Thứ bảy, 20/04/2024 03:19 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/1/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 04/01/2019 11:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/1/2019.Tin tức đô thị mới nhất ngày 4/1/2019 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Chưa có phương án di dời ga Quy Nhơn

Ngày 3/1, UBND tỉnh Bình Định làm việc với Cục Đường sắt Việt Nam về chấm dứt hoạt động ga Quy Nhơn, dời đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn ra khỏi nội thành.

Theo ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, 10 năm nay, qua ba đời bộ trưởng Bộ GTVT, tỉnh này nhiều lần kiến nghị dời ga Quy Nhơn ra khỏi nội thành nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, ga này hoạt động không hiệu quả vì mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu xuất phát đi TP.HCM, mỗi chuyến trung bình chỉ 100 hành khách, không vận chuyển hàng hóa…

Ông Thắng cho rằng đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn đang cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của TP Quy Nhơn. Theo đó, đường sắt này có chênh lệch cao độ lớn so với cao độ nền quy hoạch của TP Quy Nhơn; gây chia cắt, không thể đấu nối các tuyến giao thông nội thị, không thể thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông, việc triển khai các quy hoạch chi tiết chỉnh trang TP rất khó khăn… Chính vì thế cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định nhiều lần kiến nghị xóa bỏ đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn để phát triển đô thị.

Trong khi đó, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho rằng chưa thể bàn các phương án, lộ trình di dời đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn. Lý do là chưa có sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020, quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo ông Khôi, cần có đơn vị tư vấn đánh giá lại toàn bộ cơ sở pháp lý, quy hoạch để có cơ sở Bộ GTVT trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, sau đó mới tính đến các phương án di dời hay không.

Nhà vệ sinh thông minh ở khu trung tâm TP.HCM

Trước đây Sở Du lịch TP.HCM từng trình UBND TP phương án xã hội hóa nhà vệ sinh (NVS) công cộng, trong đó có hai phương án được đưa ra. Phương án 1 là giao các doanh nghiệp có nguyện vọng đầu tư NVS cao cấp để phục vụ người dân và khách du lịch. Phương án 2 là vận động các hàng quán ở khu trung tâm treo bảng cho khách đi vệ sinh miễn phí.

Hiện nay, phương án xã hội hóa NVS công cộng trên đã được TP giao Sở TN&MT chủ trì thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết đối với vấn đề trên, Sở phân cấp về quận, huyện để chủ động trong triển khai thực hiện.

“Khi các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư NVS công cộng để quảng cáo thì Sở sẽ tiếp nhận hoặc giới thiệu doanh nghiệp về quận, huyện để cùng thực hiện nếu địa phương có nhu cầu. Trên thực tế cũng có nhiều doanh nghiệp liên hệ với mong muốn xây dựng thông qua hình thức quảng cáo để bù vào chi phí đã bỏ ra” - bà Mỹ cho biết thêm.

 Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, thông tin vừa rồi quận 1 có thí điểm lắp đặt NVS thông minh do Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong thực hiện. Hiện tại quận đã lắp đặt NVS thông minh ở hai vị trí tại địa chỉ 116 Nguyễn Du và trạm xe buýt trên đường Hàm Nghi. Trong quá trình đưa vào hoạt động, nhìn chung mô hình này được nhiều du khách và người dân đánh giá cao.

Tới đây, quận sẽ yêu cầu công ty thiết kế NVS thông minh này thu nhỏ lại với diện tích khoảng 1,2 m2 là vừa. Đồng thời, quận 1 sẽ phối hợp với Sở GTVT để lắp đặt NVS thông minh này trên tất cả nhà chờ xe buýt nằm trên địa bàn.

Hà Nội đề xuất xây nhà cao tầng trong khu phố cũ

Trụ sở Văn phòng Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Công ty CP sách và thiết bị trường học trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm là 2 dự án cao tầng được TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng chấp thuận.

Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng, TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh quy hoạch kiến trúc 2 dự án nêu trên theo hướng tăng chiều cao so với quy định.

Cụ thể, khu đất 31-35 Lý Thường Kiệt, rộng 2.254,1 m2 được đề xuất xây dựng trụ sở văn phòng SHB cao 45m, quy mô 14 tầng, 1 tum.

Khu đất 45B Lý Thường Kiệt rộng 1.076 m2 sẽ xây trụ sở văn phòng Công ty CP sách và thiết bị trường học Hà Nội, với quy mô chiều cao tối đa 12 tầng.

Phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm thuộc khu phố cũ Hà Nội, theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, khu phố cũ Hà Nội được định hướng ưu tiên phát triển công trình văn hóa, dịch vụ du lịch, văn phòng làm việc, ngân hàng, tài chính, chứng khoán.

Chiều cao các tòa nhà theo quy hoạch đặc trưng từ 4-6 tầng, và được lựa chọn một vài công trình có điều kiện làm điểm nhấn đô thị, đóng góp vào cảnh quan chung.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử.

Việc xem xét, cho phép xây dựng các công trình để tạo lập điểm nhấn đô thị tại khu phố cũ Hà Nội phải đáp ứng yêu cầu vị trí trên tuyến phố lớn, có khoảng lùi theo quy chuẩn xây dựng, đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng đô thị như bãi đỗ xe, sân vườn xây xanh, và có phương án kiến trúc được thi tuyển phù hợp.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/1/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...