Thứ sáu, 29/03/2024 03:21 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 3/8/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 03/08/2019 09:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/8/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/8/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

CSGT tuần lưu cắt cây, căng mình phân luồng giao thông dưới mưa bão

Sáng 3/8, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một số tuyến đường trên địa bàn Hà Nội, trận mưa lúc rạng sáng cùng ngày khiến cho một số tuyến đường xuất hiện tình trạng ngập úng, cây đổ, ảnh hưởng cho người và phương tiện lưu thông trên đường.

Đại úy Trần Ngọc Trung, Phó Đội trưởng phụ trách Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, lực lượng CSGT đã chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí đã được dự đoán trước như ngập úng, cây đổ tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào trung tâm Thủ đô Hà Nội và phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, công an các quận, huyện, phường, xã chống ngập, kịp thời xử lý các xử cố trên đường để đảm bảo giao thông đi lại thông suốt an toàn.

Đại úy Trần Ngọc Trung thông tin cụ thể, đơn vị quản lý một số tuyến đường, trong đó có tuyến đường Phạm Văn Đồng có dự án thi công. Theo đó, Đội CSGT số 6 có kế hoạch phối hợp với các đơn vị thi công có các thiết bị cảnh báo ngập úng để cảnh báo cho người điều khiển phương tiện lưu thông qua tuyến này biết phòng tránh đi vào vị trí ngập úng.

Chiến sĩ Đội CSGT số 10 hướng dẫn phương tiện trên tuyến QL21B qua địa bàn huyện Thanh Oai

“Riêng tuyến Hoàng Quốc Việt có tình trạng cây đổ, đơn vị đã phối hợp với Công ty cây xanh Hà Nội, khi có sự cố cây đổ xảy ra sẽ bố trí lực lượng cắt, rong cành nhanh nhất đảm bảo cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này”, Đại uý Trần Ngọc Trung nói.

Còn Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho hay, đơn vị đã bố trí các tổ tuần tra lưu động trên các tuyến như: Trần Phú - Chu Văn An - Điện Biên - Hoàng Diệu - Nguyễn Thái Học - Đào Tấn - Liễu Giai - Hoàng Hoa Thám…để kịp thời phát hiện những sự cố, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý đảm bảo ATGT.

Trung tá Hà Văn Tuân thông tin, trong sáng cùng ngày tại Ngã ba Hoàng Diệu có 3 cây to bị đổ. Theo đó, Đội CSGT số 2 phối hợp với Công ty cây xanh Hà Nội đưa phương tiện thiết bị đến cắt tỉ, rong cành vận chuyển đi, đảm bảo ATGT trên tuyến đường.

Trung tá Bùi Xuân Phương, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 10 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, là đơn vị phụ trách tuyến QL21B, tỉnh hộ 424 qua huyện Mỹ Đức và trục đường phát triển phía Nam, ngay từ sáng sớm cùng ngày, Đội CSGT bố trí sẵn cưa máy, khi gặp sự cố cây đổ sẽ xuống rong cành, cắt tỉa khắc phục thu dọn cành cây vào lề đường đảm bảo giao thông trên tuyến quốc lộ. Sau đó, sẽ phối hợp đơn vị chức năng đến thu dọn…

Riêng khu vực QL21B qua thị trấn Xốm, huyện Thanh Oai có đường sắt chạy qua thường xuyên xảy ra ngập ứng, đơn vị đã bố trí một tổ tuần tra cắm chốt, hướng dẫn phân luồng đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua đây an toàn.

TP.HCM không tìm được thiết kế quy hoạch tối ưu cho công viên 23/9

Ngày 2/8 TP.HCM đã tổ chức trao giải ý tưởng thiết kế quy hoạch Công viên 23/9. Theo đó, Hội đồng thi tuyển chỉ tìm được giải Nhì và Ba để trao. Vì không có phương án nào đạt số điểm theo yêu cầu nên giải Nhất không có.

Sau khi đánh giá, Hội đồng thi tuyển gồm 11 chuyên gia trong và ngoài nước chỉ tìm được giải Nhì (500 triệu đồng) và gải Ba (200 triệu đồng) chứ không có giải Nhất vì không có phương án nào đạt số điểm theo yêu cầu.

