Thứ tư, 24/04/2024 03:41 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/12/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 21/12/2019 10:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/12/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/12/2019.

Lấy ý kiến 3 phương án thiết kế cầu vượt sông Hương lần 3

Tin từ Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đơn vị sẽ công bố, lấy ý kiến cộng đồng về 3 phương án thiết kế công trình cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng (TP Huế).

Cả ba phương án này đã được chọn vào vòng 2 để chuẩn bị cho công tác chấm thi tuyển, lựa ra các phương án được trao giải.

Theo đó, 3 phương án thiết kế cầu đã được chọn gồm: phương án của Công ty Cổ phần Kiến trúc Lập Phương - CUBIC Architects; phương án Cầu Long Thọ của Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM và phương án cầu Một Vòm của Liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty CP Tư vấn kỹ thuật E&R.

Các phương án trên được Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế công bố tại văn phòng sở bằng hình thức treo pano, bản vẽ và phát phiếu tham gia ý kiến cho các tổ chức, cá nhân và công bố trên website Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Xây dựng.

Trong đợt thi tuyển phương án thiết kế cầu lần này, Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế đã nhận được 15 phương án thiết kế của 11 đơn vị tham gia thi tuyển.

Sau khi xem xét, thảo luận 15 phương án dự thi, hội đồng thi tuyển đã bỏ phiếu và lựa chọn 3 phương án có số phiếu bình chọn cao nhất để lấy ý kiến chuyên gia và cộng đồng.

Trước đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành hai cuộc thi tìm phương án xây cầu bắc qua sông Hương. Tuy nhiên, các phương án được trao giải của hai cuộc thi trên đều không được chọn làm phương án để tiến hành xây cầu bởi chưa đáp ứng được yêu cầu của một công trình kiến trúc quan trọng trên sông Hương và bị chê là quá xấu.

TP.HCM sẽ khai thác quỹ đất công quanh nhà ga metro

Ngày 20/12, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo quy hoạch phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD). Tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia về giao thông, kiến trúc sư, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho sự phát triển của giao thông TP theo mô hình TOD.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó phòng Kỹ thuật hạ tầng, Sở QH-KT TP.HCM, cho biết giao thông TP.HCM đang bị tắc nghẽn. Nguyên nhân là do đô thị ngày càng phụ thuộc vào phương tiện cá nhân trong khi giao thông công cộng (GTCC) chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, môi trường đô thị mở rộng một cách tự phát làm phá vỡ cấu trúc đô thị. Đặc biệt, tài chính cho các dự án phát triển hạ tầng luôn là vấn đề lớn, như dự án khép kín các đường vành đai sau nhiều năm vẫn chưa thể thực hiện, hay các tuyến đường sắt đô thị triển khai cầm chừng.

“Cấu trúc đô thị đặc thù tại TP.HCM là dân cư và nhà ở riêng lẻ, phân bố dàn trải. Mật độ xây dựng cao nhưng hệ số sử dụng đất thấp và đặc biệt là có nhiều đường hẻm nhỏ và dài. Cấu trúc đặc thù này là hậu quả của quá trình dài phát triển thiếu quy hoạch” - ông Thắng nhận định.

Thực tế, việc mở rộng diện tích đô thị không tuân theo quy hoạch đã gây khó khăn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Cấu trúc đô thị phân tán buộc người dân phải phụ thuộc vào các phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy. Đồng thời cấu trúc đô thị phân tán cũng không tạo động lực để phát triển GTCC do nhu cầu đi lại không tập trung, khó thu gom hành khách.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, nhận định TP.HCM đã từng bước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân. Mạng lưới vành đai, xuyên tâm, đô thị đã được nâng cấp mở rộng và xây dựng mới, chất lượng dịch vụ GTCC từng bước được nâng cấp. Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng các tuyến MRT, BRT còn rất chậm, dẫn đến cơ sở hạ tầng và dịch vụ giao thông không đáp ứng được nhu cầu đi lại của TP trên 10 triệu dân.

