Thứ sáu, 19/04/2024 07:12 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 28/7/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 28/07/2019 10:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/7/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/7/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Nội: Điểm danh hàng loạt doanh nghiệp vận tải chở quá tải

Văn bản số 5962 do ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội ký cho biết, trong tháng 5 và tháng 6/2019, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 111 trường hợp phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm chở hàng vượt trọng tải.

Đáng lưu ý có nhiều doanh nghiệp vận tải bị xử lý và tước tem kiểm định phương tiện do tự ý thay đổi kích thước thùng xe, chở hàng vượt quá tải trọng cho phép như: Công ty TNHH VT và TM Đức Phát, Công ty TNHH VT TM Vinh Lan, Công ty TNHH XD & CN Mỹ Hà, Công ty TNHH VT & TM Nam Dương,…

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đã phối hợp với Sở GTVT các tỉnh Đồng Nai, Quảng Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Thái Nguyên xử lý phương tiện vận tải hàng hóa thuộc các doanh nghiệp Hà Nội vi phạm quá trọng tải.

“Để tiếp tục chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP.Hà Nội các đơn vị vận tải có xe phạm cần tăng cường công tác giám sát qua các thiết bị giám sát hành trình, cảnh báo, nhắc nhở lái xe vi phạm; Xử lý nghiêm đối với lái xe vi phạm thay đổi các thông số kỹ thuật của xe trái với quy định”, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu.

Sở GTVT cũng đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp tổ chức và quản lý, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các trường hợp tái vi phạm của các đơn vị vận tải có trụ sở đóng trên địa bàn quản lý. Thanh tra Sở GTVT được yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và xử lý đối với xe ô tô vận chuyên hàng hoá vi phạm các quy định về rật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các vi phạm của lái xe, chủ xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm các quy định về tải trọng xe, kích thước thùng xe, để rơi vãi vật liệu rời, các xe quá khổ giới hạn của cầu, đường, xếp các quy định về xếp hàng hóa.

Hàng loạt bộ, ngành có trụ sở mới vẫn không chịu bàn giao trụ sở cũ

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy liên quan đến việc di dời trụ sở Bộ ngành ra khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra hồi tháng 6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn tư lệnh ngành Xây dựng về những bất cập trong việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội. Theo phản ánh của Đại biểu Thúy, việc di dời trụ sở Bộ ngành khỏi nội đô Tp. Hà Nội còn nhiều bất cập, hầu hết xảy ra tình trạng có trụ sở mới vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, tận dụng quỹ đất sau di dời làm cơ sở 2 như các Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ…

Điều này là không đúng với chủ trương quỹ đất sau di dời giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của địa phương. Bà Thúy “hỏi thẳng” Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: “Liệu chủ trương trên có thực hiện được không? Xin nêu rõ lý do?”.

Phản hồi ý kiến trên, theo Bộ trưởng xây dựng Phạm Hồng Hà, thực hiện chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội tại Nghị quyết số 16 năm 2008 của Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời. Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội cũng được đề cập trong văn bản này.

Đến nay, đã có 9 bộ, ngành hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới bao gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong các bộ, ngành đã đầu tư xây dựng trụ sở mới, đến nay chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý. Bộ Tài chính đã có quyết định thu hồi 4 cơ sở của Bộ Nội vụ để bố trí cho các cơ quan khác quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc. Còn lại, ông Hà thừa nhận vẫn có một số cơ quan tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho Tp. Hà Nội khai thác, sử dụng, như Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ…

“Báo cáo mới nhất tại văn bản số 187 ngày 18/6 của UBND Hà Nội nêu rõ, thành phố đã bố trí quỹ đất tập trung tại khu vực Tây Hồ Tây, quận Tây Hồ (khoảng 20 ha) và Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (khoảng 55 ha). Ngoài ra, thành phố đã giải quyết, bố trí quỹ đất di dời cho 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý. 2 cơ sở đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tạo nguồn vốn di dời và đầu tư xây dựng trụ sở mới là trụ sở Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn, quận Ba Đình và Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại số 45 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm”, Bộ trưởng Xây dựng thông tin.

Kiến nghị giao quyền quản lý các tuyến đường thủy cho TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP, đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ GTVT giao cho TP quản lý các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn TP.HCM.

Theo Sở GTVT, hiện nay các tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn, sông Chợ Đệm - Bến Lức, rạch Ông Lớn do Sở GTVT quản lý và Chi cục Đường thủy nội địa phía nam cùng thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông. Việc cả hai cấp cùng quản lý trên một tuyến sông khiến việc sửa chữa duy tu gặp khó khăn, không đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý các bến thủy. Trong khi đó, TP có các lực lượng chức năng, có đầy đủ điều kiện và công cụ để thực hiện công tác quản lý hiệu quả, kịp thời và chủ động đáp ứng vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa.

Do đó, Sở GTVT đề xuất được Bộ GTVT phân cấp cho TP.HCM quản lý toàn diện các tuyến đường thủy nội địa quốc gia đã được Bộ GTVT ủy quyền quản lý (một phần) bao gồm 5 tuyến với tổng chiều dài 56,8 km; Phân cấp cho Cảng vụ đường thủy nội địa TP thuộc Sở GTVT quản lý các cảng, bến thủy nội địa.

"Việc phân cấp cho TP quản lý toàn diện các tuyến đường thủy nội địa quốc gia đã được Bộ GTVT ủy quyền quản lý sẽ phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, chỉ một đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường thủy" - Sở GTVT TP.HCM nêu quan điểm.

TP.HCM khuyến khích mở các tuyến xe buýt phục vụ đối tượng chính sách

UBND TP.HCM yêu cầu Sở Giao thông vận tải và Sở Tài chính chủ động, kịp thời, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã để sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan liên quan đến kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải về hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Chiều qua 26/7, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến kết luận của Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan tại buổi họp về giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải liên quan đến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải và Sở Tài chính chủ động, kịp thời, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã để tiếp cận thông tin, xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố.

Đối với một số kiến nghị cụ thể liên quan đến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, về bộ đơn giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thống nhất theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải. Phó chủ tịch Võ Văn Hoan giao Văn phòng UBND Thành phố khẩn trương rà soát, trình UBND Thành phố ban hành.

Về sửa đổi, bổ sung đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014 - 2017 đến năm 2020, Tập thể Thường trực UBND Thành phố đã thống nhất chủ trương theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải và giao Văn phòng UBND Thành phố khẩn trương rà soát nội dung báo cáo của Sở này trình UBND Thành phố ban hành.

Về chủ trương xây dựng trạm nạp khí CNG-LNG, lãnh đạo Thành phố đồng ý về nguyên tắc cho thuê mặt bằng tại các trạm điều hành xe buýt để xây dựng các trạm cung cấp khí CNG-LNG phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Theo đó, mặt bằng và vị trí lựa chọn đầu tư trạm nạp phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy và mỹ quan đô thị. Thường trực Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính) khẩn trương xem xét, đề xuất giải quyết kiến nghị và trình UBND Thành phố trong tháng 7 này.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 28/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.