Thứ năm, 25/04/2024 23:45 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 30/6/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 30/06/2019 10:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/6/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/6/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Cần hơn 900.000 tỷ đầu tư giao thông, các tỉnh phía Nam mới có 1%

Ngày 29/6, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức hội thảo về hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ, nhằm đưa ra các giải pháp phát triển giao thông cho khu vực này.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải chỉ ra hàng loạt điểm nghẽn của giao thông khu vực phía Nam, từ đường bộ, đường thủy, đường sắt cho đến hàng không.

Dù giao thông có nhiều nút thắt nhưng việc đầu tư các tuyến kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ vẫn còn hạn chế, nguồn vốn còn ít so với nhu cầu. Điều này khiến cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dù được đánh giá có nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Theo tính toán của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam, tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án trọng điểm kết nối khu vực phía Nam lên đến 907.439 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có 5 dự án đường bộ được bố trí khoản vốn khiêm tốn là 9.585 tỷ, số còn lại vẫn phải đang kêu gọi đầu tư.

Theo ông Lê Đỗ Mười, cơ quan quản lý cần phân chia các dự án ra thành từng nhóm để bố trí nguồn vốn phù hợp. “Các dự án thiết yếu thì phải sử dụng ngân sách để đảm bảo tiến độ, còn những tuyến cao tốc thì kêu gọi đầu tư xã hội hóa”, ông Mười đề xuất.

Trong khi đó, tiến sĩ Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý Công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng để kêu gọi được nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì Nhà nước phải có biện pháp kiểm soát rủi ro.

Đường từ miền Tây lên TP.HCM thường xuyên kẹt xe. Ảnh: Lê Quân.

Vị này cho biết ngoài việc xem xét đến khả năng thu hồi vốn của dự án thì các nhà đầu tư cũng lo ngại về những rủi ro thường gặp ở Việt Nam. Như thời gian qua, môi trường kinh doanh ở Việt Nam bị tiếng xấu khi tài xế phản ứng, dừng xe gây kẹt đường, nhưng địa phương chưa giải quyết dứt điểm. Mặt khác, khi phát sinh tranh chấp thì chính quyền sẽ áp dụng pháp luật liệu có công bằng, minh bạch hay không cũng là câu hỏi sớm được giải đáp.
Tham gia hội thảo, GS Kim Inhee (Học viện Seoul, Hàn Quốc) dẫn chứng trước đây TP Seoul cũng bị kẹt xe nghiêm trọng, bắt buộc chính quyền phải đầu tư hàng loạt tuyến metro, đường cao tốc để kết nối ngoại vi và các thành phố khác. Khi đó, chính quyền đã áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư để huy động vốn, đáp lại nhà đầu tư được hưởng một số ưu đãi.

Hiện nay, TP Seoul cho phép nhà đầu tư khai thác một số tuyến metro trong vòng 50 năm, sau đó sẽ bàn giao lại cho chính quyền. Vị giáo sư này cho rằng để thu hút được nhà đầu tư thì chính quyền cần phải minh bạch trong quá trình thực hiện dự án.

Hà Nội: Xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội về tăng cường kiểm tra, xử lý và xiết chặt công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn, lực lượng chức năng Sở GTVT Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm tại các tuyến đường trọng điểm của Thành phố như: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Vành đai 3... và các khu vực các bến xe trên địa bàn.

Cụ thể, với các đơn vị vận tải hoạt động theo tuyến cố định có điểm đầu điểm cuối tại Hà Nội đã nhắc nhở, xử lý nhiều trường hợp với lỗi vi phạm chủ yếu là không đóng cửa xe lên xuống khi xe đang chạy; điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu vé nhưng không trao vé cho hành khách.

Lực lượng chức năng xử lý vi phạm. Ảnh: Đ.L

Để tiếp tục chấn chỉnh xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị vận tải, chủ phương tiện có xe vi phạm về các hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô; tăng cường công tác giám sát qua thiết bị hành trình; nhắc nhở, xử lý nghiêm lái xe dừng đỗ, đón trả khách sai quy định...

Đối với các đơn vị khai thác bến xe, cụ thể là Công ty cổ phần bến xe Hà Nội và Trung tâm khai thác bến xe Hà Nội từ chối phục vụ một tháng đối với các đơn vị vận tải có xe vi phạm đã nêu rõ; tiếp tục tuyên truyền, đôn đốc lái xe chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, các quy định vận tải...

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị các sở GTVT các tỉnh (Thành phố) liên quan phối hợp cung cấp các trường hợp xử lý vi phạm để tổ chức và quản lý; tiếp tục nhắc nhở các đơn vị vận tải hoạt động trên các tuyến Hà Nội nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải.

Công an TP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở GTVT trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết công tác phối hợp với cơ quan báo chí trong bảo đảm an toàn trật tự giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, công tác chốt trực phân luồng giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2019 do Thanh tra Sở Giao thông Hà Nội tổ chức cho thấy, thời gian qua toàn lực lượng Thanh tra đã tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với 9.891 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố; tạm giữ 140 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 962 trường hợp, tước có thời hạn phù hiệu và tem kiểm định an toàn kiểm tra và bảo vệ môi trường của 144 phương tiện.