Để tạo tiền đề phát triển, TP cần cấp thiết thực hiện và hoàn thành mạng lưới GTCC. Tuy nhiên, việc này sẽ gặp một số khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển các tuyến còn lại. “Kinh nghiệm của các TP lớn trên thế giới cho thấy phát triển đô thị theo định hướng TOD là một chiến lược hỗ trợ vô cùng hiệu quả. Mô hình này sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác vận hành các tuyến vận tải hành khách công cộng. Việc sử dụng đất hỗn hợp trong khu vực 500 m xung quanh các nhà ga có thể đem lại các lợi ích như tăng số lượng hành khách sử dụng GTCC, cải thiện khả năng tiếp cận hệ thống GTCC đối với người dân” - ông Lâm cho biết.

Kỷ luật hàng loạt cán bộ để xảy ra sai phạm đất đai ở Long An

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Long An vừa kết luận về những khuyết điểm, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc của Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Huệ trong nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời xem xét kỷ luật nhiều cán bộ có liên quan.

Theo đó, UBKT Tỉnh ủy phát hiện có 6 cá nhân bị nhiều khuyết điểm, vi phạm liên quan công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và sử dụng đất công tại khu A, khu phố 4, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ. Trong đó, UBKT Tỉnh ủy quyết định kỷ luật theo thẩm quyền đối với 5 cá nhân. UBKT Tỉnh ủy xác định hành vi của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Đức Huệ là trái với quy định của pháp luật đất đai.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Giám, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy thực hiện chưa nghiêm quy chế làm việc, có biểu hiện bao che để cho Công ty Cổ phần đầu tư Nông nghiệp Hòa Bình Xanh triển khai trồng chuối trên đất công từ tháng 5/2017 đến thời điểm 30/4/2019;

Ông Nguyễn Văn Hy với vai trò là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên mà không cương quyết trong việc xử lý vi phạm, mặc nhiên cho Công ty Cổ phần đầu tư Nông nghiệp Hòa Bình Xanh triển khai trồng chuối.

Ông Phạm Văn Liên với vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách kinh tế nhưng thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên và không cương quyết trong việc xử lý vi phạm.

Ông Lê Công Lợi với vai trò là Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng nhưng chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được phân công để xảy ra nhiều vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng; buông lỏng công tác hậu kiểm tra, thiếu cương quyết trong việc xử lý vi phạm, tham mưu đề xuất chưa kịp thời, chưa có giải pháp để giải quyết triệt để.

Ông Võ Văn Châu, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường không hoàn thành trách nhiệm được phân công để xảy ra nhiều vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường. Buông lỏng công tác hậu kiểm tra, thiếu cương quyết trong việc xử lý vi phạm, tham mưu đề xuất chưa kịp thời, chưa có giải pháp để giải quyết triệt để.

Với những vi phạm trên, ông Nguyễn Văn Giám, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; ông Võ Văn Hy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo.

Quảng Nam: Hỗ trợ người dân tu bổ khẩn cấp di tích phố cổ Hội An

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc cho biết từ ngày được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999 đến nay, với nhiều nguồn vốn khác nhau, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã hỗ trợ hơn 152 tỷ đồng để trùng tu, bảo vệ khẩn cấp các di sản đang bị xuống cấp.

Tổng cộng 424 công trình di tích thuộc sở hữu Nhà nước và di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể được trùng tu, tôn tạo các hạng mục chính như mái ngói, kết cấu khung gỗ, cột trụ, tường nhà, mái kèo và nhiều hạng mục kiến trúc khác bị xuống cấp do tác động của thời gian.

Sau khi được trùng tu, các di tích đều phát huy tốt hiệu quả sử dụng, góp phần giữ gìn “bảo tàng sống” về lịch sử, kiến trúc, dân cư đô thị phố cổ Hội An.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ di sản văn hóa thế giới Hội An gắn liền với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho người dân sửa chữa, trùng tu di tích, thành phố Hội An sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm cho người dân thực sự trở thành chủ nhân của di sản.

Hiện tại, thành phố Hội An được các chuyên gia khuyến khích trong việc số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết về di sản, bao gồm các công trình kiến trúc, lịch sử phát triển, các tập quán, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư để làm cơ sở bảo vệ tốt hơn di sản quý giá này.

Thành phố Hội An hiện có 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ. Áp lực từ dân cư và đô thị hóa đã và đang có tác động lớn về nhiều mặt đến “bảo tàng sống” về lịch sử, kiến trúc và nét thuần hậu của Hội An.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới