Thứ năm, 28/03/2024 15:08 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 29/7/2019

MTĐT -  Thứ hai, 29/07/2019 09:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/7/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/7/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Nội: 168 nhà siêu mỏng, siêu méo chưa được xử lý

Theo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 10.194 công trình, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 357 trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, UBND cấp huyện, xã đã xử lý dứt điểm 276 trường hợp vi phạm, trong đó, cưỡng chế phá dỡ 48 trường hợp, 193 trường hợp tự khắc phục. Cơ quan chức năng đã ban hành 569 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 4,5 tỷ đồng.

Song song với công tác kiểm tra xử lý của các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, huyện, thị xã, Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã thực hiện 8 cuộc thanh tra, 92 cuộc kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, hạ tầng kỹ thuật; các dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách của các quận, huyện, thị xã. Qua công tác kiểm tra, phát hiện, thanh tra Sở đã ban hành 138 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng.

Vẫn còn 168 nhà siêu mỏng, siêu méo chưa bị xử lý

Đáng chú ý, trên địa bàn Thành phố còn 168 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) chưa được giải quyết dứt điểm. Trong danh sách này có 105 trường hợp phát sinh trước năm 2005, 42 trường hợp phát sinh giai đoạn 2005 - 2017 và 21 trường hợp phát sinh từ các dự án mở đường năm 2018. Quận Ba Đình đứng đầu danh sách với 58 trường hợp, tiếp theo là quận Tây Hồ 39 trường hợp, quận Cầu Giấy 34 trường hợp...

Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trách nhiệm chậm trễ trong quá trình xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn Thành phố thuộc về chủ tịch UBND quận, huyện, chủ tịch UBND xã, phường do chưa thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ do pháp luật quy định và chỉ đạo của UBND Thành phố.

Quốc lộ 91 có nguy cơ đổ xuống sông Hậu

Ngày 28/7, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đích thân cùng đoàn công tác gồm nhiều ngành chức năng của tỉnh đã trực tiếp khảo sát tình hình rạn nứt mặt đường quốc lộ (QL) 91 cặp bờ sông Hậu đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang).

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, vết rạn nứt được phát hiện lúc 7 giờ 30 ngày 27-7, cách vụ sạt lở năm 2010 khoảng 100 m. Vết nứt có chiều dài khoảng 30 m, chiều rộng ban đầu 1 cm, ăn sâu vào 1/3 mặt đường. Vết nứt có thể làm đoạn QL91 này có nguy cơ sạt lở xuống sông Hậu.

Qua khảo sát, vết nứt có dấu hiệu tiếp tục mở rộng. Đến 6 giờ sáng 28/7, chiều dài vết nứt không thay đổi nhiều nhưng chiều rộng mở rộng thêm 1,5-2 cm. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, áp sát bờ, nền đất yếu.

Khu vực xuất hiện vết nứt trên QL91 đã được rào chắn nhằm ngăn các phương tiện đi vào. Ảnh: H.DƯƠNG

Trước nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm trên QL91, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu lãnh đạo huyện Châu Phú và xã Bình Mỹ khẩn trương thiết lập vùng cảnh báo không đảm bảo an toàn, đồng thời chỉ đạo lực lượng công an, xã đội đến hỗ trợ di dời các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Hiện ngành chức năng đã xác định có hai căn nhà, hai lều quán cần được di dời và đã tổ chức di dời cùng tài sản đến nơi an toàn. Song song đó, các lực lượng địa phương phối hợp với ngành giao thông kéo dây, lắp đặt biển báo tạm và phân luồng giao thông nhằm giảm tải trọng trên đoạn đường rạn nứt; bố trí lực lượng trực, đồng thời tiếp tục theo dõi, cảnh báo cho người dân biết để không đi vào khu vục nguy hiểm này.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị Sở GTVT phối hợp với Sở TN&MT khảo sát, báo cáo ngay cơ quan chủ quản quản lý QL91 biết để có hướng xử lý kịp thời, đảm bảo giao thông được an toàn trong thời gian tới.

QL91 là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh An Giang, kết nối Long Xuyên, Châu Đốc và Campuchia.

Báo động mô tô, xe máy tự gây tai nạn trên địa bàn Thừa Thiên - Huế

Trong 104 người chết do TNGT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế, có đến 26 người chết do người điểu khiển phương tiện mô tô, xe máy tự gây nên.

Ngày 29/7, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 412 vụ TNGT, làm 104 người chết và 398 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2018, TNGT tăng 69 vụ (20,11%), tăng 25 người chết (31,64%) và tăng 84 người bị thương (26,75%).

Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 404 vụ, làm 99 người chết và 396 người bị thương (tăng 64 vụ, tăng 23 người chết, tăng 82 người bị thương).

Đáng chú ý, số liệu thống kê cho thấy, phương tiện gây tai nạn là mô tô, xe máy xảy ra 302 vụ, làm 66 người chết, 299 người bị thương (tăng 23% về số vụ, tăng 14% về số người chết và tăng 21% về số người bị thương); trong đó, mô tô, xe máy tự gây tai nạn xảy ra 25, làm 26 người chết (24 nam, 2 nữ) và 5 người bị thương.

Phương tiện gây tai nạn là xe ô tô xảy ra 84 vụ, làm 29 người chết và 82 người bị thương (tăng 5% về số vụ, tăng 142% số người chết, tăng 46% số người bị thương); trong đó, xe tải, xe ben gây tai nạn 39 vụ, làm 22 người chết và 18 người bị thương.

Vụ TNGT do xe máy tự đâm vào dải phân cách khiến 2 người trên xe bị thương rất nặng trên QL1 đoạn qua cánh đồng Thanh Lam

Nguyên nhân chủ yếu do vi phạm tốc độ 62 vụ, đi không đúng phần đường 83 vụ, không giữ khoảng cách an toàn 69 vụ, chuyển hướng không an toàn 51 vụ, không làm chủ tay lái 37 vụ, quay đầu xe trái quy định 42 vụ, không nhường quyền ưu tiên 22 vụ, vượt sai quy định 10 vụ, vi phạm tín hiệu đèn 10 vụ…

TNGT xảy ra trên QL1, QL49A và đường liên thôn, liên xã tăng cao cả 3 tiêu chí, đặc biệt là QL1; Đường HCM tăng cao về số vụ và số người chết, giảm mạnh số người bị thương. Trong khi đó, TNGT xảy ra trên các tuyến đường tỉnh giảm cả 3 tiêu chí; đường nội thành, nội thị tăng về số vụ và số người bị thương, giảm số người chết.

Cụ thể, QL1 xảy ra 146 vụ, làm 44 người chết, 139 người bị thương; QL49A xảy ra 18 vụ, làm 3 người chết, 18 người bị thương; đường HCM xảy ra 5 vụ, làm 6 người chết, 1 người bị thương. Các tuyến đường tỉnh xảy ra 25 vụ, làm 11 người chết, 28 người bị thương; đường nội thành, nội thị xảy ra 180 vụ, làm 17 người chết, 189 người bị thương; đường liên thôn, liên xã xảy ra 16 vụ, làm 12 người chết, 9 người bị thương.

TNGT đường sắt xảy ra 8 vụ, làm 5 người chết và 2 người bị thương. So với 6 tháng đầu năm 2018, TNGT đường sắt tăng 5 vụ, tăng 2 người chết và tăng 2 người bị thương; TNGT đường thủy không xảy ra.

Cùng thời gian trên, lực lượng công an đã phát hiện 39.877 trường hợp vi phạm, trong đó có 14.384 ô tô, 25.455 mô tô; ra quyết định xử phạt 31.314 trường hợp vi phạm. Tước GPLX 3.760 trường hợp, trong đó có 3.152 mô tô; tạm giữ 3.759 trường hợp ô tô, mô tô vi phạm. Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 779 trường hợp với 817 lỗi vi phạm, trong đó có 111 xe khách, tước quyền sử dụng GPLX 63 trường hợp.

TNGT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế 6 tháng đầu năm 2019 tăng trên 20% cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2018 là một thực trạng đáng báo động về tình hình trật tự ATGT và TNGT trên địa bàn tỉnh.

Những vướng mắc trong giải tỏa chung cư cũ

Trong đó, có khoảng 160 chung cư, nhà tập thể đã xuống cấp nặng và nhiều chung cư

được xếp hạng nguy hiểm. Nhưng đến nay, số lượng chung cư thuộc diện giải tỏa, xây mới được triển khai vẫn quá ít.

Ngay cả những chung cư đã được xếp hạng nguy hiểm sau kiểm định chất lượng cũng chưa hoàn thành việc di dời các hộ dân. Theo danh sách kiểm định chất lượng các chung cư cũ do Sở Xây dựng thành phố thực hiện, có 12 chung cư nằm ở cấp độ nguy hiểm, xếp hạng D; 26 chung cư xếp cấp độ nguy hiểm, xếp hạng C và 29 chung cư nằm trong cấp độ nguy hiểm thuộc hạng B.

Trong số này, địa bàn quận Tân Bình có 8 chung cư cũ được kiểm định thì đã có đến 6 chung cư nằm trong cấp độ nguy hiểm thuộc hạng D. Đến nay, tại một số chung cư đã được triển khai phương án xây mới, việc thương lượng với người dân về chính sách đền bù, tái định cư cũng đang gặp vướng mắc khiến việc triển khai dự án chưa thể thực hiện.

Việc cải tạo chung cư cũ đặt ra cấp bách ở nhiều đô thị lớn.

Tại chung cư 155-157 Bùi Viện, để đảm bảo an toàn cho cư dân, từ cách đây 3 năm UBND quận 1 đã cho kiểm định chất lượng toàn bộ tòa nhà. Kết quả kiểm định khi đó xác định chung cư cao 7 tầng đã phải xếp hạng nguy hiểm ở hạng D do hai khối nhà bị tách nhau; hành lang các tầng đã được trám bằng xi măng để 80 hộ dân sử dụng tạm… nhưng sau thời gian tiếp xúc, vận động, đến giữa tháng 6 vừa qua, UBND phường Phạm Ngũ Lão cùng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 vẫn phải tổ chức tiếp xúc với 35 hộ dân còn ở lại chung cư để làm rõ về việc thực hiện phương án di dời và bố trí tạm cư cho các hộ dân.

Tại buổi tiếp xúc này, dù đại diện chính quyền thông báo dự án đã có DN nộp hồ sơ xin được đầu tư; UBND quận 1 đã trình thành phố xem xét, quyết định, song nhiều người dân vẫn bức xúc do kiến nghị của họ chưa được trả lời thỏa đáng. Yêu cầu được gặp Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách đô thị của quận 1 để nghe đại diện chính quyền địa phương cam kết cũng không được đáp ứng.

Cư dân cho rằng, sau 3 năm kiểm định và xếp hạng D, tòa nhà không biến đổi gì lớn, cần đánh giá lại chất lượng. Nhiều hộ cũng đề nghị địa phương phải nêu rõ phương án tái định cư tại chỗ như vị trí, diện tích cũng như mức hỗ trợ tạm cư hằng tháng, thời gian sẽ được quay về tái định cư tại đây…

Trước đó, tại chung cư ở số 350 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình với 157 hộ dân sinh sống nhưng việc di dời các hộ dân ra khỏi chung cư này đã phải kéo dài đến 6-7 năm. Cụ thể, từ năm 2011, UBND thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đất tại đây để xây chung cư mới. Nhưng phải chờ đến năm 2013, UBND quận Tân Bình mới có thể ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân.

Việc bồi thường, di dời các hộ dân kéo dài thêm 2 năm tiếp theo, cũng còn đến 27 hộ dân bất chấp nguy hiểm, bám trụ lại chung cư do quyền lợi không được giải quyết thỏa đáng. Theo UBND quận Tân Bình, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm di dời các hộ dân tại chung cư này lại hết sức đơn giản: Trong 2 năm liền chủ đầu tư không có tiền để chi trả cho cư dân để họ dời đi nơi khác.

Liên quan đến việc chậm triển khai di dời người dân khỏi các chung cư nguy hiểm, cách giải quyết của Sở Xây dựng thành phố thời gian qua cũng thể hiện sự cứng nhắc, khiến nhiều người dân vẫn phải ngày đêm “đánh cược” bằng tính mạng trong các chung cư chờ sập. Việc di dời 38 hộ dân tại lô E, chung cư 518 Võ Văn Kiệt bị lún nghiêng khiến các hộ dân trở tay không kịp.

Nhiều hộ dân bức xúc cho rằng việc kiểm định đã được tiến hành từ tháng 8-2018, nhưng sau đó kết quả bị “ngâm” rất lâu mới thông báo đến người dân; buộc người dân phải di dời trong vòng 24 giờ… Do đó, gỡ vướng để nhanh chóng đưa những cư dân trong các chung cư hỏng nặng thoát cảnh sống chung với “tử thần” vẫn là vấn đề cấp bách đối với TP HCM hiện nay.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 29/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.