Thứ sáu, 29/03/2024 05:11 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 10/4/2019

MTĐT -  Thứ tư, 10/04/2019 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 10/4//2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 10/4/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Gần 100 hộ dân của Quỳnh Lưu sẽ di dời để làm cao tốc Bắc - Nam

Để xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, huyện Quỳnh Lưu đang hoàn tất thủ tục để di dời gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng lên khu tái định cư mới.

Đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An thuộc 2 dự án cao tốc là đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An); Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh).

Liên quan đến dự án này, huyện Quỳnh Lưu nằm trong danh sách các địa phương sẽ triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam.

Theo đó, 4 xã nằm trong diện giải phóng mặt bằng để xây dựng đường cao tốc gồm Quỳnh Tân, Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ và Quỳnh Lâm. Để sớm triển khai dự án, hiện nay, Ban quản lý dự án 6 thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã bàn giao hồ sơ pháp lý, tim, tuyến của đường cho Hội đồng GPMB huyện. Đồng thời, UBND huyện đã thành lập Hội đồng GPMB để chuẩn bị triển khai dự án, tiến hành rà soát, tổng hợp các trường hợp tái định cư để xây dựng khu tái định cư cho từng xã.

4 xã của Quỳnh Lưu sẽ có cao tốc Bắc Nam đi qua.

Số hộ dự kiến tái định cư là 96 hộ và 25 hộ bị ảnh hưởng một phần liên quan dự án. Sau khi Ban quản lý dự án 6 cắm mốc GPMB tại thực địa, Hội đồng GPMB huyện sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực để thực hiện trích đo GPMB và triển khai các thủ tục tiếp theo.

Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư 23 dự án đầu tư công

Tại Kỳ họp thứ 8, kỳ họp bất thường HĐND Thành phố khóa XV sáng ngày 9/4, HĐND TP. Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 23 dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của Thành phố và điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 2 dự án.
Cụ thể, đó là 23 dự án nhóm B có tổng mức đầu tư dự kiến 5.941.225 triệu đồng.

Một số dự án nằm trong danh mục này như: Dự án Đường vành đai Khu công nghiệp Bắc Phú Cát (nay là đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc), huyện Quốc Oai; Dự án Nâng cấp, cải tạo tuyến đường Ngũ Hiệp đi Đông Mỹ, huyện Thanh Trì; Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường 2,5 đến UBND phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai…

2 dự án nhóm B được điều chỉnh chủ trương đầu tư có tổng mức đầu tư dự kiến 915.453 triệu đồng. Đó là Dự án Xây dựng tuyến đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thị, huyện Gia Lâm và Dự án Xây dựng tuyến đường đê hữu Đuống (đoạn Dốc Lời - Đặng Xá đến xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm).

Gần 21.000 tỷ đồng làm 115km cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) nếu được thông qua sẽ có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 115 km (địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 50km và địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 65km) với nguồn vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).

Đây là nội dung chính trong Tờ trình của UBND tỉnh Cao Bằng vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Trong đó, điểm đầu kết nối vào đoạn cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam tại nút giao thuộc khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối thuộc khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng tại ngã ba đường vào Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và Quốc lộ 34.

Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn trong đó, nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 là 12.546 tỷ đồng (vốn ngân sách Nhà nước 5.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại 7.546 tỷ đồng). Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm từ khi bắt đầu khai thác (từ năm 2023-2038).

Công trình này sau khi hoàn thành sẽ tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới nối liền các khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Trà Lĩnh; kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh-Urumqi-Khorgos (Trung Quốc) sang các nước châu Âu, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc, góp phần tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các vùng lân cận dọc tuyến, đảm bảo an ninh quốc phòng và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Hà Nội lập đoàn kiểm tra các vấn đề nóng về giao thông, đô thị

Ngày 9/4, tại thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đôn đốc, kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố. Đoàn liên ngành sẽ bắt đầu kiểm tra từ ngày 10/4 đến hết ngày 25/11. 

Cảnh sát giao thông Hà Nội làm nhiệm vụ tại khu vực phía Nam Hà Nội.

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm 5 đoàn, kiểm tra đột xuất với các nội dung hướng dẫn, đôn đốc của Ban Chỉ đạo 197 các sở, ngành, thành viên; Ban Chỉ đạo 197 các quận, huyện, thị xã, các phường, thị trấn trong việc triển khai, thực hiện Kế hoạch số 03 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố; đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự xây dựng, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

Theo đó, Tổ kiểm tra liên ngành số 1 kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các tổ kiểm tra, các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 197 các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn; tổ chức hậu kiểm việc kiểm tra, xử lý của các tổ kiểm tra trong Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 197 thành phố.

Bên cạnh đó, trực tiếp kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm lớn, phức tạp, theo chỉ đạo của cấp trên hoặc do báo chí phản ánh về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường trên địa bàn; chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo 197 thành phố ban hành các văn bản, phiếu giao việc giải quyết các vi phạm; kiến nghị các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo 197 quận, huyện, thị xã các biện pháp, giải pháp xử lý nghiêm các vi phạm.

Tổ kiểm tra liên ngành số 2 có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực trật tự đô thị trên lòng đường, hè phố; tập trung các hành vi chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép, thu giá trông giữ xe sai quy định; các vi phạm về dừng đỗ dưới lòng đường, trên hè phố; kiểm tra, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực quảng cáo, tập trung kiểm tra, xử lý hành vi treo, đặt biển quảng cáo trái phép, sai vị trí thỏa thuận hoặc sai nội dung đã đăng ký.

Tổ kiểm tra liên ngành số 3 kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

Tổ kiểm tra liên ngành số 4 có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm, nhất là tại các khu nhà chung cư, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, cơ sở sản xuất, kho chứa tập trung nhiều hàng hóa dễ cháy, nổ, khu dân cư; kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật, không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy; các công trình đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy nhưng một số nội dung không đáp ứng do liên quan đến kiến trúc công trình.

Từ đó, tham mưu Ban Chỉ đạo 197 thành phố, UBND thành phố các phương án xử lý phù hợp với hiện trạng, kể cả các phương án tạm thời.

Tổ kiểm tra số 5 kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

P.V(Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 10/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.