Thứ năm, 18/04/2024 07:19 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 16/7/2019

MTĐT -  Thứ ba, 16/07/2019 11:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 16/7/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 16/7/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Đẩy nhanh triển khai thu phí tự động không dừng

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức tự động không dừng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng, bảo đảm chậm nhất trước ngày 31/12 năm nay chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc.

Các nhà đầu tư dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu tự động không dừng theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản phục vụ công tác thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng của chủ phương tiện giao thông, đảm bảo liên thông, thuận lợi, an toàn.

Ninh Bình huy động hơn 2.280 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Bình đã huy động được 2.288 tỷ đồng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư đóng góp và tự đầu tư là hơn 1.100 tỷ đồng.

Năm 2019, tỉnh Ninh Bình có 12 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết ngày 30/6, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của 12 xã là 16,3 tiêu chí/xã.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 89/118 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 75%), bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã làm thêm được 264 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 35,5km; thẩm định 7 dự án giao thông nông thôn do Ủy ban Nhân dân cấp huyện làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Hệ thống thủy lợi, điện được đầu tư, nâng cấp với 115/118 xã đạt chuẩn tiêu chí thủy lợi và 117/118 xã đạt chuẩn tiêu chí điện. Ngành giáo dục cũng đạt nhiều kết quả với 92% trường đạt chuẩn quốc gia (436/474 trường).

Đặc biệt, thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được chú trọng; các chính sách hỗ trợ sản xuất, tăng cường liên kết cho người nông dân được đẩy mạnh triển khai.

Tuy nhiên, khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình là nguồn vốn huy động cho Chương trình Mục tiêu quốc gia còn thấp so với yêu cầu, chủ yếu vẫn từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, trong khi đó thủ tục đấu giá đất để huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn chậm, một số xã vùng xa trung tâm giá trị đấu giá đất thấp, số lượng ít nên huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn.

Ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, đề nghị, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Ban Chỉ đạo các cấp cần tăng cường xã hội hóa trong đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để trả nợ, giảm nợ đọng cũ, hạn chế phát sinh nợ mới, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới.

Hà Nội chấp thuận mở mới 21 tuyến buýt

UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận danh mục 21 tuyến buýt mở mới, trong đó có 4 tuyến buýt đăng ký khai thác bằng phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch (khí CNG), 14 tuyến mở rộng khai thác tại các huyện ngoại thành.

Xét đề nghị của Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải, UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận chủ trương phê duyệt các tuyến buýt mở mới năm 2019 vào Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, đến năm 2025, định hướng 2030”

Theo đó, trong danh mục 21 tuyến buýt mở mới có 4 tuyến buýt do Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đăng ký khai thác bằng phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch (khí CNG).

Với 17 tuyến còn lại gồm có 3 tuyến buýt nhằm tăng khả năng tiếp cận xe buýt của hành khách trong khu vực nội đô, thu gom khách từ khu dân cư, khu đô thị ra các trục chính trong các quận nội thành: Tuyến Hoàng Cầu - Hoàng Mai, Cầu Giấy - Định Công - Giáp Bát, Trần Khánh Dư - trung chuyển Long Biên.

Hà Nội sẽ có 4 tuyến buýt sử dụng xe chất lượng cao, nhiên liệu sạch.

Cùng với đó là 14 tuyến buýt nhằm mở rộng tới các khu vực chưa có xe buýt hoạt động tại các huyện ngoại thành: Tuyến bến xe Gia Lâm - KCN Bắc Thăng Long, bến xe Yên Nghĩa - Phùng; Bác Cổ - Dương Quang (Gia Lâm); Hòa Lạc - Nhổn; bến xe Phùng - bến xe Sơn Tây; bến xe Yên Nghĩa - Miếu Môn; bến xe Yên Nghĩa - Hồng Dương (Thanh Oai); bến xe Yên Nghĩa - Chúc Sơn - thị trấn Kim Bài; bến xe Thường Tín - Tế Tiêu; bến xe Sơn Tây - Cổ Đô - Trung Hà; thị trấn Vân Đình - Xuân Mai (trường Cao đẳng cộng đồng Hà Tây); bến xe Sơn Tây - Tòng Bạt; Hòa Lạc - Bất Bạt (Ba Vì); Yên Trung (Thạch Thất) - KCN Phú Nghĩa.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và các đơn vị liên quan khảo sát và mở các tuyến để phục vụ mở rộng thị trường. Đồng thời, kiểm tra và đề xuất sớm mở kéo dài tuyến buýt nối với địa bàn tỉnh Hưng Yên.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 16/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới