Thứ sáu, 26/04/2024 00:01 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 30/7/2019

MTĐT -  Thứ ba, 30/07/2019 09:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/7/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/7/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Bộ trưởng ra “tối hậu thư” về tiến độ dự án thu phí tự động không dừng

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu phí tự động không dừng. Qua đánh giá tình hình thực hiện dự án thu phí tự động không dừng cho thấy còn nhiều vướng mắc, vì vậy Bộ trưởng yêu cầu cần thực hiện quyết liệt để đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay trên toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc (82 trạm trên các tuyến quốc lộ và 11 hệ thống thu phí kín trên các cao tốc), trong đó: Bộ GTVT quản lý 74 trạm (65 trạm trên các tuyến quốc lộ và 9 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc). UBND các tỉnh quản lý 19 trạm (17 trạm trên các tuyến quốc lộ và 02 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc).

Tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, chậm nhất đến ngày 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ trạm dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho các nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng. Đối với các trạm còn lại trên toàn quốc, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho các nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được chia làm hai dự án tiến độ cụ thể: Dự án giai đoạn 1 với tổng số trạm thuộc phạm vi là 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Đối với các trạm trên quốc lộ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã lắp đặt và vận hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (chỉ còn trạm tránh TP. Thanh Hóa đang dừng thu do thay đổi vị trí trạm). Đối với 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án thì đã vận hành thương mại được 4 trạm (Mỹ Lộc, Tân Đệ, An Sương - An Lạc và QL10 qua Quán Toan - Cầu Nghìn).

Phát biểu chỉ đạo công tác kiểm điểm tình hình thực hiện thu phí không dừng mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, tình hình thực hiện dự án thu phí tự động không dừng còn nhiều vướng mắc, nhất là đối với giai đoạn 1. Nếu không thực hiện quyết liệt sẽ khó đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Đơn vị nào gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện cần liên lạc trực tiếp với lãnh đạo Bộ GTVT, không chờ báo cáo bằng văn bản sẽ mất nhiều thời gian”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với việc ký hợp đồng, Bộ trưởng yêu cầu mời các nhà đầu tư BOT về Bộ GTVT để ký kết, cần thiết có thể mời Văn phòng Chính phủ và cơ quan pháp luật cùng dự. Đây là chủ trương của Quốc hội, Chính phủ nên không thể chần chừ, phải ra ngay “tối hậu thư”, nếu nhà đầu tư nào chậm ký phụ lục hợp đồng sẽ dừng thu phí.

Dự án giai đoạn 2 với tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (các trạm này đã triển khai tự động không dừng theo công nghệ cũ trước đây là “OBU”, hiện nay đang điều chỉnh công nghệ cho phù hợp) và 23 trạm trên tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.

Dự án giai đoạn 2 đã hoàn thành công tác đấu thầu, có 4 nhà đầu tư đã qua sơ tuyển và kết quả lựa chọn được Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Công ty Cổ phần Viettinf và một số doanh nghiệp công nghệ khác là nhà đầu tư thực hiện dự án từ tháng 5/2019. Hiện nay, nhà đầu tư đang triển khai thiết kế kỹ thuật và chuẩn bị tổ chức lắp đặt ngoài hiện trường. Dự án sẽ lắp đặt và vận hành các trạm trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ

Đà Nẵng sẽ xây dựng các khu đô thị tái định cư

Tại hội nghị chuyên đề về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ngày 29-7, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói rằng, trong một thời kỳ Đà Nẵng thực hiện tốt việc phát triển hạ tầng dựa vào khai thác nguồn lực đất đai, lấy đất nuôi đất. Tức là phát triển hoàn toàn dựa vào đất. Tuy nhiên, bây giờ phải xem xét lại, phương thức phát triển đó đã để lại nhiều hệ lụy.

Theo KTS Bùi Huy Trí , Sở Xây dựng Đà Nẵng, trước đây các khu TĐC được thực hiện giải tỏa khi mới phê duyệt mặt bằng, nhiều trường hợp chưa có dự án vẫn tiến hành giải tỏa, bố trí và nhận đất trên sơ đồ, áp dụng các hình thức nhà tạm, chung cư thu nhập thấp, hỗ trợ tiền thuê nhà, đồng thời bố trí TĐC nhưng cho nợ tiền đất, giảm tiền đất. Với cách làm đó, tiến độ giải tỏa, TĐC rất nhanh chóng, được đại bộ phận người dân đồng thuận, được các địa phương khác tới học tập. Tuy nhiên, cách làm đó để lại nhiều hậu quả. Cụ thể là quy trình thủ tục không đảm bảo, sử dụng nhiều quỹ đất cho chức năng ở và tạo ra một hình ảnh đô thị TĐC thay vì mô hình đô thị tiên tiến cấu trúc hài hòa. Các khu TĐC này cũng thiếu hụt khá nhiều chỉ tiêu đô thị, đặc biệt là cây xanh, công trình công cộng, phúc lợi, đất dự trữ. Ngoài ra các hạ tầng thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, thiết chế văn hóa thường được đầu tư không đồng bộ với việc bố trí dân vào ở.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu kết luận Hội nghị.

