Thứ sáu, 29/03/2024 18:24 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/5/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 25/05/2019 10:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/5/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/5/2019.

TP Hồ Chí Minh kiến nghị sớm ban hành các quy định về việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa kiến nghị UBND thành phố đề xuất trình Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định về việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đối với các trường hợp được bố trí sử dụng nhà để ở từ sau ngày 19/1/2007 (là ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước).

Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND thành phố thống nhất chủ trương về mô hình hoạt động mở rộng của Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng để thực hiện chuyển giao, quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước một cách tập trung, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Đối với nhà ở tái định cư thuộc sở hữu nhà nước, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch phát triển và quản lý sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địan bàn thành phố giai đoạn 2019 – 2020 và những năm tiếp theo đến năm 2025.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh hiện nay việc quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Xây dựng và UBND quận, huyện quản lý; trong đó Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố và các Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, huyện là đơn vị quản lý, giữ hộ trực tiếp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên việc quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước của các công ty nói trên chưa chuyên sâu, việc quản lý, kiểm tra sử dụng nhà chưa chặt chẽ, nợ đọng tiền thuê nhà số lượng lớn nhưng chưa có giải pháp xử lý, công tác bán nhà còn chậm so với yêu cầu.

Số lượng nhà ở còn lại đến nay chưa bán được có nhiều nguyên nhân phức tạp, trong đó có nhiều văn bản của Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và nhiều văn bản xử lý của thành phó có sự trùng lắp, mâu thuẫn nên khi xử lý từng trường hợp cụ thể chưa có sự thống nhất.

Quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, nhà ở xã hội ngoài ngân sách còn hạn chế về số lượng và cơ chế giá bán khó tiếp cận đối với các đối tượng cán bộ, công chức, gia đình chính sách…

Trong khi đó, việc tái định cư thời gian qua chủ yếu để người dân có chỗ ở, chưa quan tâm đến không gian sống, công ăn việc làm, các chính sách an sinh xã hội đi kèm, việc dự báo nhu cầu về nhà ở tái định cư còn nhiều hạn chế, chưa gắn kết với kế hoạch đầu tư đa ngành các dự án trọng điểm có giải phóng mặt bằng gắn với các dự án phát triển nhà ở phục vụ tái định cư.

Một bộ phận người dân chuyển nhượng suất tái định cư để hưởng chênh lệch, dẫn tới việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho người dân đã được bố trí tái định cư.
Về quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, thực hiện các Nghị định liên quan của Chính phủ, thành phố có 10.598 căn hộ, trong đó biệt thự có 572 căn, nhà phố có 4.648 căn, chung cư có 5.378 căn, đang quản lý trống 82 căn.

Từ ngày 6/6/2013 đến ngày 31/12/2016, tổng số nhà cũ đã bán được là 999 căn với tổng số tiền hơn 463 tỷ đồng. Đối với nhà tái định cư thuộc sở hữu nhà nước, thành phố đã phát triển 41.050 căn và nền đất phục vụ tái định cư cho chương trình 12.500 căn thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu tái định cư Vĩnh Lộc B… Thành phố đã sử dụng 29.127 căn và nền đất để phục vụ tái định cư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, chỉnh trang đô thị…

Số căn hộ và nền đất còn lại (11.923 căn và nền đất), Sở Xây dựng đã trình, báo cáo UBND thành phố ban hành kế hoạch phát triển và quản lý, phục vụ các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2020 và những năm đến năm 2025.

Trong khi đó, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, đến nay thành phố đã tiếp nhận và quản lý 6 dự án hoàn thành với 569 căn hộ, đã bố trí hết. Hiện thành phố đang chuẩn bị triển khai dự án nhà ở xã hội tại 35 Hồ Ngọc Lãm, quận Bình Tân.

47 công trình đường phố của Hà Nội sẽ được cải tạo, sửa chữa

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt danh mục 47 công trình cải tạo, sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố sử dụng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ năm 2019.

Theo đó, danh mục 47 công trình phê duyệt được chia thành 4 hạng mục.

Hà Nội sẽ cải tạo 47 tuyến đường nhằm giảm áp lực giao thông đô thị

Ở hạng mục xén mở rộng mặt đường bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và sửa chữa theo chỉ đạo của UBND thành phố, có 6 công trình gồm xén dải phân cách mở rộng mặt đường kết hợp với chỉnh trang cây xanh, thảm cỏ trên dải phân cách đường phố Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy); xén dải phân cách đường Liễu Giai và đường Văn Cao (quận Ba Đình); cải tạo, sửa chữa đường phố Trung Liệt và các nút giao giữa phố Trung Liệt với Đặng Tiến Đông, Thái Hà, Thái Thịnh (quận Đống Đa); cải tạo, sửa chữa và xén dải phân cách mở rộng mặt đường phố Yên Lãng - Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và cải tạo, sửa chữa tuyến đường nối từ quốc lộ 21 thuộc địa phận xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây.

Thành phố cũng phê duyệt danh mục 21 công trình nằm ở hạng mục các tuyến đường trục chính, xuyên tâm, đường vành đai, quốc lộ, đường trung tâm các quận, huyện, thị xã đến kỳ sửa chữa để phục vụ Đại hội Đảng các cấp và các sự kiện chính trị quan trọng.

Theo đó, tại quận Hoàn Kiếm có các tuyến phố: Tràng Tiền, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư; quận Hai Bà Trưng có phố Trần Thánh Tông và sửa chữa, thay thế khe co giãn, xử lý lún đầu cầu Vĩnh Tuy; quận Ba Đình có các tuyến Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Lý Nam Đế; quận Đống Đa có tuyến Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn…

Ngoài ra, có 6 tuyến đường đến kỳ sửa chữa; 11 tuyến đã bị hư hỏng nền mặt đường gây bức xúc dân sinh và mất an toàn giao thông đã được thành phố phê duyệt cải tạo, sửa chữa trong dịp này.

Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Hà Nội và Sở Tài chính trong công tác tổng hợp vốn chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư để trình thành phố phê duyệt.

Đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng khai thông sông Cổ Cò

TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chung tay đầu tư khai thông tuyến sông Cổ Cò nhằm mục đích triển khai các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch cho hai địa phương.

Sông Cổ Cò sẽ được đầu tư khai thông nhằm phát triển du lịch cho cả Đà Nẵng và Quảng Nam

UBND Thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam vừa thống nhất phương án nạo vét, khớp nối thông luồng sông Cổ Cò trước tháng 9/2020. Hai địa phương cũng thống nhất sẽ triển khai các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông của 2 địa phương.

Dự án nạo vét sông Cổ Cò, đoạn qua địa bàn thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam dài hơn 19,7 km được đầu tư 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trên 340 tỷ đồng từ chương trình ứng phó biến đổi khí hậu.

Tại cuộc họp bất thường mới đây, Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng cũng đã thông qua chủ trương đầu tư một số dự án trên địa bàn Thành phố. Trong đó có Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua địa bàn Thành phố Đà Nẵng với mức đầu tư 585 tỷ đồng.

Phía tỉnh Quảng Nam đưa ra phương án nạo vét lòng sông rộng 90 m, cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng 2 bên bờ sông và xây dựng 4 cây cầu nối 2 bờ Đông - Tây của sông Cổ Cò.

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chính quyền 2 địa phương đã thống nhất về quy hoạch hạ tầng, trong đó chú trọng đến độ thông thuyền. Theo ông Thanh, toàn bộ hệ thống hạ tầng 2 bên bao gồm: đường giao thông, các trạm dừng của các bến tàu, hệ thống trạm dừng dọc theo sông Cổ Cò cũng phải tính những điểm dừng đón khách phải thống nhất, hệ thống chiếu sáng, đường giao thông hạ tầng khớp nối đi lại. Toàn bộ nội dung này hai bên thống nhất phù hợp với nhau và phải được tính toán trên một cung đường hợp lý.

Glory Oceanic Vietnam rót thêm 29,613 triệu USD vào dự án tại Bình Dương

Công ty TNHH Glory Oceanic Vietnam (Hồng Kông, Trung Quốc) vừa điều chỉnh tăng thêm hơn 29,613 triệu USD đầu tư Dự án Nhà máy Sản xuất đồ gỗ gia dụng tại xã Hội Nghĩa và xã Tân Hiệp, huyện Tân Uyên, Bình Dương.

Sau khi điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đầu tư của Dự án là 60 triệu USD (sử dụng 100% vốn nước ngoài). Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2005. Mục tiêu của Dự án là sản xuất, gia công các sản phẩm và chi tiết đồ gỗ gia dụng; kinh doanh bất động sản...

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới