Thứ năm, 25/04/2024 15:38 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 25/7/2019

MTĐT -  Thứ năm, 25/07/2019 10:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 25/7/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 25/7/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Từ 1/9, Đà Nẵng cấm xe khách trên 30 chỗ vào trung tâm giờ cao điểm

Chính quyền Đà Nẵng cho biết sẽ có phương án cấm xe khách trên 30 chỗ ngồi vào trung tâm thành phố trong các khung giờ cố định, trừ xe buýt công cộng, bắt đầu từ 1/9 tới.

Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) thành phố Đà Nẵng vừa chính thức thông báo phương án thực hiện điều tiết các loại xe khách trên 30 chỗ, xe tải vào trung tâm thành phố theo các tuyến đường và khung giờ cụ thể.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT thành phố Đà Nẵng cho biết đây là một trong những phương án chống ùn tắc giao thông theo "Đề án tăng cường vận tải công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân vào trung tâm thành phố".

Theo phương án được Sở GTVT Đà Nẵng thông báo, phạm vi hạn chế lưu thông gồm các đoạn tuyến nằm trong khu vực các tuyến đường bao, gồm: Nguyễn Tất Thành -> Lý Thái Tông -> Hoàng Thị Loan -> Điện Biên Phủ -> Nguyễn Tri Phương -> Nguyễn Hữu Thọ -> Xô Viết Nghệ Tĩnh -> 2 Tháng 9 -> Bạch Đằng -> 3 Tháng 2 -> Nguyễn Tất Thành.

Xe khách trên 30 chỗ bị han chế lưu thông trên nhiều tuyến phố trung tâm TP. Đà Nẵng. Ảnh minh hoạ.

Đây là các tuyến đường bao mà xe khách trên 30 chỗ được phép lưu thông nhưng sẽ bị cấm trong thời gian từ 10h30 đến 12h00 và từ 16h30 đến 19h00 hàng ngày.

Xe tải có tải trọng hàng hoá 1,5 tấn - 2,5 tấn sẽ bị cấm lưu thông trên các tuyến đường nằm trong khu vực các tuyến đường bao trên trong thời gian từ 6h30 đến 8h30, từ 11h00 đến 12h00 và từ 16h00 đến 19h00.

Cũng với các tuyến đường bao trên, các loại xe tải có tải trọng hàng hoá trên 2,5 tấn bị cấm lưu thông trong khoảng thời gian từ 06h00 tới 22h00 hàng ngày.

Tuy nhiên, các loại xe trên được phép lưu thông vào ban đêm từ 22h00 tới 6h00 sáng hôm sau trên các tuyến đường gồm: Đống Đa, Trần Cao Vân, Quang Trung (đoạn từ Đống Đa đến Trần Cao Vân), Tôn Thất Đạm, Hà Huy Tập, Hà Khê, Duy Tân, Trần Thị Lý, Lê Thanh Nghị (đoạn từ Cách Mạng Tháng 8 đến 30 Tháng 4), 30 tháng 4 (đoạn từ Lê Thanh Nghị đến Nguyễn Hữu Thọ).

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông về phương án điều tiết giao thông này sẽ được thực hiện từ 1/8 tới hết 31/8. Bắt đầu từ 1/9, sẽ xử phạt các hành vi vi phạm.

Sở GTVT Đà Nẵng đề nghị các Hiệp hội vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải, các chủ doanh nghiệp vận tải nắm bắt và thực hiện theo đúng chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng.

Kiên Giang đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng xây dựng 3 công trình giao thông

Hai tuyến đường mới Rạch Giá - Hòn Đất và Rạch Giá - Châu Thành sẽ bắt đầu từ tuyến đường 3/2 là tuyến đường trung tâm của khu lấn biển Rạch Giá

Ngày 25/7, đại diện Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện đang trong giai đoạn thương thảo để ký hợp đồng khảo sát lập dự án thiết kế 3 công trình giao thông trọng điểm trị giá hơn 2.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Kiên Giang giai đoạn từ năm (2019- 2023).

Các công trình sẽ đầu tư gồm: Dự án tuyến đường giao thông Rạch Giá - Hòn Đất chiều dài toàn tuyến là 20,8 km; tuyến giao thông Rạch Giá - Châu Thành dài 8km và Cảng hành khách Rạch Giá. Trong đó, dự án tuyến đường Rạch Giá - Hòn Đất và tuyến đường Rạch Giá - Châu Thành do Công ty tư vấn đầu tư xây dựng Việt Nam trúng thầu khảo sát thiết kế. Còn Cảng hành khách Rạch Giá do công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng- kỹ thuật biển TP Hồ Chí Minh trúng thầu khảo sát thiết kế. Tổng kinh phí khảo sát, lập dự án ba công trình này là hơn 5,5 tỷ đồng.