Nhiều ý kiến cho rằng trước đây việc GPMB thuận lợi, các dự án triển khai rất nhanh nhưng hiện nay rất khó khăn. Ông Trí cho rằng, trước đây nhanh vì các đồ án được nghiên cứu rất nhanh, có thể chưa đầy 10 ngày, thậm chí có đồ án chỉ trong 3 ngày đã trình phê duyệt. Hiện nay thì không thể làm thế được do quy định yêu cầu chặt chẽ hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết, khó khăn rất lớn trong công tác GPMB là giá đất tăng đột biến. Đơn cử ở Sơn Trà, đất vườn giờ đền theo giá đất nông nghiệp, trong khi đây đã là vùng lõi đô thị, đền bù như vậy chắc chắn dân không chịu. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư của BQL các dự án thiếu đồng bộ, khởi công dự án mà không có khu TĐC, vậy dân ở đâu? Đây là quy trình rất ngược, do đó rất khó để GPMB. Trước thực trạng đó, ông Dũng cho rằng, ngay từ bước chủ trương đầu tư phải tiến hành song song với công tác GPMB, như vậy khi triển khai dự án mới có đất TĐC cho dân. Ngoài ra, ông Dũng cũng cho rằng cần có sự thống nhất giữa BQL làm dự án với đơn vị làm TĐC, đơn vị giải tỏa, thay vì phân tán như hiện nay. Điều này dẫn tới chuyện phương án TĐC không phù hợp với phương án quy hoạch. Đơn vị quy hoạch thì cứ vẽ quy hoạch theo phương án nhưng lại không căn cứ vào nhu cầu TĐC, dẫn tới việc đất TĐC đường 5,5m thì thiếu mà đường 7,5m thì dư.

Theo ông Lương Thạch Vỹ, Giám đốc BQL các dự án hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, công tác GPMB hiện nay tốn nhiều thời gian chủ yếu do giá đền bù chưa phù hợp, thiếu đất TĐC cho người dân. Do đó, TP cần chủ động quỹ đất TĐC. Ông Vỹ nói, các khu TĐC hiện nay rất manh mún theo kiểu xôi đỗ, cứ có dự án lại cắt một khoanh đất làm TĐC, dẫn tới việc khớp nối hạ tầng từ đường sá, thoát nước thải, cấp nước... rất khó khăn. Chưa kể, nhiều gia đình được cấp 5 lô đất trong khi họ chỉ có nhu cầu ở 1 lô, các lô còn lại họ nhận để bù chênh lệch giá trị đền bù. Vì lý do này, tại nhiều khu TĐC tỷ lệ xây nhà ít, các lô đất trống đã có chủ để hoang, hạ tầng xuống cấp, vừa lãng phí quỹ đất, vừa lãng phí hạ tầng. Từ thực tế này, ông Vỹ đề xuất, TP nên quy hoạch các khu đô thị TĐC rất lớn, đồng bộ, đảm bảo các tiêu chí cây xanh, đất dự phòng... và bố trí TĐC cho nhiều dự án. Có thể lập hẳn một phường mới. Với cách làm này, dân cư sẽ tập trung đông, giá trị đất tại khu đô thị này sẽ tăng lên, việc vận động người dân giao mặt bằng tới đây sinh sống sẽ dễ dàng hơn. Còn về phương án đền bù, theo ông Vỹ không nhất thiết đền bù hết bằng đất TĐC, chỉ cần 1 lô đáp ứng nhu cầu ở, còn lại quy hết ra giá trị tiền để đền bù cho dân. Và cuối cùng, vấn đề việc làm cho người dân sau giải tỏa cần phải có phương án chi tiết với từng dự án.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đồng ý với quan điểm không nhất thiết bồi thường GPMB bằng đất TĐC mà nghiên cứu đền bù bằng tiền để người dân lựa chọn. Việc GPMB đã phân cấp, phân quyền cho các quận huyện vì thế Hội đồng GPMB sẽ toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về tiến độ GPMB, đền bù, bố trí TĐC cho người dân. Do vậy phải tiếp dân, lắng nghe ý kiến từ người dân và cộng đồng, tổ chức. UBND TP cần công khai minh bạch tất cả các lô đất TĐC, cả các lô đất thương mại. Hiện TP còn khoảng 15 ngàn lô đất TĐC còn dư, cần nghiên cứu ghép lô để thành các lô đất lớn phục vụ mục đích cộng đồng. Trước đây lúc đầu quy hoạch bao giờ cũng có sân bóng, nhưng sau một hồi trước áp lực TĐC tại chỗ lại cắt xẻ ra. Bây giờ quỹ đất TĐC còn dư coi như của để dành, phải sử dụng hiệu quả phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cộng đồng.

Hà Nội yêu cầu tháo dỡ tấm biển tên đường Ngô Minh Dương

Ngày 29/7, Sở VH&TT Hà Nội đã có công văn gửi quận Bắc Từ Liêm yêu cầu báo cáo về tên đường tự phát Ngô Minh Dương nối từ đường Phạm Văn Đồng ra đường Võ Chí Công (thuộc quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Được biết, Ngô Minh Dương là tên gọi không rõ lai lịch, không có tên trong ngân hàng đặt tên đường phố Hà Nội.

Đoạn đường trong dự án Ngoại giao đoàn và dự án khu đô thị Tây Hồ Tây từng được dựng biển tên Ngô Minh Dương.

Trước đó, trong nhóm cư dân Ngoại giao đoàn Hà Nội - nơi có tuyến đường mới này - xuất hiện bài viết “Chuyện thật như bịa về tên một con đường giữa Thủ đô” của tài khoản Facebook có tên Do Mino. Theo người này: “Ngô Minh Dương - là tên con đường 60m với 10 làn xe thênh thang chạy ngang qua khu đô thị Ngoại giao đoàn - Star Lake, kết nối đường vành đai 3 Phạm Văn Đồng với đường vành đai 2 Võ Chí Công”.

Đoạn đường này đã dược dự án khu đô thị Tây Hồ Tây thi công và đưa vào sử dụng năm 2018. Tấm biển mang tên đường được dựng theo đúng mẫu biển các tên đường phố của Hà Nội. Nhiều người dân nơi đây bắt đầu quen với tên gọi của con đường như một sự xuất hiện chính thống. Bởi vì, trên google maps - phương tiện tìm kiếm tên đường trên mạng cũng đã định vị tên đường Ngô Minh Dương.

Theo báo cáo của UBND phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm), từ tháng 4/2019 đã thấy xuất hiện tên đường trên. Ngoài ra, theo công văn do Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo Đỗ Thị Hương Trà báo cáo: Cho đến thời điểm này, TP Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền chưa quyết định, thông báo về việc đặt tên đường cho khu Ngoại giao đoàn, Tây Hồ Tây thuộc địa bàn phường Xuân Tảo. Chính vì vậy, UBND phường Xuân Tảo đã đề nghị đơn vị dự án tháo dỡ các tấm biển tên đường trên.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đến ngày 29/7, khu vực dự án Ngoại giao đoàn và dự án khu đô thị Tây Hồ Tây không còn tấm biển tên đường nào mang tên Ngô Minh Dương.

Cho đến lúc này, các cơ quan có liên quan cũng chưa có báo cáo xác định được tấm biển tên đường Ngô Minh Dương trên do ai dựng nên. Ngô Minh Dương là ai, cũng không ai biết. Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định: Ngô Minh Dương là nhân vật không rõ lai lịch, không có tên trong ngân hàng tên đường, phố Hà Nội và chưa có trong các Quyết định đặt tên đường phố của TP Hà Nội.

Sở VH&TT Hà Nội đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm và quận Tây Hồ chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các phường sở tại nơi có tuyến đường nêu trên khẩn trương kiểm tra, rà soát, tháo dỡ biển tên đường Ngô Minh Dương, báo cáo kết quả qua Sở VH&TT Hà Nội trước ngày 30/7 để tổng hợp báo cáo UBND TP.

Kiên Giang gọi vốn đầu tư 118 dự án

UBND tỉnh Kiên Giang vừa công bố danh mục 118 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn Tỉnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra ngày 29/7, tại TP. Rạch Giá, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Danh mục 118 dự án này gồm có: 23 dự án giao thông vận tải, 19 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 17 dự án sản xuất công nghiệp; 16 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; 14 dự án du lịch; 8 dự án môi trường; 11 dự án nhà ở và phát triển đô thị; 5 dự án thương mại; 3 dự án nước nông thôn; 2 dự án văn hóa thể thao, giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Linh Quang

Trong đó, một số dự án vốn nằm trong Danh mục 81 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 được UBND Tỉnh phê duyệt vào tháng 9/2018, đến nay tiếp tục được Tỉnh kêu gọi đầu tư. Chẳng hạn như Dự án Khu du lịch sinh thái U Minh Thượng 200 ha ở huyện U Minh Thượng có tổng vốn đầu tư là 2.600 tỷ đồng; Dự án Khu di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng Hòn Đất - Hòn Me - Hòn Quéo 640 ha ở huyện Hòn Đất có tổng vốn đầu tư 960 tỷ đồng...

Trong thời gian qua, Kiên Giang đã thu hút 680 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 503.763 tỷ đồng. Trong đó, có 341 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 60.641 tỷ đồng; 68 dự án đang triển khai xây dựng có tổng vốn đầu tư 115.410 tỷ đồng và 271 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư có tổng vốn 327.713 tỷ đồng.

Riêng đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, lũy kế đến tháng 7/2019, Kiên Giang đứng thứ 18 trên 63 tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 50 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,724 tỷ USD.

Trước thềm Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, có 20 nhà đầu tư cam kết đầu tư vào các dự án trên địa bàn Tỉnh với tổng vốn đăng ký là hơn 30.000 tỷ đồng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 30/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.