Thứ năm, 28/03/2024 21:14 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 4/7/2019

MTĐT -  Thứ năm, 04/07/2019 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/7/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/7/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

TP Hồ Chí Minh: Tháo dỡ 5 chung cư cũ hư hỏng nặng tại quận Tân Bình

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao UBND quận Tân Bình thực hiện di dời, tháo dỡ và xây dựng lại 5 chung cư cũ hư hỏng nặng trên địa bàn. Hơn nữa, TP cũng chấp thuận bố trí tạm cư, tái định cư cho các hộ dân tại 5 chung cư này.

Cụ thể, 5 chung cư gồm: Chung cư 47 Long Hưng, chung cư 137 Lý Thường Kiệt, chung cư 149-151 Lý Thường Kiệt, chung cư 40/1 Tân Phước và chung cư 170-171 Tân Châu.
Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh cũng chấp thuận sử dụng 187 căn hộ, trong đó có 132 căn hộ tại chung cư Tân Trụ và chung cư Bàu Cát II, quận Tân Bình. 55 căn hộ tại chung cư Phú Thọ, quận 11 để tạm cư, tái định cư cho các hộ dân tại 5 chung cư này.

TP Hồ Chí Minh chỉ đạo tháo dỡ, di dời 5 chung cư cũ tại quận Tân Bình.

Trước đó, theo kết quả kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, các chung cư trên được xếp vào cấp độ nguy hiểm mức D, không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể. Do đó, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND quận Tân Bình khẩn trương chọn chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện di dời, tháo dỡ các chung cư nói trên. Trong trường hợp không chọn được chủ đầu tư, quận Tân Bình phải có kế hoạch di dời khẩn cấp, đảm bảo bố trí tạm cư, tái định cư cho các hộ dân. Thời hạn người dân tạm cư phải đảm bảo không quá 2 năm.

Mới đây nhất, ngày 19/4, UBND quận Tân Bình có thông báo mời gọi nhà đầu tư xây dựng mới 2 chung cư 47 Long Hưng và 40/1 Tân Phước. Quyền lợi của chủ đầu tư là được phép khai thác kinh doanh thương mại để thu hồi vốn đối với phần căn hộ còn lại của dự án sau khi thực hiện tái định cư cho người dân.

Theo Kế hoạch năm 2019, TP Hồ Chí Minh dự kiến sửa chữa, cải tạo 108 chung cư cũ khởi công và thi công xây dựng 8 chung cư. Hoàn thành tháo dỡ 7 chung cư, hoàn thành di dời 729 hộ dân của 12 chung cư cấp D, lựa chọn chủ đầu tư 11/15 chung cư cấp D.
Trước đó, TP Hồ Chí Minh đã công bố tìm nhà đầu tư cho 13 chung cư cũ trên địa bàn TP gồm: Chung cư số 155-157 Bùi Viện, 23 Lý Tự Trọng (quận 1); số 11 Võ Văn Tần (quận 3); Trúc Giang, Vĩnh Hội, số 6Bis Nguyễn Tất Thành (quận 4); số 440 Trần Hưng Đạo (406-422) (quận 5); số 43 Bình Tây (quận 6); số 47 Long Hưng, số 137 Lý Thường Kiệt, số 149-151 Lý Thường Kiệt, phường 7, số 40/1 Tân Phước và số 170-171 Tân Châu, phường 8 (quận Tân Bình).

Đề xuất đầu tư 2 dự án đại đô thị sinh thái hơn 3.000ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có cuộc họp để nghe Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Israel, Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới, Công ty CP Đầu tư và Phát triển UDic Hoàng Mai và Công ty Cổ phần Đầu tư Đất Tâm báo cáo ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị sinh thái Bắc Phước Thắng và Khu đô thị sinh thái Đông Nam Đảo Long Sơn.

Khu đô thị sinh thái Bắc Phước Thắng và Khu đô thị sinh thái Đông Nam Đảo Long Sơn tại thành phố Vũng Tàu được UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư khảo sát, lập quy hoạch tại Công văn số 3000/UBND-VP ngày 02/4/2019.

Được biết, cả hai dự án đề xuất có quy mô nghiên cứu khoảng 1.500ha.

Trong đó, Khu đô thị sinh thái Bắc Phước Thắng bao gồm các phân khu chức năng như: Thành phố đại dương, Cung điện hải dương, Đảo Địa trung hải, Đảo hoa bốn mùa, Công viên trung tâm, Thành phố kỳ quan mặt nước, Thành phố xanh, Quận Galaxy, Cầu ánh sáng, Cung điện mùa xuân,…

Khu đô thị sinh thái Đông Nam Đảo Long Sơn được quy hoạch gồm các phân khu như: Khu ở kiểu Châu Âu; Biệt thự kiểu Địa trung hải; Khu biệt thự sang trọng trên đảo; Làng chài; Khu trung tâm dịch vụ, kinh doanh, công viên tự nhiên; Bến thuyền và biệt thự lớn; Khu khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại hoạt động trên sông;…

Dự án hướng đến thu hút các đối tượng người cao tuổi sinh sống nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, tính toán quy mô dân số phù hợp, chú ý đến yếu tố thủy triều.

Đồng thời, đề nghị nhà đầu tư làm việc lại với UBND thành phố Vũng Tàu, Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cập nhật lại các vấn đề liên quan để triển khai thực hiện các dự án cho phù hợp quy hoạch; sau khi hoàn tất báo cáo UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.

Cần Thơ huy động hơn 322 triệu USD chống ngập

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đoàn Minh Tâm, Phó Giám đốc Ban quản lý ODA TP Cần Thơ, cho biết: “TP đã và đang triển khai nhiều dự án chống ngập do mưa và triều cường. Trong đó có hai dự án nâng cấp đô thị và một dự án phát triển TP giai đoạn 2016-2022, qua đó giải quyết điểm ngập của vùng lõi trung tâm TP”.

Cụ thể, TP sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị (dự án 3), có tổng số vốn là 322 triệu USD (hơn 7.400 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) 250 triệu USD; vốn ODA viện trợ không hoàn lại của SECO 10 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách của địa phương hơn 62 triệu USD. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất trong ba dự án nâng cấp đô thị có sử dụng vốn vay của WB tại TP Cần Thơ.

Dự án 3 nói trên sẽ được phân kỳ thành hai giai đoạn triển khai, thực hiện từ năm 2016 đến 2022 với ba hợp phần chính: Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường cho hai quận Ninh Kiều, Bình Thủy; phát triển hành lang đô thị sang quận Cái Răng; tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực trung tâm với diện tích được bảo vệ là 2.675 ha cùng số dân trong khu vực được bảo vệ trực tiếp và gián tiếp lên đến gần 1 triệu người.

Nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ bị ngập nặng sau mỗi cơn mưa lớn. Ảnh: C.GIANG

Dự án đóng vai trò cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường TP. Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp cũng được hưởng lợi thông qua việc điều kiện cơ sở hạ tầng được cải thiện, đây cũng là điểm cộng cho môi trường đầu tư của địa phương trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Tâm cũng cho biết các dự án hiện nay do Ban quản lý ODA TP thực hiện từ nguồn vốn của WB và một phần ngân sách địa phương nhưng việc điều hành chương trình chống ngập lại do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP thuộc Sở Xây dựng quản lý.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay ngày 4/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.