Hai tuyến đường mới Rạch Giá - Hòn Đất và Rạch Giá - Châu Thành sẽ bắt đầu từ tuyến đường 3/2 là tuyến đường trung tâm của khu lấn biển Rạch Giá.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang nhận định, hai tuyến đường Rach Giá - Hòn Đất và Rạch Giá - Châu Thành có tâm điểm là tuyến đường 3.2 (khu lấn biển Rạch Giá) kéo dài ra phía Bắc chạy theo khu đô thị Tây Bắc, giáp với huyện Hòn Đất và kéo dài về phía Nam chạy dọc theo khu đô thị Phú Cường giáp với huyện Châu Thành, kết nối với QL61, 63 và 80 chạy dọc ven biển hình thành tuyến giao thông huyết mạch song song với tuyến đường hành lang ven biển phía Nam kết nối giữa 3 nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Tổng mức đầu tư hai tuyến đường này là hơn 2.300 tỷ đồng.

Mặc khác, khi tuyến đường hình thành sẽ góp phần cho việc phòng chống thiên tai lũ lụt, biến đổi khí hậu nước biển dâng cao, đảm bảo an ninh quốc phòng, vệ sinh môi trường khái thác nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch ven biển, nâng cao phát triển kinh tế văn hóa xã hội các huyện vùng ven biển, vùng sâu, vùng xa.

Còn Cảng hành khách Rạch Giá có diện tích gần 35 ha với vốn đầu tư hơn 410 tỷ đồng, sẽ giải quyết lưu lượng hành khách từ bờ ra các đảo như: Phú Quốc, Nam Du, Lại Sơn, Kiên Hải và chiều ngược lại. Bến cảng có nhiều hạng mục như: cây xanh, nhà chờ, nơi phòng vé, chỗ đỗ xe, nhà hàng, quán nước… công trình đạt tiêu chuẩn đẹp, văn minh, đảm bảo an ninh trật tự tuyệt đối cho hành khách, là bến cảng đẹp, đạt tiêu chuẩn bến cảng hành khách cao cấp, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho hàng ngàn lượt khách mỗi ngày.

Tái khởi động dự án bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng

UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành hỗ trợ hoàn tất thủ tục đầu tư để cho phép cho Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng bãi đậu xe ngầm ở sân khấu Trống Đồng (Công viên Tao Đàn, quận 1).
Theo đó, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu, đề xuất phương án để nhà đầu tư tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của dự án theo đúng quy định. Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Sở ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương có ý kiến về phương án thiết kế kiến trúc công trình theo hồ sơ của nhà đầu tư đã nộp ngày 28/5.

UBND quận 1 chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 nhanh chóng hoàn tất thủ tục lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời (cập nhật phương án di dời cây xanh, các thủ tục thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay), trình duyệt theo đúng quy định.

Tái khởi động dự án bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng

Đồng thời, UBND TP đề nghị Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương chủ động liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 để được hướng dẫn hoàn tất các thủ tục đầu tư, khởi công dự án theo đúng tiến độ đã cam kết trong năm 2020. "Trường hợp Công ty không khởi công dự án theo đúng tiến độ đã cam kết, thành phố sẽ tiến hành thủ tục thu hồi dự án theo quy định" - văn bản nêu rõ.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 3.12.2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ra Văn bản số 11617 đề nghị UBND TP dừng thực hiện 180 dự án trên địa bàn, trong đó có dự án bãi đậu xe ngầm Sân khấu Trống Đồng với lý do các dự án không thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm, chậm tiến độ vì chủ đầu tư không có năng lực thực hiện hoặc thiếu nguồn lực, vốn, kinh nghiệm triển khai. Ngay sau đó, UBND TP đã ra Công văn số 5598 chấp thuận theo đề xuất thu hồi 180 dự án trên.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, điều này hết sức vô lý vì thứ nhất, dự án đã được UBND TP ra quyết định cho thuê đất, chủ đầu tư cũng đã hoàn thành hết thủ tục, đã ký xong hợp đồng đền bù giải phóng mặt bằng với Ban Quản lý bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1. Việc UBND quận 1 không đưa dự án vào kế hoạch sử dụng đất vì bất cứ lý do gì cũng là do phía chính quyền, không phải lỗi doanh nghiệp. Thứ hai, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cũng chưa từng làm việc trực tiếp hoặc có văn bản gửi doanh nghiệp xác nhận tiến độ thực hiện dự án, còn vướng mắc gì hay không, vì sao chưa triển khai... nên không thể nói do chủ đầu tư thiếu năng lực.

