Thứ sáu, 29/03/2024 00:30 (GMT+7)

Tin đô thị ngày 16/3: Đầu tư tiềm năng của BĐS phía Tây Nam Hà Nội

MTĐT -  Thứ sáu, 16/03/2018 19:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin đô thị ngày 16/3: Giá trị đầu tư tiềm năng của bất động sản phía Tây Nam Hà Nội; Bình Phước đầu tư khu công nghiệp “khủng” … 4.633 ha...

Đề xuất xây cảng kết hợp đón tàu lớn tại Hải Phòng

Báo giao thông đưa tin, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Chủ tịch Tập đoàn Rent a port Ackerman & van Haaren thống nhất đẩy mạnh hợp tác trong phát triển hệ thống cảng

Sáng nay (16/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp và làm việc với ông Marc Stordiau, Chủ tịch Tập đoàn Rent a port (Vương Quốc Bỉ) về các hợp tác lĩnh vực cảng thủy nội địa và cảng biển.

Ông Marc Stordiau cho biết, Tập đoàn Rent a port và Công ty Mẹ Ackerman & van Haaren đã đầu tư trên 2,5 tỉ USD vào các dự án cảng tại Bỉ và Trung Đông. Tại Việt Nam, Tập đoàn đã triển khai nhiều dự án khu công nghiệp tại Hải Phòng, Quảng Ninh, trong đó có dự án cảng hàng lỏng 2 vạn tấn phụ trợ cho khu công nghiệp Đình Vũ, dự án Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Cát Hải, dự án KCN Bắc Tiền Phong và Khu công nghiệp Tiền phong (Quảng Ninh).

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Chủ tịch Tập đoàn Rent a port Ackerman & van Haaren thống nhất đẩy mạnh hợp tác trong phát triển hệ thống cảng

Đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của Tập đoàn Rent a port, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ đồng tình với các đề xuất của Tập đoàn. Bộ trưởng cho rằng, đây là những đề xuất hợp lý, không chỉ góp phần thúc đẩy hạ tầng cảng mà còn phát triển vận tải.

Bộ trưởng đặc biệt hoan nghênh đề xuất về thí điểm sử dụng công nghệ mới trong xử lý vậ liệu thải sau nạo vét luồng tuyến của Tập đoàn. “Bộ GTVT luôn hoan nghênh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đối tác tham gia đầu tư, hợp tác phát triển GTVT tại Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Bình Phước đầu tư khu công nghiệp “khủng” … 4.633 ha

Báo lao động dẫn tin, ngày 16/3, UBND tỉnh Bình Phước đã chính thức làm lễ động thổ và trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tiên tại khu công nghiệp và dân cư Becamex – Bình Phước. Đây được xem là khu công nghiệp và dân cư thuộc hàng “khủng” nhất của tỉnh Bình Phước, cũng như của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

5 nhà đầu tư đầu tiên vào khu công nghiệp và dân cư Becamex - Bình Phước đều đến từ Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký 80 triệu USD, gồm các công ty: Hankuk Carbon, Yongsung, River Runs, Hankuk Advanced Material và Mi Sung.

Dự án khu công nghiệp và dân cư Becamex – Bình Phước có diện tích “khủng” tới … 4.633 ha. Vị trí dự án nằm ngay nơi giao thoa của 2 tuyến đường huyết mạch quốc lộ 13 và 14 đã được nâng cấp, mở rộng, rút ngắn thời gian lưu thông từ Chơn Thành (Bình Phước) về TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất nước.

Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, khu công nghiệp và dân cư  Becamex - Bình Phước sẽ trở thành cửa ngõ hàng hóa, dịch vụ giao lưu nội địa và quốc tế.

Lào Cai kêu gọi đầu tư vào Dự án khu nhà ở thương mại

Báo đấu thầu thông tin, UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt đầu tư Dự án Khu nhà ở thương mại tại lô đất thuộc phường Duyên Hải, TP. Lào Cai (khu B).

Đây là dự án có sử dụng đất với tổng diện tích là 0,92 ha, được xây dựng trên phường Duyên Hải. Dự án có tổng mức đầu tư 37 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư Dự án là vốn của chủ đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Sở KH&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian thực hiện Dự án trên là 3 năm, kể từ ngày được chấp thuận đầu tư và hiện tại, khu đất chưa được giải phóng mặt bằng.   

Kon Tum: Hàng trăm ngôi nhà chòi mọc lên để nhận tiền bồi thường từ dự án

Theo báo điện tử công luận, liên quan đến Dự án đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi qua Quốc lộ 24, tại khu vực làng Kon Hra Chót, TP. Kon Tum đã xuất hiện hàng trăm ngôi nhà chòi của người dân mọc lên san sát. Những việc làm này, mục đích là để báo cáo khống để đội giá tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cao hơn hàng chục lần.

Dự án Dự án đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi qua Quốc lộ 24 được đầu tư với mục tiêu, tạo thành trục không gian chính kết nối từ đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 24. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, rút ngắn khoảng cách từ tỉnh Gia Lai, sân bay Plêi Ku, các tỉnh phía nam đi về vùng kinh tế động lực  phía đông tỉnh Kon Tum, khu kinh tế Dung Quất và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Hiện nay Dự án đang ở giai đoạn thực hiện công tác việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), tại khu vực làng Kon Hra Chót, TP. Kon Tum đã xuất hiện hàng trăm ngôi nhà chòi xây dựng mọc lên để hưởng lợi tiền bồi thường từ dự án. Quan sát của phóng viên, khu vực này từ trục đường bờ kè đi thẳng về suối Đắk Bla, người dân nói đây đang bố trí hàng rào, trồng hoa màu, cây cối lâu năm, và nhiều ngôi nhà được lợp tôn rất bài bản.

