Thứ bảy, 20/04/2024 14:29 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 1/8/2019

MTĐT -  Thứ năm, 01/08/2019 09:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/8/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/8/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

TP.HCM chi hơn 830 tỷ đồng chống kẹt xe tại Quận 7

UBND TP.HCM vừa đồng ý cấp vốn cho Dự án Xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7) nhằm xóa điểm kẹt xe thường xuyên tại đây.

Theo thiết kế dự án, sẽ xây đảo tròn trung tâm (đường kính 60 m) và 2 hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh. 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh sẽ đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 480 m (bao gồm đường dẫn 2 đầu hầm và hầm kín). Trong đó, hầm kín dài khoảng 80 m; hầm hở phía Khu chế xuất Tân Thuận dài khoảng 200 m, phía Quốc lộ 1A dài khoảng 200 m. Mặt cắt ngang hầm gồm 3 làn xe lưu thông với tốc độ 60 km/h, bề rộng trong hầm 13,75 m.

Phối cảnh hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: Internet

Tổng vốn đầu tư Dự án hơn 830 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 538,3 tỷ đồng, còn lại là chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật 155,6 tỷ đồng, dự phòng 84 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 21 tỷ đồng… Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, công trình dự kiến khởi công cuối năm 2019 và hoàn thành vào quý II/2022.

Đề xuất 6 chính sách lớn cần sửa đổi trong Luật Giao thông đường bộ

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga, qua 10 năm thực hiện, bên cạnh các kết quả tích cực, quá trình triển khai thi hành Luật GTĐB đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật thay thế.

Tờ trình của Bộ GTVT cho hay, tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định, Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực, trong khi theo yêu cầu là từ 16 - 26%.

Giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó có một phần là hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ; hệ thống đường tỉnh thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế; đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chưa hoàn thành việc cứng hóa kết cấu mặt đường.

Nhiều vị trí hành lang an toàn đường bộ chưa được đền bù; nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm để thực hiện đền bù, thu hồi đất trong hành lang còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Tình trạng người dân sử dụng trái phép hành lang mở lều quán kinh doanh thường xảy ra cần có sự vào cuộc để kiểm tra, xử lý, cưỡng chế của các lực lượng chức năng.

Nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ để thực hiện công tác bảo trì chưa đủ so với nhu cầu (đối với hệ thống QL đáp ứng được khoảng 45% yêu cầu). Nguồn kinh phí bảo trì đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường nông thôn gặp nhiều khó khăn. Vốn dành cho quản lý bảo trì thấp là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác bảo trì đường bộ. Quy định về Quỹ bảo trì đường bộ chưa hoàn toàn phù hợp với Luật Ngân sách, Luật Phí và lệ phí hiện nay. Các hoạt động của công tác bảo trì đường bộ chưa bao quát được các yêu cầu về bảo trì công trình theo quy định của Luật Xây dựng.

Hội đồng thẩm định họp về đề xuất sửa đổi Luật GTĐB. Ảnh: P.Thảo

Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến đường cao tốc hiện nay mới được Luật GTĐB điều tiết ở các quy định cơ bản nhất. Còn các vấn đề liên quan đến đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc đang được quy định tại văn bản dưới luật, dẫn đến việc đầu tư vào đường cao tốc rất khó để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Về vận tải đường bộ, việc phân loại 7 loại hình kinh doanh vận tải trong Luật GTĐB hiện nay chưa phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ, chưa phân định rõ ràng gây ra khó khăn trong công tác quản lý cũng như gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình có hoạt động tương tự nhau…

Công tác tuần tra, kiểm soát chưa bao quát hết địa bàn được giao và thời gian trong ngày, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc kiểm soát, xử lý vi phạm còn hạn chế. Vì vậy, các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện như: điều khiển xe không có giấy phép lái xe, đi không đúng làn đường, phần đường, đi vào đường cao tốc, chở quá khổ quá tải, xâm phạm công trình giao thông, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè… còn diễn ra phổ biến, phức tạp.

Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng, xây dựng Luật GTĐB thay thế cho Luật GTĐB năm 2008 là hết sức cần thiết. Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất 6 chính sách nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập.