Sau khi nhận được đơn kiến nghị của Công ty Đông Dương, UBND TP đã giao Sở GTVT tổ chức cuộc họp để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho dự án. Sở GTVT sau đó đã có văn bản đề nghị UBND TP xem xét "xóa án tử" cho dự án này.

Theo tiến độ dự án mà chủ đầu tư mới đưa ra, nếu UBND TP có ý kiến đồng ý cho phép dự án được tiếp tục triển khai ngay trong tháng 6, chủ đầu tư sẽ tiến hành ngay các công tác tiếp theo để khởi công dự án trong tháng 3.2020 và hoàn tất xây dựng trong 36 tháng kể từ ngày khởi công. Tiến độ này đã trễ 1 tháng so với dự tính ban đầu của Tập đoàn Đông Dương vì bất ngờ có tên trong danh sách bị đình chỉ từ tháng 12.2018.

Trà Vinh đầu tư 84 tỷ đồng xây hai công trình kè chống sạt lở

Kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên ngoài mục đích bảo vệ ổn định bờ sông Cổ Chiên, bảo vệ vườn cây ăn trái và dân cư đang sinh sống còn kết hợp chỉnh trang cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa có Quyết định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư của dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên thuộc địa phận cù lao ấp Long Trị, xã Long Đức, thảnh phố Trà Vinh và dự án kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển trên địa phận xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải.

Tổng mức đầu tư của hai dự án là 84 tỷ đồng.

Công trình kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên được thiết kế, gồm chân kè có cao trình +0,5, kết cấu chân kè tại cao trình +0,5 là dầm khóa chân bằng bêtông cốt thép, kích thước 50x40cm; thân kè từ cao trình +2,1 đến cao trình +2,8 kết cấu bằng bêtông cốt thép, kích thước 50x70cm; vỉa hè được lát gạch, phía dưới lớp gạch là bêtông lót đá 4x6; có năm cầu thang lên xuống sông, với khoảng cách trung bình 100m/cầu thang.

Công trình còn có hạng mục hệ thống giao thông nông thôn cho tải trọng trục xe thiết kế 2,5 tấn, tải trọng kiểm soát xe vượt tải 6 tấn; cống thoát nước bố trí dọc theo tuyến kè khoảng cách trung bình 25m/hố và thoát ra sông bằng ống nhựa HDPE.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 36 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ không quá 30 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 6 tỷ đồng.

Kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên ngoài mục đích bảo vệ ổn định bờ sông Cổ Chiên, bảo vệ vườn cây ăn trái và dân cư đang sinh sống còn kết hợp chỉnh trang cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái.

Đối với kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh, có chiều dài toàn tuyến kè là 500m, kể cả khóa kè, dạng kè bảo vệ bờ trực tiếp, gồm ba phần chính là đỉnh kè có tường chắn sóng bêtông cốt thép, đỉnh tường có kết cấu uốn cong của dạng tường hắt sóng, cao trình đỉnh tường +4,8m, chiều rộng đỉnh tường 0,6m; phần hành lang vỉa hè rộng 3,5m.

Mái kè phía biển biến đổi từ cao trình +3,55m đến cao trình -1,5m, mái được lát bằng kết cấu tự chèn dạng cấu kiện mảng mềm dày 33cm. Công trình còn có một số hạng mục khác như bố trí độ dốc đỉnh kè, mặt đường nội bộ đỉnh kè...

Tổng mức đầu tư của công trình này là 48 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 8 tỷ đồng. Công trình kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh nhằm khắc phục nước biển dâng gây sạt lở, xói lở bờ biển, đảm bảo an toàn cho vùng nội đồng và tuyến đê biển mới phía trong mùa gió chướng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, dự án kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên và kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh được xây dựng trong năm 2019.

Ngoài việc giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư hai công trình xây dựng kè, Ủy ban Nhân dân tỉnh còn chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm kịp thời khắc phục, sửa chữa. Nếu chậm trễ kiểm tra, để gây ra sự cố, gây sạt lở nghiêm trọng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 25/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.