Nhận xét về các bài dự thi, hội đồng đánh giá đây đều là những phương án chất lượng, thể hiện sự làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm của các đơn vị dự thi. Dù không chọn được phương án tối ưu nhưng Hội đồng thi tuyển cho rằng hai phương án Nhì và Ba có thể kết hợp với nhau để hoàn thiện cho phương án cuối cùng.

Khu C của công viên trong thiết kế đạt giải Nhì. (Ảnh: Sở Quy hoạch kiến trúc).

Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hoàng Tùng cho biết, sở sẽ tiếp tục nhận góp ý để hoàn thiện quy hoạch 1/500 vào cuối năm. Cũng theo ông Tùng, công viên này bao gồm các công trình trên mặt đất và ngầm phía dưới, tất cả sẽ được kết nối với nhà ga metro trung tâm tại Bến Thành.

Công viên 23/9 có vị trí đắc địa tại trung tâm quận 1, nằm “kẹp” giữa hai con đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, được phân chia thành nhiều khu vực. Công viên có diện tích hơn 9 ha, rộng 90m và dài hơn 1.100m, một đầu tiếp giáp với vòng xoay Quách Thị Trang – sau này là Nhà ga metro trung tâm.

Do nằm gần nơi khá phức tạp về trật tự xã hội nên công viên này còn là nơi những người nghiện gần đó hay đến để sử dụng ma túy. Dù chính quyền đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng hiện tượng này chưa chấm dứt hoàn toàn.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong từng nhiều lần phàn nàn về tiến độ chỉnh trang công viên này trong các cuộc họp. Thậm chí ông cho rằng đây là công viên “kỳ cục” khi có cả quán cà phê, trung tâm ca nhạc.

“Không biết trên địa bàn thành phố có bao nhiêu công viên làm như thế, đấy là không gian cho người ta tận hưởng không khí sau một ngày làm việc, cuối cùng lại làm đủ thứ chuyện” – ông Phong từng nói.

Liên quan đến quy hoạch, UBND TP cũng đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi), trong đó cần xác định không gian, phân khu chức năng, kiến trúc… cho phù hợp, đồng thời cần công trình điểm nhấn, biểu tượng đặc trưng riêng cho khu này.

TP cũng yêu cầu hệ thống giao thông phải được kết nối đồng bộ, lưu ý vị trí các nút giao thông trên các trục chính (Quốc lộ 22, đường Tam Tân, đường dọc kênh Thầy Cai...), tránh giao cắt quá nhiều, và tổ chức đường giao thông thẳng tuyến, thông suốt, tránh dích dắc.

Theo TP, khu công nghiệp Tân Phú Trung hiện hữu là khu công nghiệp duy nhất được bố trí tại Khu đô thị Tây Bắc với chức năng là khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghiệp cao, dịch vụ công nghệ cao.

Đường sắt Nhổn-ga Hà Nội tổng đầu tư 1,17 tỷ Euro, vận hành 12/2022

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổ-ga Hà Nội được khởi công từ tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội chốt tiến độ khai thác vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện và cơ cấu nguồn vốn dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổ-ga Hà Nội.

Cụ thể, dự án được thực hiện từ năm 2009-2022 trong đó đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022.

Trong tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội là 1,17 tỷ Euro (khoảng 30.197 tỷ đồng), Hà Nội cũng điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn dự án từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) từ 178,7 triệu Euro (khoảng 4.610 tỷ đồng) xuống còn 158,7 triệu Euro (khoảng 4.094 tỷ đồng) và vốn vay Chính phủ Cộng hòa Pháp từ 335,4 triệu Euro (khoảng 8.653 tỷ đồng) lên 355,1 triệu Euro (khoảng 9.161 tỷ đồng).Thành phố Hà Nội yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức quản lý, thực hiện dự án đầu tư theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác khối lượng và kinh phí, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu dự án điều chỉnh; thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư và giám sát cộng đồng theo quy định.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đã hoàn thành phần đi trên cao. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chi tiết công tác giải phóng mặt bằng, thi công các hạng mục công việc còn lại của từng gói thầu, phân công rõ trách nhiệm của từng lãnh đạo và chủ động phối hợp với các Sở, ngành, quận nơi thực hiện dự án đi qua để hoàn thành theo đúng tiến độ đã được phê duyệt điều chỉnh.

