhà Hỏa xa, Nhà Bưu điện, Nhà Hải quan, Tu viện và Nhà thờ Thủ Thiêm, Cảng Khánh Hội, Cầu sắt Bình Lợi, Bến Chương Dương, Bến Bình Đông, Chợ Lớn cũ, Nhà mộ Petrus Ký… 

Không chỉ TP.HCM mà nhiều tỉnh thành khác cũng đang chống chọi với các “cơn lốc sạt lở di sản”. Tại Hà Nội, đã có mấy phen Phố Cổ, Hồ Gươm, Chùa Một cột, Ga Hàng Cỏ, Di tích Hoàng thành Thăng Long... gặp phải những công trình xây dựng gần bên, hay những đề xuất biến cải, dễ dàng làm hỏng đi giá trị xưa đẹp. May thay, nhờ những tấm lòng và trí tuệ của những người yêu quý thủ đô mà nhiều “văn vật” Hà Nội vẫn còn với đời nay. 

Theo TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cả 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng trưng bày vừa qua để lấy ý kiến đều không ổn, bởi quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt vốn dĩ đã là một quy hoạch sai lầm về bảo tồn và phát triển đô thị. Trong ảnh:  03 phương án kiến trúc công trình khu vực đồi Dinh (bên trái) và Dinh Tỉnh trưởng hiện hữu. Ảnh: TL

Trong khi ấy, tại Đà Lạt, dư luận vẫn đang “đợi đấy”, liệu Đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng có bị “xóa sổ” hay giữ lại và tôn tạo đúng cách? Dư luận cả nước, trong đó có các hội chuyên môn về di sản, quy hoạch đô thị và kiến trúc, đã nhiều lần lên tiếng: Đà Lạt cần bảo vệ cảnh quan di sản thiên nhiên và kiến trúc có một không hai của Phố núi. Thế nhưng, tốc độ bê tông hóa, dồn nén những công trình hào nhoáng và xấu xí nhiều năm nay đã gia tăng “siêu tốc”. Một Đà Lạt thơ mộng đã và đang bị xói mòn về cả ý niệm và hy vọng... 

Tác giả Phúc Tiến đặt vấn đề: Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu đã chất vấn đích danh “tư lệnh” các ngành điện lực, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư về trách nhiệm liên đới. Thiết nghĩ, với tình trạng “sạt lở di sản” ở đô thị, cũng cần có những cuộc chất vấn tương tự! Qua đó, không thể chỉ đặt câu hỏi trách nhiệm duy nhất cho ngành văn hóa. Chính các ngành xây dựng, quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, vệ sinh - môi trường đều phải chịu trách nhiệm về việc nhà cửa, đường phố, cây xanh, cảnh quan và di tích ở đô thị hư hao, mất mát hay xấu xí. Và trên hết là chính quyền địa phương có ý thức đầy đủ quản trị di sản cũng là một phần quan trọng, không thể thiếu trong quản trị đô thị hay không?

Kịp thời "giải cứu" những công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hoá

Ngoài bài viết "Sạt lở di sản trong lòng đô thị", trước đó Người Đô Thị đã có nhiều bài viết, thậm chí có những tuyến bài công phu về chủ đề bảo tồn di sản văn hoá, những công trình có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hoá, không gian di sản... tại nhiều địa phương trên cả nước. Các tuyến bài có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, giàu thông tin, tính phản biện cao đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và dư luận xã hội. Trong đó, nhờ sự lên tiếng kịp thời của Người Đô Thị, đã góp phần "giải cứu" nhiều công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử. 