Cụ thể là sửa đổi, bổ sung các quy định về quy tắc GTĐB; điều chỉnh việc phân loại hệ thống đường bộ, nội dung bảo trì đường bộ, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, đầu tư, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB; bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, quản lý chất lượng, khí thải đối với xe mô tô; xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải; điều chỉnh hạng giấy phép lái xe và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều kiện của người lái xe; phân định lại các loại hình kinh doanh vận tải theo đó điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Thành Công, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho rằng, hiện đang có rất nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật năm 2008, gây khó hiểu, khó nhớ, khó thực hiện cho cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ, dẫn đến vi phạm, tai nạn, khiếu nại, chống đối lực lượng thực thi công vụ.

Hiện, hàng năm có trên 70% khiếu nại của công dân về quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với lực lượng CA liên quan đến xử phạt quy tắc giao thông, hệ thống biển báo hiệu. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải đường bộ chiếm 90% các hoạt động vận tải, trên tuyến đường bộ không chỉ có hoạt động giao thông thông thường mà còn có các hoạt động khác. Vì vậy, ông Công cho rằng, nếu không có hành lang pháp lý đủ mạnh, việc giải quyết các vấn đề nổi cộm này thì sẽ rất khó khăn.

Đáng bàn, theo ông Công, Luật hiện hành chưa quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý người, phương tiện tham gia giao thông. Điều này dẫn đến tình trạng hiện nay là giáo dục đạo đức nghề nghiệp, quản lý đội ngũ lái xe bị buông lỏng, kỷ cương pháp luật bị coi nhẹ, vi phạm pháp luật giao thông diễn ra phổ biến…

Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển cho rằng, cần tập trung thành 4 chính sách gồm: Quy tắc GTĐB; quản lý các phương tiện giao thông; cơ sở kết cấu hạ tầng; quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhất trí cho rằng: Việc sửa đổi Luật GTĐB nên tập trung vào 4 chính sách lớn. Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo phải có chính sách về phát triển phương tiện giao thông công cộng, trong đó, phải làm rõ chính sách khuyến khích giao thông công cộng, không khuyến khích phương tiện cá nhân…

Hà Nam chọn nhà đầu tư dự án khu dân cư mới 133 tỷ đồng

Ban Quản lý phát triển khu đô thị mới tỉnh Hà Nam vừa cho biết, từ ngày 8/8 đến 8/10/2019 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu Dự án Đầu tư xây dựng Khu dân cư mới tại xã Đức Lý, huyện Lý Nhân.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng chi phí thực hiện dự kiến 133,8 tỷ đồng. Dự án có diện tích khoảng 9,2 ha, phía Bắc giáp đất lúa, phía Nam giáp mương, phía Đông giáp Khu dân cư và phía Tây giáp đường Quốc lộ 38. Dự án sẽ được thực hiện tại xã Đức Lý, huyện Lý Nhân; thời gian thực hiện là 24 tháng; hình thức lựa chọn nhà đầu tư là rộng rãi trong nước.

Mục tiêu của Dự án là từng bước đô thị hóa khu vực xã Đức Lý nói riêng và huyện Lý Nhân nói chung theo quy hoạch; hoàn chỉnh hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tạm dừng cấp phép xây dựng khách sạn mini tại Quy Nhơn

Ngày 31.7, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, có buổi tiếp xúc cử tri P.Ngô Mây (TP.Quy Nhơn). 

Các cử tri đã kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng kinh doanh dịch vụ lưu trú tự phát tại TP.Quy Nhơn gây quá tải về giao thông, không gian du lịch lộn xộn, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

Ông Hồ Quốc Dũng cho biết lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng tạm dừng cấp phép xây dựng đối với những công trình kinh doanh dịch vụ lưu trú nhỏ, khách sạn mini.

Theo ông Dũng, việc hàng loạt khách sạn mini chỉ có diện tích 50 - 70 m2 mọc lên trong khu dân cư dễ xảy ra tình trạng kinh doanh dịch vụ không đảm bảo và không có chỗ đậu xe, gây ùn tắc giao thông.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 1/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