Ngoài ra, chủ đầu tư dự án rà soát, cập nhật, xác định lại toàn bộ các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư dự án để điều chỉnh lại cho phù hợp trong trường hợp không thay đổi tổng mức đầu tư đã được duyệt mà chỉ thay đổi cơ cấu tổng mức đầu tư (không bao gồm việc thay đổi cơ cấu khoản vay ODA của dự án đã phê duyệt).

Ban quản lý dự án đường sắt đô thị phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện các khoản vay (gia hạn các Hiệp định vay với các nhà tài trợ) cho phù hợp với tiến độ triển khai, hoàn thành dự án, theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực triển khai thi công ngay trên tất cả các vị trí đã được bàn giao mặt bằng; tăng cường giám sát, quản lý chất lượng công trình; kịp thời giải quyết những vướng mắc nảy sinh, tồn tại trong quá trình thực hiện dự án cũng như làm rõ trách nhiệm các bên liên quan tham gia hợp đồng làm ảnh hưởng đến tiến độ…

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng thực hiện trách nhiệm quản lý chất lượng xây dựng công trình theo chức năng, nhiệm vụ và theo đúng quy định hiện hành.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu cho thành phố phối hợp làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rổ chức rà soát vốn trung hạn cho dự án để đảm bảo triển khai theo đúng tiến độ, xử lý các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính của dự án, bố trí nguồn vốn cho dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, đến nay tiến độ dự án đạt 51,2%. Đối với đoạn tuyến trên cao hiện đã hợp long toàn tuyến, hiện nhà thầu đang tập trung thi công phần kiến trúc tại các nhà ga trên cao và khu vực nhà ga trung chuyển (Depo) là các hạng mục đường găng cho phương án vận hành đoạn trên cao.
Đối với tuyến đi ngầm, nhà thầu đang tập trung thi công tại các khu vực đã được bàn giao mặt bằng gồm dốc hạ ngầm, phần hộp ga S9 (phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình) và nửa phía Bắc ga S10 (phường Cát Linh, quận Đống Đa), nửa phía Bắc ga S12 S12 (phường Cửa Nam và Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm). Hiện, Ban đang tích cực phối hợp với các Quận để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến sẽ tiến hành quây rào phục vụ thi công ga S11 (phường Văn Miếu và Văn Chương, quận Đống Đa) vào cuối tháng 7/2019.

Đối với các gói hệ thống cơ điện, hiện đang thực hiện theo tiến độ tích hợp thi công với các gói thầu xây lắp để đảm bảo thực hiện theo phương án vận hành đoạn trước đoạn trên cao. Dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 12/2022.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Khu đô thị Thủ Thiêm sắp có sáu tuyến đường nội bộ

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết TP đã đầu tư vốn để xây dựng nhiều tuyến đường nội bộ trong khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.

Cụ thể, UBND TP cấp vốn cho dự án đầu tư xây dựng sáu tuyến đường ở chín lô đất trong khu chức năng số 1 KĐT mới Thủ Thiêm với vốn đầu tư 603 tỉ đồng.

Theo thiết kế, dự án xây dựng sáu tuyến đường, trong đó có năm tuyến đường gồm D1, D10, N10, N11, N12. Trong đó, mỗi tuyến đường dài hơn 1.000 m, có lộ giới 26,6 m cho bốn xe lưu thông với tốc độ 50 km/giờ.

Còn lại tuyến đường R12 dài hơn 300 m, có lộ giới 36,2 m cho sáu làn xe lưu thông với tốc độ 60 km/giờ.

Bên cạnh xây dựng sáu tuyến đường trên, dự án còn triển khai xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, cấp điện, chiếu sáng, cây xanh, hào kỹ thuật… Các tuyến đường trên sẽ kết nối với các tuyến đường trục chính KĐT mới Thủ Thiêm.
Sở GTVT TP.HCM lý giải: Sở dĩ đầu tư sáu tuyến đường này là nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật KĐT và tạo điều kiện đầu tư phát triển nhanh KĐT mới Thủ Thiêm. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế-xã hội TP.

Dự án này do Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư. Dự kiến công trình sẽ triển khai thi công trong năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 3/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.