Điển hình như tháng 2.2017, trước nguy cơ Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu Viện Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm bị giải tỏa, Người Đô Thị đã thực hiện chuyên đề: "Kiến trúc tôn giáo ở Thủ Thiêm: Vẻ đẹp thiện mỹ nơi đô thị". Chuyên đề này có ý kiến của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực kiến trúc đô thị, tôn giáo, văn hóa lịch sử, pháp lý đề nghị giữ gìn và tôn tạo những công trình tôn giáo trăm năm tuổi này: 

TS. Nguyễn Quốc Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo; Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia); TS. Nguyễn Thị Hậu (Phó tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM); PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa (Giám đốc chương trình “Diễn đàn Quốc tế phát triển đô thị bền vững châu Á” tại Việt Nam); Giáo sư Chu Hảo; GS-TS. Nguyễn Minh Thuyết (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội); Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (luật sư điều hành Hãng Luật Giải Phóng, TP.HCM)…

Dòng Mến Thánh giá, Nhà thờ Thủ Thiêm: Những công trình tôn giáo 180 tuổi nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Ngày 2.2.2019 (tức 28 Tết), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo thành phố đã đến thăm, chúc Tết các cơ sở, chức sắc tôn giáo, các đơn vị nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, trong đó có Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại đây, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Hội Dòng mến Thánh giá và Nhà thờ là nơi phát huy được hoạt động xã hội, có truyền thống giúp đỡ, sẻ chia với những người khó khăn. Đoàn lãnh đạo cũng chia sẻ hướng giải quyết với các công trình tôn giáo ở Thủ Thiêm. Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng cho hay thành phố sẽ giữ lại các công trình chính yếu của Dòng Mến Thánh giá và Nhà thờ. Các khu vực lân cận sẽ được xem xét, điều chỉnh phù hợp quy hoạch, mỹ quan trong quy hoạch chung.

Diễn tiến là cuối tháng 12.2019, tại các Quyết định số 5386/QĐ-UBND và Quyết định số 5387/QĐ-UBND ngày 24.12.2019 về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố, UBND TP.HCM đã xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật đối với: Nhà thờ Thủ Thiêm (số 58 Khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2, TP.HCM) và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (số 76 Khu phố 1, phường Thủ Thiêm, Quận 2, TP.HCM). Các quyết định nêu rõ, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích phải được phép của Chủ tịch UBND TP.HCM.

Một ví dụ khác, trước việc thành phố đưa ra phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND – UBND TP.HCM, Người Đô Thị cũng là một trong những cơ quan truyền thông kịp thời đưa tin và có những bài viết phản biện, đưa ra những phương án cụ thể trong việc bảo vệ các công trình kiến trúc có giá trị gồm trụ sở UBND TP.HCM (địa chỉ số 86 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của TP.HCM, trải qua 105 tuổi; được xây dựng từ năm 1898 đến 1909, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp) hay Dinh Thượng Thơ (địa chỉ 59 - 61 Lý Tự Trọng, hiện đang là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM). Từ những phản ánh kịp thời đó, Thường trực UBND TP.HCM thống nhất chọn phương án thiết kế của đơn vị tư vấn Gensler, theo hướng phủ khối kiến trúc mới lên trên và bảo tồn công trình hiện hữu Dinh Thượng thơ. Còn với tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM, mới đây, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký quyết định công nhận công trình này là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Tòa nhà Dinh Thượng thơ trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Quý Hoà

Mớ đây, ngay khi tiếp được thông tin Lâm Đồng tổ chức trưng bày, lấy ý kiến phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng (thuộc Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình) mà nếu thực hiện theo những phương án này sẽ tạo nên làn sóng bê tông hoá, có nguy cơ xoá sổ không gian văn hoá khu Hoà Bình cũng như công trình Dinh Tỉnh trưởng có giá trị kiến trúc lịch sử, Người Đô Thị cũng đã kịp thời thông tin. Trong đó, những bài viết chất lượng chuyên môn cao với những phản biện thuyết phục của những cây viết là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc đã kịp thời chặn 'làn sóng' bê tông hoá để cứu tương lai đô thị di sản Đà Lạt.

Cụ thể chính quyền địa phương đã có động thái cầu thị trước các ý kiến của giới chuyên gia và dư luận, bằng cách nhờ Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế chuyên gia để lắng nghe các ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình, từ đó sẽ có quyết định tương ứng với kết luận mà hội thảo quốc tế này đưa ra...

Theo BTV/Người Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu nội dung phản ánh về sạt lở di sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.