Thứ bảy, 20/04/2024 16:29 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 26/6/2019

MTĐT -  Thứ tư, 26/06/2019 08:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/6/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/6/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Bộ trưởng GTVT: Tăng nặng ngay mức phạt vi phạm nồng độ cồn

Ngày 25/6, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp với các cơ quan chức năng của Bộ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt.

Sau khi nghe các đơn vị phát biểu ý kiến, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi Luật Giao thông đường bộ được sửa đổi và ban hành sẽ kiến nghị Chính phủ tách thành hai nghị định riêng cho hai lĩnh vực đường bộ và đường sắt. “Tinh thần theo chỉ đạo của Chính phủ phải nhanh chóng sửa đổi để Nghị định kịp với tình hình thực tế”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị thu thập số liệu xử phạt vi phạm hành chính thời gian qua để thuyết minh cho tăng nặng mức xử phạt, xây dựng báo cáo đánh giá tác động, trong đó cần dẫn chứng nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến rượu bia, ma tuý thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu xử phạt nặng ngay đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn - Ảnh minh hoạ

“Luật ra đời đã lâu nhưng vẫn còn nhiều hành vi vi phạm, điều này là do mức xử phạt còn nhẹ và chưa nghiêm”, Bộ trưởng khẳng định.

Về mức phạt vi phạm nồng độ cồn và ma tuý, Bộ trưởng yêu cầu cần nghiên cứu tăng nặng mức xử phạt ngay ở vi phạm ở mức 1, trong đó mức xử phạt ít nhất phải bằng 50% khung cao nhất, mức hai bằng 2/3 và mức 3 phải kịch khung để đảm bảo tính răn đe. Đối với vi phạm mức 3 cần có những hình phạt bổ sung một số hành vi nghiêm trọng có thể nghiên cứu chuyển sang xử lý hình sự.

Bộ trưởng giao Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia rà soát lại các mức xử phạt trong dự thảo Nghị định 46, trong đó tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm, lấy ý kiến nhân dân để tạo sự đồng thuận.

Quảng Nam: Đạt Phương được giao hơn 122.000 m2 đất để đầu tư Khu đô thị

Ngày 18/6/2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ra ban hành quyết định số 2002/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, giao đất cho Công ty Cổ phần Đạt Phương thực hiện dự án đầu tư Khu Đô thị Cồn Tiến tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An (đợt 1).

Cụ thể, tỉnh Quảng Nam thu hồi 40.533,2 m2 đất do UBND xã Cẩm Thanh quản lý, bao gồm 1.053,2 m2 đất bằng chưa sử dụng, 1.159,4m2 đất có mặt nước chuyên dùng, 31.858,4 m2 đất sông suối và 6.462,2 m2 đất giao thông.

Giao 122.812,8 m2 đất, bao gồm 40.533,2 m2 đất thu hồi trên và 82.279,6 m2 đất nuôi trồng thủy sản được UBND TP. Hội An thu hồi để giao cho Công ty Cổ phần Đạt Phương thực hiện dự án khu đô thị Cồn Tiến tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An (đợt 1).

Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn.

Theo đó, đất giao có thu tiền sử dụng đất 50.433,95 m2 gồm đất ở liền kề (21.350 m2) và đất biệt thự (29.083m2). Đất thuê trả tiền sử dụng đất một lần (đất thương mại – dịch vụ) 12.596.29 m2. Đất giao không thu tiền sử dụng đất 59.782,56 gồm đất nhà ở xã hội (8.499,92 m2), đất công cộng (1.702,39 m2), đất hạ tầng kỹ thuật chung (24.872,91 m2), đất cây xanh mặt nước (24.082 m2), đất chuyên dùng 624,74 m2.

Về thời hạn sử dụng đất, đối với đất giao có thu tiền sử dụng đất thời hạn là 50 năm kể từ ngày ký quyết định, người nhận chuyển nhượng đất ở phân lô được sử dụng ổn định lâu dài.

Đối với đất giao nhà ở xã hội, kể từ ngày ký quyết định giao đất đến khi kết thúc dự án, chủ đầu tư bàn giao quỹ đất gắn liền với hạ tầng cho địa phương để bố trí nhà ở xã hội cho người dân.

Đối với đất giao không thu tiền sử dụng đất kể từ ngày ký quyết định giao đất đến khi kết thúc dự án, chủ đầu tư phải bàn giao cho địa phương để quản lý.

Đối với đất thuê trả tiền thuê đất một lần, thời hạn là 50 năm kể từ ngày ký quyết định.

Vị trí ranh giới thu hồi đất, giao đất, cho thuế đất được xác định theo Trích lục bản đồ địa chính do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hội An xác lập ngày 04/3/2019.

