Thứ năm, 18/04/2024 19:21 (GMT+7)

Tin đô thị ngày 23/4: Kênh phân lũ 800 tỷ xây dựng 8 năm chưa xong

MTĐT -  Thứ hai, 23/04/2018 17:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kênh phân lũ 800 tỷ xây dựng 8 năm chưa xong, xây dựng thị xã La Gi là đô thị trung tâm của vùng kinh tế phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận… là một số tin đô thị trong ngày.

Xây dựng thị xã La Gi là đô thị trung tâm của vùng kinh tế phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận

Ngày 23/4, UBND thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận thị xã La Gi là đô thị loại III.

Tại lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: Thị xã La Gi được công nhận là đô thị loại III là cơ sở để thị xã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo tiêu chí cao, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân và phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị thế của thị xã.

Để giữ vững những tiêu chí đô thị loại III và phấn đấu phát triển đô thị đạt tiêu chuẩn cao hơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã La Gi tiếp tục khắc phục những điểm còn tồn tại, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, chú trọng chỉnh trang, sắp xếp lại các khu dân cư nhỏ lẻ… Để thị xã La Gi trở thành đô thị trung tâm của vùng kinh tế phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận trong tương lai, thị xã La Gi cần tiếp tục phát triển mạnh ngành khai thác, chế biến hải sản cùng với đẩy mạnh phát triển du lịch, xem du lịch biển là ngành mũi nhọn...

Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, thị xã La Gi được xác định là đô thị trung tâm của vùng kinh tế phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận với thế mạnh của vùng là phát triển công nghiệp tập trung, hình thành các trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch.

Kênh phân lũ 800 tỷ xây dựng 8 năm chưa xong

Theo Zing, dự án Hệ thống tách nước, phân lũ, phòng chống ngập úng cho các xã phía Nam thị xã Kỳ Anh do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Thời gian thi công từ năm 2009, thực hiện trong 180 ngày.

Mục tiêu của dự án là thoát nước cho gần 80 km2 diện tích lưu vực sườn phía đông dãy Hoành Sơn và tách lũ, hạn chế khả năng ngập lụt thuộc khu vực Dự án khu liên hợp luyện thép cảng Sơn Dương và các khu dân cư trên quốc lộ 1.

Giai đoạn 1 của dự án từ phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) đến cầu Tây Yên đã đưa vào sử dụng từ năm 2011. Giai đoạn 2 từ cầu Tây Yên đến đê Hòa Lộc dài hơn 2 km đang thực hiện và hàng trăm ha đất của hơn 600 hộ dân bị thu hồi. Tuy nhiên, 8 năm qua dự án vẫn chưa hoàn thành nhiều hạng mục thi công ì ạch, thậm chí đắp chiếu.

Nói về lý do chậm tiến độ, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng.

"Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ, hiện đã giải ngân hơn 640 tỷ đồng. Cả tuyến kênh chỉ mới giải phóng mặt bằng chưa được 30% nên không thể xây ở giữa và bỏ 2 đầu được, mà phải bàn giao toàn bộ mặt bằng mới có thể thi công", vị này giải thích.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Tuấn, Phó Ban Giải phóng mặt bằng (thị xã Kỳ Anh), khẳng định không có chuyện vấn đề giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ.

Ì ạch triển khai các dự án đường sắt đô thị

Theo Sài Gòn đầu tư đưa tin, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, trong số 7 dự án có đến 6 dự án ĐSĐT đều vỡ tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, thời gian hoàn thành.

Dự kiến trong năm nay chỉ có dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành. Song tính đến thời điểm hiện tại, tuyến ĐSĐT Cát linh - Hà Đông (13,05km) đã giải ngân được 479,68 triệu USD, đạt 66,6%, còn khoảng 189,94 triệu USD vốn vay ODA Trung Quốc chưa được giải ngân. Phần vốn đối ứng trong nước đến nay đã giải ngân được 2.658,1 tỷ đồng, đạt 64,2%.

Đối với dự án ĐSĐT Yên Viên - Ngọc Hồi (24,8km), giai đoạn I đã được điều chỉnh tiến độ, thực hiện từ 2017-2024. Dự án sau một thời gian dừng thi công đã được triển khai thi công lại vào tháng 2/2018, Bộ GTVT đánh giá khó khăn chính của dự án là bố trí vốn cho giải phóng mặt bằng (GPMB) thấp, trong khi nhu cầu vốn cho tái định cư cao.

Với tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội (12,5km), tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng đang được Hà Nội kiến nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến năm 2022. Đến nay dự án đã hoàn thành được khoảng 43% khối lượng công việc, hoàn thành GPMB các gói thầu CP01, CP02, CP04, CP05 và đang thực hiện GPMB các vị trí ga ngầm S9, S10, S11, S12 và di chuyển các công trình ngầm, nổi. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là tiến độ giải ngân vốn dự án rất chậm.

Một dự án ĐSĐT khác cũng đang được Hà Nội trình Thủ tướng xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vào kỳ họp tháng 5/2018 là tuyến ĐSĐT Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (dài 11,5km).

Đánh giá tiến độ thi công 2 tuyến metro tại TPHCM, đối với tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, Bộ GTVT cho biết Ban Quản lý ĐSĐT TPHCM đã cơ bản hoàn thành GPMB, nhưng quá trình thi công vẫn còn một số vướng mắc tại vị trí dự án chạy qua khu đất Tổng công ty Ba Son, tổng công ty đã bàn giao 172m2 để thi công lối lên xuống nhà ga, 11.115m2 đất do tổng công ty quản lý vẫn chưa bàn giao vì chưa thỏa thuận xong phương án bồi thường.

Còn tuyến metro số 1 đã thi công đạt 51% khối lượng, các nhà thầu đang triển khai 4 trong số 5 gói thầu thuộc dự án.

Hà Nội ra quân trang trí tủ điện bằng các poster tuyên truyền

Ngày 22/4, 350 tủ điện trên địa bàn TP Hà Nội đã được trang trí và dán thử nghiệm các poster tuyên truyền về quy tắc ứng xử nơi công cộng, các quy định về an toàn điện.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực của Đoàn Thanh niên Thành phố góp phần phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ Thủ đô trong việc tuyên truyền quy tắc ửng xử nơi công cộng, chỉnh trang bộ mặt đô thị và trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống cháy nổ, thoát nạn khi gặp sự cố xảy ra và kỹ năng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, cho đoàn viên, nhân dân Thủ đô.

Sau khi dán thử nghiệm, Thành đoàn Hà Nội sẽ theo dõi phản ứng của dư luận và giám sát chất lượng công trình trước khi áp dụng đại trà trên toàn bộ 12 quận.

Cải tạo nhiều công viên ở trung tâm TP. HCM

Theo VTV, các công viên Bạch Đằng, khu công trường Mê Linh, công viên công xã Paris sẽ được sửa sang, trồng thêm nhiều loại hoa để thu hút du khách đến với TP. HCM.

Các công viên tại Quận 1, quận trung tâm của TP.HCM sẽ được cải tạo đồng bộ trong thời gian tới nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị, làm đẹp thành phố và tạo ấn tượng đẹp với du khách đến với thành phố mang tên Bác.

Riêng công viên công xã Paris khi cải tạo sẽ được kết hợp với kiến trúc Nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố… để bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử và kiến trúc không gian đô thị lâu đời.

Đề án này được UBND Quận 1 đưa ra sau khi nhiều du khách phản ánh cây xanh ở các công viên trung tâm còn khá đơn điệu, nhàm chán.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin đô thị ngày 23/4: Kênh phân lũ 800 tỷ xây dựng 8 năm chưa xong. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.