Thứ năm, 28/03/2024 15:33 (GMT+7)

Tin đô thị ngày 4/5: TP HCM, dừng thi công dự án chống ngập 10.000tỷ

MTĐT -  Thứ sáu, 04/05/2018 17:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP HCM, dừng thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ, nâng cấp Sa Pa thành thị xã, Hà Nội chuẩn bị khai trương phố đi bộ Trịnh Công Sơn là một số tin đô thị trong ngày.

Xây dựng Nũi Né - Phan Thiết thành khu du lịch quốc gia

Mũi Né - Phan Thiết sẽ trở thành khu du lịch quốc gia vào năm 2030. Cùng với đưa ra mục tiêu này, việc quy hoạch tổng thể khu du lịch này cũng bắt đầu được thực hiện.

Trước những yêu cầu mới trong phát triển, du lịch Bình Thuận sẽ phải làm gì để vừa chấn chỉnh những bất hợp lý mang tính lịch sử, vừa đầu tư nâng tầm khu du lịch Mũi Né - Phan Thiết trở thành khu du lịch quốc gia?

Chấn chỉnh những bất hợp lý này đã được những người làm quy hoạch tính đến khi xây dựng Mũi Né - Phan Thiết thành khu du lịch quốc gia đến năm 2030. Theo quy hoạch, Mũi Né - Phan Thiết sẽ là nơi mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch biển, du lịch đô thị, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, mỗi năm đón khoảng 16 triệu lượt khách. Muốn vậy, khu du lịch này phải đáp ứng nhiều tiêu chí quan trọng.

Riêng về mặt hạ tầng sẽ không dừng ở con số 200 resort như hiện tại. Và trước khi xây thêm resort, điều quan trọng là phải chấn chỉnh những bất hợp lý lâu nay ở những resort đã có. 

Nâng cấp Sa Pa thành thị xã của Lào Cai

Theo báo Nhân dân đưa tin, chiều nay (4/5), HĐND tỉnh Lào Cai đã họp phiên bất thường thông qua Nghị quyết nâng cấp huyện Sa Pa (Lào Cai) thành thị xã Sa Pa, nhằm xây dựng Sa Pa không chỉ là khu du lịch quốc gia mà phấn đấu thành khu du lịch quốc tế.

Với 100% phiếu thuận, kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ sáu, khóa 15, nhiệm kỳ 2016- 2021) của HĐND tỉnh Lào Cai đã thông qua Nghị quyết nâng cấp huyện Sa Pa thành thị xã Sa Pa.

Theo đó, thị xã Sa Pa có tổng diện tích tự nhiên là 681,3 km2, có sáu phường và 10 xã. Riêng đô thị Sa Pa có tổng diện tích 5,5 km2, phía bắc giáp xã Tả Phìn, phía nam giáp xã San Sả Hồ và xã Lao Chải; phía đông giáp đường Sa Pả - Sâu Chua - Hang Đá - Hầu Thào thuộc địa phận xã Sa Pả và xã Hầu Thào. Phía tây giáp huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Quy mô dân số thị xã Sa Pa là hơn 61 nghìn người. Thị xã Sa Pa sẽ được tập trung xây dựng với chức năng là đô thị trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái và khám phá bốn mùa tầm cỡ quốc gia, quốc tế; là một trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Lào Cai, cầu nối giao lưu văn hóa giữa các dân tộc vùng núi phía bắc.

Để mở rộng không gian đô thị, xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa, trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh Lào Cai đã thu hút hơn 20 dự án đầu tư quy mô lớn vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của các tập đoàn, công ty lớn, với tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội về du lịch đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút nhiều dự án lớn với tổng nguồn vốn hơn 50 nghìn tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2010-2015.

Hà Nội: Lập tổ công tác đặc biệt chống trộm cắp trên xe bus

Một tổ công tác đặc biệt chống trộm cắp trên xe bus vừa được thành lập tại Hà Nội. Đây là sự phối hợp giữa Trung tâm Kiểm tra giám sát (Tổng công ty Vận tải Hà Nội) và Đội 5 Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố.

Tổ công tác được lập ra nhằm đảm bảo an ninh trật tự ở các điểm trung chuyển và trên xe bus giờ cao điểm; giảm thiểu nạn trộm cắp, móc túi, một tệ nạn nhức nhối trong thời gian qua.

Từ khi thành lập, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra và bắt quả tang nhiều đối tượng chuyên trộm cắp, móc túi, trong đó có nhiều đối tượng có tiền án hình sự nguy hiểm.

Hà Nội: Chuẩn bị khai trương phố đi bộ Trịnh Công Sơn sau lần lỡ hẹn

Đề án xây dựng phố đi bộ Trịnh Công Sơn được UBND quận Tây Hồ thực hiện từ năm 2016, dự kiến hoạt động vào tháng 8/2017. Tuy nhiên, đề án bị hoãn đến thời điểm hiện tại.

Theo thông tin từ UBND quận Tây Hồ, phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ khai trương thí điểm vào trung tuần tháng 5 (11, 12 và 13/5). Được biết, sau phố đi bộ quanh Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn là không gian công cộng thứ 2 của Hà Nội không dành cho xe cơ giới. Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã được UBND quận Tây Hồ lên ý tưởng xây dựng từ năm 2015 và bắt đầu thực hiện từ năm 2016, dự kiến sẽ hoạt động vào cuối tháng 8/2017. Tuy nhiên, đề án bị hoãn đến thời điểm hiện tại.

Theo kế hoạch ban đầu, phố Trịnh Công Sơn - quận Tây Hồ, Hà Nội sẽ được chuyển thành phố đi bộ. Đây là con phố liền hề khu đầm sen, công viên nước Hồ Tây nên được kỳ vọng sẽ là địa điểm vui chơi, giải trí vào 3 ngày cuối tuần tại Hà thành.

Được biết, vào thời điểm cuối tháng 8/2017, UBND quận đã có những bước chuẩn bị ban đầu cho việc khai trương. Nhưng một số gian hàng đã từng được dựng lên trên vỉa hè phố Trịnh Công Sơn để chuẩn bị cho ngày khai mạc không nhận được sự ủng hộ của người dân sinh sống tại đây.

Sau gần 8 tháng điều chỉnh, theo ông Nguyễn Đình Khuyến – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, công tác chuẩn bị đã hoàn thành 95%. Tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, đơn vị thực hiện dự án đã thay các ki ốt cố định bằng ki ốt di động. Các ki ốt chỉ được lắp dựng vào những ngày cuối tuần và tháo dỡ ngay sau khi kết thúc. Thời gian khai trương chính thức được UBND quận Tây Hồ ấn định vào ngày 11/5.

TP HCM: Dừng thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ

Theo thông tin trên báo Giao thông, chiều 3/5, trực tiếp có mặt tại các gói thầu thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu”, ghi nhận thấy công trường khá im ắng.

Tại cổng kiểm soát triều ở kênh Bến Nghé gần Cầu Mống thuộc quận 1 và quận 4, đơn vị thi công đã thực hiện khối lượng công việc khá lớn. Tuy nhiên, những ngày này việc thi công gần như phải tạm dừng. Trên công trường, máy móc không hoạt động, nhà thầu chỉ bố trí một số công nhân túc trực để bảo vệ công trường.

“Từ sau dịp nghỉ lễ 30/4 đến nay, gói thầu này tạm dừng thi công, chúng tôi ở đây chỉ bảo vệ công trường, không cho người lạ bên ngoài vào”, một bảo vệ cho biết.

Tại gói thầu thi công cống ngăn triều ở đầu Kênh Tẻ, nơi đổ ra sông Sài Gòn, không khí cũng im ắng.

Đại diện Công ty Trung Nam BT1547 - nhà đầu tư dự án xác nhận có tình trạng tạm dừng thi công ở các gói thầu của dự án. Theo Công ty Trung Nam, từ ngày 27/4, nhà đầu tư đã có thông báo gửi thường trực UBND TP. HCM về việc thông báo tạm dừng tiến độ triển khai thi công dự án. Nguyên nhân được Trung Nam lý giải là do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án vì UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án theo biểu Phụ lục 02A tại Quyết định số 2240/QĐ-NHNN để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.

Cũng theo Trung Nam, việc nhà đầu tư tạm ngừng triển khai thi công là để phù hợp với việc tạm ngừng giải ngân từ phía ngân hàng cũng như các quy định về thông tin theo hợp đồng để ghi nhận việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án trong những ngày tạm ngừng thi công.

Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” do Tập đoàn Trung Nam thực hiện theo hình thức BT. Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Đồng thời, công trình cũng giúp thành phố chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin đô thị ngày 4/5: TP HCM, dừng thi công dự án chống ngập 10.000tỷ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.