'Gỡ khó' cho giao thông Hà Nội

Ngày 25/6, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức hội nghị tham gia góp ý các ý kiến, kiến nghị phản biện xã hội đối với dự thảo:“Tờ trình UBND thành phố Hà Nội và Nghị quyết của HĐND thành phố về “ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ ô tô và các hệ thống giao thông vận tải” (Thay thế Nghị quyết số 03/2013 – HĐND ngày 12/7/2013 và Nghị quyết số 01/2019/NQ – HĐND ngày 09/4/2019 của HĐND thành phố Hà Nội) nhằm phục vụ kỳ họp lần thứ 9 HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 – 2021”.

Từ nhiều năm nay, TP Hà Nội liên tục đưa ra các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, mục tiêu tới năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố văn minh, hiện đại, hết ùn tắc giao thông không dễ dàng. Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2013/NQ – HĐND ngày 12/7/2013 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn cũng như khuyến khích người dân tham gia dịch vụ loại hình vận tải này. Việc xây dựng Nghị quyết thay thế các Nghị quyết cũ của HĐND thành phố là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện.

“Đây là một trong nhưng giải pháp nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Để thực hiện các cơ chế, chính sách bổ sung, điều chỉnh trong Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết cũ thì ngân sách thành phố cần cân đối bố trí bổ sung khoảng 71,95 tỷ đồng”, ông Thanh nói.

Theo ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, vấn đề vận tải hành khách bằng các phương tiện lớn ở Thủ đô còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách, về cơ sở hạ tầng, phương tiện trang thiết bị và quản lý điều hành.

Do đó dự thảo cần làm rõ sự thống nhất giữa quy hoạch giao thông vận tải hành khách với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác. Trong đề án đặt ra nguyên tắc và yêu cầu kết nối của hệ thống vận tải hành khách công cộng số lượng lớn phải đảm bảo kết nối liên thông; kết nối với đô thị dân cư; kết nối với phương tiện khác của người dân...

Trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều điểm ùn tắc giao thông.

“Ý tưởng này là đúng đắn tuy nhiên thực tế bộ mặt đô thị ở Hà Nội hiện nay vô cùng phức tạp như: Hệ thống giao thông, bến bãi không đồng bộ; quy hoạch xây dựng không đồng bộ, không tuân thủ quy chuẩn và có xu hướng phát triển khó kiểm soát, kể cả các khu đô thị, chung cư; phương tiện giao thông cá nhân phát triển quá nhanh, ngoài tầm kiểm soát và ngày càng phức tạp… để đảm bảo sự kết nối như mục tiêu đề ra rất khó”, ông Thảo chia sẻ.

PGS.TS Trần Thị Kim Đăng, Giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho rằng, đây là vấn đề rất khó và rất nhạy cảm. Tuy nhiên, nếu UBND thành phố muốn làm thì hoàn toàn có thể làm được. Việc mấu chốt là cần phải cụ thể, minh bạch để tránh các sai phạm hay tham nhũng trong quản lý đất đai, liên quan đến “chuyển đổi mục đích sử dụng” của “đất chưa chuyển đổi”, đặc biệt trong việc cho phép sử dụng một tỉ lệ phần trăm đất cho mục đích kinh doanh thương mại. Vấn đề này cần phải hết sức lưu ý vì các hệ lụy trong quản lý, sử dụng đất khi triển khai thực hiện Nghị quyết là rất lớn.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội cho rằng, việc tổ chức hội nghị phản biện, trao đi đổi lại các vấn đề nhằm thực hiện sao cho thật tốt.

“Những vấn đề về áp lực trong quản lý đô thị như ùn tắc giao thông cần phải được giải quyết trước, vì nó tác động đồng bộ, tác động nhiều chiều. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ cân nhắc thêm tên Nghị quyết cho ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu nhưng vẫn phải đầy đủ”, bà Nguyễn Lan Hương khẳng định.

Quảng Nam tiếp tục đầu tư gần 100 tỷ đồng cho công trình cầu Cửa Đại

Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Quảng Nam vừa công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu 9 gói thầu liên quan đến công trình cầu Cửa Đại với tổng mức đầu tư được duyệt là 99,81 tỷ đồng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Trong đó có 4 gói thầu được chỉ định thầu và 5 gói thầu đấu thầu rộng rãi. Theo đó, trong quý III/2019 sẽ đấu thầu rộng rãi 2 gói thầu: Thi công xây dựng công trình (giá gói thầu 87,3 tỷ đồng); Giám sát thi công xây dựng (giá gói thầu 1,63 tỷ đồng). Trong quý IV/2019 sẽ đấu thầu rộng rãi 2 gói thầu: Xây dựng mốc quan trắc cầu Cửa Đại (giá gói thầu 1,07 tỷ đồng); Kiểm toán công trình (giá gói thầu 0,63 tỷ đồng).

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 26/6/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