Vi phạm công tác bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất

Báo thanh tra cho biết, thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất đai và phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản lý bảo vệ rừng tại Cty TNHH MTV Đắk N’Tao (Cty).

Theo Thanh tra tỉnh, từ năm 2015 đến nay, công tác quản lý bảo vệ rừng và công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ phát triển rừng, phòng chống cháy rừng được Cty quan tâm; Cty cũng đã xây dựng kế hoạch, đề ra những giải pháp để tăng cường quản lý và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, Cty vẫn còn để xảy ra nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất, cụ thể: Trên đất xây dựng trụ sở làm việc, vào năm 2007, trước khi được UBND tỉnh cho thuê đất, Công đoàn Cty hợp đồng cho Công ty Cổ phần Điện nhẹ Viễn thông thuê 400m2 để xây dựng trạm tiếp sóng viễn thông. Trong quá trình thực hiện thời gian 10 năm không được điều chỉnh giá thuê. Số tiền thu không lập chứng từ thu, chi, không phản ánh sổ sách kế toán.

Thanh tra tỉnh còn chỉ ra, việc kiểm kê rừng năm 2014 không đúng với thực tế diện tích mất rừng là 884,37ha; diện tích rừng Cty quản lý bị mất từ 1/1/2015 đến 30/9/2017 là 103,29ha.

Ngoài ra, công tác phối hợp tuyên truyền giữa Cty với chính quyền địa phương trong quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng chưa thực hiện thường xuyên, liên tục, còn mang tính sự vụ, không mang lại hiệu quả. UBND xã Nâm N’Jang và UBND xã Quảng Sơn chưa phối hợp tốt với chủ rừng trong quản lý bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất đai, chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý dân cư, quản lý trật tự xây dựng trên lâm phần Cty quản lý. Để tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, cư trú trái phép diễn ra nhưng không được xử lý.

Giá trị đầu tư tiềm năng của bất động sản phía Tây Nam Hà Nội

Trải qua nhiều thăng trầm và những “cơn sốt ảo” của thị trường, các bất động sản phía Tây Nam Hà Nội đang trỗi dậy mạnh mẽ với tiềm năng gia tăng giá trị đầu tư theo cấp số nhân. Hạ tầng giao thông được nâng cấp và mở rộng, vị trí trung tâm mới theo quy hoạch tầm nhìn 2030- 2050 của thành phố và đặc biệt là quy hoạch thông minh, bền vững mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư và hơn 30 vạn cư dân khu vực này.

Ảnh minh họa

Tổng Cục thống kê cho biết, từ quý IV/2015, thị trường bất động sản Hà Nội có sự dịch chuyển mạnh về hướng Tây. Cũng theo Savills ước tính, lượng căn hộ bán ra của khu vực phía Tây chiếm tới 24% thị phần và là nơi có số lượng giao dịch tốt nhất tại Hà Nội. Sự chuyển dịch mạnh mẽ làn sóng đầu tư bất động sản về khu vực này xuất phát từ quy hoạch tới năm 2030, tầm nhìn 2050 của thành phố: đưa khu vực Tây Nam thành trung tâm kinh tế trọng điểm của Hà Nội.

Quỹ đất nội đô hạn hẹp đối lập với đà tăng trưởng kinh tế, dân cư bùng nổ của thủ đô đòi hỏi sự mở rộng và chuyển dịch quy hoạch đã giúp khu vực Tây Nam thành phố được đầu tư hạ tầng hiện đại với tốc độ chóng mặt.

Nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, nhiều ông lớn địa ốc đã bắt đầu đổ dồn lực về khu Tây Nam Hà Nội với hàng loạt các dự án quy mô. Tuy nhiên, để tạo nên giá trị đầu tư bền vững, gia tăng với thời gian, thì bản thân dự án cũng cần thể hiện được tầm nhìn và quy hoạch dài hạn; mang đến tiện ích đa dạng, lợi ích cân bằng.

Sớm đưa Mộc Châu thành trung tâm du lịch quốc gia

Báo chính phủ thông tin, trong chuyến công tác tại Sơn La, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và một số sở, ngành của tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và Tuyến cao tốc Hòa Bình – Sơn La.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, năm 2017, tỉnh đã tập trung lãnh đạo triển khai các nhiệm vụ, chủ động ban hành cơ chế và chính sách nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai và khí hậu để thực hiện 7 chương trình trọng tâm, với mục tiêu “Xây dựng Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc”

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Sơn La đạt 7,32%. Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,11%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,02%; dịch vụ tăng 6,47%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.500 tỷ đồng, bằng 118,5% dự toán Bộ Tài chính giao. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 14.533 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2016.

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2050/QD-TTg ngày 12/11/2014. Nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2030.

Dự án đầu tư xây dựng Tuyến đường cao tốc TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) – huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức đối tác công tư-PPP do Công ty cổ phần đầu tư cao tốc Hòa Bình – Sơn La đề xuất tạo bước chuyển biến mạnh mẽ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh của hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình và của vùng miền núi phía bắc.

T/H

An Nhiên

Bạn đang đọc bài viết Tin đô thị ngày 16/3: Đầu tư tiềm năng của BĐS phía Tây Nam Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.