Thứ sáu, 29/03/2024 15:46 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 15/6/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 15/06/2019 09:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/6/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/6/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Ghi hình phạt nguội đến 7 triệu đồng hành vi xả rác ở Đà Lạt

Ngày 14/6, bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt cho biết thành phố sẽ lắp 20 camera tại nơi công cộng để giám sát và xử lý hành vi xả rác bừa bãi.

Trước mắt, địa phương đã lắp đặt hệ thống biển cảnh báo (bằng 2 thứ tiếng Anh-Việt) với nội dung: “Cấm xả rác bừa bãi, phạt tiền đến 7.000.000 đồng. Chúng tôi sẽ chụp ảnh, quay phim hành vi xả rác bừa bãi”.

Mức phạt này được quy định tại Điều 20 Nghị định của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.

Đà Lạt lắp bảng cảnh báo cấm xả rác bừa bãi

Những biển cảnh báo này được lắp đặt bên hồ Xuân Hương, quảng trường Lâm Viên, một số công viên… Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị TP. Đà Lạt còn gắn bảng “Nội quy công viên công cộng”, trong đó có điều khoản cấm xả rác bừa bãi.

TP. Đà Lạt quyết định ghi hình phạt nguội hành vi xả rác bừa bãi nhằm hạn chế tình trạng du khách, người dân địa phương và người bán hàng rong vứt rác tùy tiện nơi công cộng; qua đó xây dựng ý thức du lịch văn minh nhằm góp phần đưa ngành du lịch Đà Lạt phát triển bền vững trong tương lai.

Những năm gần đây, cũng như nhiều thành phố trọng điểm tham quan du lịch của Việt Nam, sau mỗi dịp lễ, Tết là nhiều khu vực công cộng và một số danh lam thắng cảnh ở TP. Đà Lạt “ngập lụt” trong rác.

Tình trạng này vừa khiến đội ngũ công nhân vệ sinh bị quá tải vừa làm mất mỹ quan, ảnh hưởng xấu đến môi trường và thương hiệu thành phố du lịch văn minh, xanh sạch, đẹp, trong khi Đà Lạt đã vinh dự được nhận giải thưởng thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2017 và giải thưởng du lịch “sạch”ASEAN năm 2018.

TP Hồ Chí Minh: Công bố kết luật thanh tra toàn diện dự án Sài Gòn Safari

Sáng 14/6, tại nhà văn hóa xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố Kết luận số 2112/KL-TTCP thanh tra toàn diện dự án Sài Gòn Safari.

Dự buổi công bố kết luận thanh tra có 171 hộ dân bị ảnh hưởng và đang khiếu nại thuộc dự án cùng đại diện các ban ngành đoàn thể huyện Củ Chi.

Ông Trần Văn Mây - Cục trưởng Cục 3, Thanh tra Chính phủ, đại diện Thanh tra Chính phủ chủ trì buổi công bố. Theo đó, Bản Kết luận số 2112/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Sài Gòn Safari.

Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau 13 năm kể từ ngày UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản chấp thuận thì đồ án mới hoàn thành và được phê duyệt là thời gian quá dài, trong khi đây là tài liệu quan trọng để quyết định đầu tư dự án.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Sài Gòn Safari.

Trong các nguyên nhân, Thanh tra Chính phủ xác định có nguyên nhân chủ quan là do các cơ quan chức năng của TP chưa cố gắng tìm giải pháp phù hợp để báo cáo xin chỉ đạo của Thủ tướng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác bồi thường, tái định cư, bố trí tạm cư.

Đặc biệt, về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Thanh tra Chính phủ xác định, phương án giá đưa ra có một số nội dung không phù hợp quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm đó, cũng như việc áp giá đền bù chưa phù hợp làm phát sinh chi phí đền bù tăng thêm 104,7 tỷ đồng. Cụ thể, trong 705 hồ sơ đền bù có tới 578 trường hợp đền bù không đúng với số tiền 104,74 tỷ đồng.

Thêm vào đó, hiện nay vẫn còn 16 hộ chưa nhận bồi thường, chưa giao đất, còn khiếu nại. Diện tích đã bàn giao từ Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi sang Công ty TNHH-MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn (chủ đầu tư dự án) là 403,45ha, nhưng trên thực tế UBND huyện Củ Chi và Công ty TNHH-MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã không quản lý được toàn bộ diện tích này. Hiện nay, trên diện tích đất để triển khai dự án có 66 hộ dân tranh thủ trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi.

Ngoài ra, vấn đề tái định cư là một trong những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện. Hiện nay, dù đã có mặt bằng và nguồn vốn nhưng khu tái định cư vẫn chưa thực hiện được. Trong khi theo quy định, khu tái định cư phải được thực hiện đồng thời với giải phóng mặt bằng.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư để bố trí nơi ở cho những hộ dân đã đăng ký tái định cư. Trong thời gian chưa xây dựng xong khu tái định cư thì UBND TP cần tìm nơi tạm cư, chi tiền tạm cư cho các hộ này, đồng thời chỉ đạo UBND huyện Củ Chi và Công ty TNHH-MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn có phương án, biện pháp hữu hiệu để quản lý diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng của dự án, cương quyết không để người dân tái sử dụng.

Sau khi công bố bản kết luận thanh tra, nhiều người dân bày tỏ mong muốn được đối thoại, làm rõ thêm nội dung khiếu nại, tố cáo từ nhiều năm qua.

70% công trình cấp nước tại Đăk Nông ngưng hoạt động

Trong tổng số 245 công trình đã được tỉnh Đăk Nông xây dựng chỉ còn 72 công trình hoạt động, 70% công trình còn lại đang chờ thanh lý.

Nhà nằm ngay sát công trình cung cấp nước nhưng vẫn thiếu nước quanh năm. Đây đang là tình trạng sống của nhiều người dân ở tỉnh Đăk Nông. Nguyên nhân vì phần lớn những công trình cấp nước đang bị bỏ hoang, lãng phí. Nhiều công trình hư hỏng và ngưng hoạt động chỉ sau vài tháng vận hành.

Các công trình này được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường. Tổng số vốn đầu tư cho các công trình là khoảng 500 tỷ đồng.

TP.HCM đầu tư 490 tỷ đồng phát huy giá trị di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị
Theo Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, từ năm 2014, thành phố đã đầu tư 490 tỷ đồng cho 32 di tích nhằm tôn tạo, tu bổ, trưng bày, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với số lượng hàng nghìn công trình lịch sử đang đợi được xét duyệt, quá trình tiến hành khảo sát đầy đủ sẽ cần nhiều thời gian, trong khi đang ngày càng có nhiều công trình bị xuống cấp. Vì thế, rất nhiều chuyên gia về di sản và quy hoạch đã đóng góp ý kiến với TP.HCM tại Hội thảo về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị.

Theo các chuyên gia, để có thể phát huy giá trị di sản và cảnh quan kiến trúc, chúng ta cần có 3 chiến lược chính: gấp rút điều chỉnh, bổ sung cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn khi Luật Di sản vẫn còn nhiều bất cập; xác định khu trung tâm lịch sử; đồng thời tạo điều kiện tốt và vị trí thuận lợi cho các dự án phát triển cao tầng và hiện đại. Ngoài ra, nhiều giải pháp trong nước và quốc tế được đưa ra như: xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản thông qua phát triển sản phẩm du lịch Hành trình di sản TP.HCM.

Cảnh báo 13 điểm ngập úng trong thành phố Hà Nội

Có 13 điểm ngập úng khó đi lại, gây ùn tắc giao thông được Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội chỉ ra.

Đó là điểm trên phố Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Hoa Bằng, Phạm Văn Đồng, Trường Trinh, phố Minh Khai ngay chân cầu Vĩnh Tuy, Thanh Đàm, Phan Bội Châu - Lý thường Kiệt, phố Bát Đàn, Đội Cấn và phố Thụy Khuê. Còn phía ngoài vành đai 3 cũng có khá nhiều điểm như đường Nguyễn Xiển, điểm đầu Đại lộ Thăng Long.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 15/6/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.