Đáng chú ý, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội phối hợp liên ngành kiểm tra lái xe sử dụng rượu, bia và ma túy tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Sơn Tây, Gia Lâm, Yên Nghĩa. Quá trình kiểm tra 856 phương tiện (xe khách, xe tải) đã phát hiện 3 phương tiện vi phạm kích thước thành thùng xe, 4 trường hợp quá tải trọng phương tiện, tổng số tiền phạt gần 300 triệu đồng.

Ngoài ra, kiểm tra về nồng độ cồn đối với 544 lái xe chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm; kiểm tra về sử dụng chất ma túy đối với 626 lái xe, phát hiện 10 trường hợp dương tính với chất ma túy. Đoàn kiểm tra đã chuyển giao hồ sơ cho cơ quan Công an xử lý và yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động đối với lái xe vi phạm.

Đối với vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa đã giải tỏa 825 trường hợp vi phạm dựng lều lán, mái che; tháo dỡ 217 ô dù, phông bạt, 2.759 biển quảng cáo, băng zôn treo đặt trái quy định; 782 trường hợp kinh doanh bày bán hàng sai quy định…

Được biết, thời gian tới Thanh tra Sở GTVT Hà Nội sẽ đồng bộ triển khai các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô; điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, điều kiện sức khỏe của lái xe tham gia kinh doanh vận tải bằng ô tô trước khi tham gia giao thông tại bến xe, đầu mối bốc xếp hành hóa; duy trì trạm kiểm tra lưu động kiểm soát chặt chẽ các phương tiện xe tải hoạt động trên các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô…

Hôm nay 30/6, phà Vàm Cống tạm dừng hoạt động

Kể từ 9g hôm nay (30/6), bến phà Vàm Cống nối liền huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang sẽ tạm dừng hoạt động, kết thúc “sứ mệnh” đưa rước khách, vận chuyển hàng hóa qua đôi bờ dòng sông Hậu.

Trao đổi với Báo Thời Đại, ông Nguyễn Phúc Nguyên, Bến trưởng Bến phà Vàm Cống (Cụm phà Vàm Cống) cho biết, Ban quản lý bến phà đã nhận được Quyết định 1956/QĐ-TCĐBVN ngày 25/6/2019 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc tạm dừng hoạt động của Bến phà Vàm Cống. Theo đó, kể từ 9g ngày 30/6/2019, Bến phà Vàm Cống thuộc Cụm phà Vàm Cống sẽ chính thức dừng hoạt động.

Kể từ 9g, ngày 30/6/2019, Bến phà Vàm Cống thuộc Cụm phà Vàm Cống sẽ tạm dừng hoạt động.

Ông Nguyên cũng cho biết Cục Quản lý đường bộ IV đã có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và người dân được biết về việc tạm dừng hoạt động bến phà; đồng thời, tổ chức phân luồng từ xa và tại bến phà để người tham gia giao thông biết và thực hiện.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu Cục Quản lý đường bộ IV làm việc với Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trên cầu Vàm Cống và các tuyến kết nối; tổ chức thực hiện các công việc có liên quan khác theo quy định.

Theo ông Nguyên, hiện số lao động thuộc bến phà Vàm Cống sẽ được Cụm phà Vàm Cống sắp xếp, bố trí về làm việc tại các bến khác thuộc cụm phà Vàm Cống như: Đình Khao, Đại Ngãi, Kênh Tắt hay Láng Sắt. “Những người không tiếp tục làm việc, cụm phà giải quyết thôi việc và chi trả chế độ theo quy định”, ông Nguyên cho biết thêm.

Được biết, kể từ khi cầu Vàm Cống thông xe, lượng khách qua phà Vàm Cống giảm mạnh. Bình quân 5.100 lượt xe/ngày, trong đó có 40 ôtô/ngày (giảm khoảng 90%), còn lại là xe máy (giảm khoảng 60%), doanh thu khoảng 31 triệu đồng/ngày.

An Giang: Chọn được nhà đầu tư nhà máy xử lý chất thải 79 tỷ đồng

Theo thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn cụm Phú Tân có tổng mức đầu tư hơn 79 tỷ đồng vừa được Sở Xây dựng An Giang công bố, Liên danh Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam và Công ty CP Dịch vụ Môi trường Thăng Long (ENSERCO) là nhà đầu tư trúng thầu.

Đây là dự án đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BLT. Dự án có địa điểm đầu tư tại xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, công suất 120 tấn/ngày đêm. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng.

Nguồn vốn đầu tư dự án được lấy từ vốn của nhà đầu tư. Vốn đầu tư được thu hồi thông qua dịch vụ xử lý rác; nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của Tỉnh để thực hiện chi trả dịch vụ xử lý rác cho nhà đầu tư, phần còn thiếu bổ sung từ ngân sách. Toàn bộ thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến là 20 năm.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 30/6/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.