Thứ năm, 28/03/2024 16:47 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/1/2020

MTĐT -  Thứ tư, 01/01/2020 10:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/1/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/1/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp

Hà Nội: Không tổ chức phố đi bộ vào ngày Tết Dương lịch

Ngày 31/12, hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ tổ chức, Ban chỉ đạo tổ chức Thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã thông tin về kết quả 3 năm triển khai thí điểm và công bố đưa phố đi bộ vào hoạt động chính thức từ 1/1/2020.

Trình bày những kết quả đã đạt được trong thời gian thí điểm, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, 3 năm qua, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến thăm quan và tham gia rất đông (trung bình ban ngày có khoảng 3.000-5.000 người; buổi tối khoảng 1,5-2 vạn người).

Cũng tại không gian đi bộ này, các đơn vị đã tổ chức 410 sự kiện văn hoá quy mô lớn, thu hút sự tham gia của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, 26 Đại sứ quán.

Lượng khách du lịch quốc tế lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh (năm 2016 là 1.361.000 lượt người đến năm 2019 là 2.350.000 người). Tính đến nay, trên địa bàn quận có 176 công ty lữ hành, 585 khách sạn và cơ sở lưu trú với hơn 12.000 phòng.

Số lượng của hàng kinh doanh chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 đạt 5.387 tỷ đồng; năm 2017 đạt 7.020 tỷ đồng; năm 2018 đạt 8.840 tỷ đồng; ước năm 2019 đạt 9.749 tỷ đồng).

Việc xây dựng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và hình thành nếp sống mới cho người dân Thủ đô, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình; kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm và TP.

Theo ông Phạm Tuấn Long, để nâng cao hiệu quả hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khắc phục các tồn tại, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo TP sẽ tập trung chỉ đạo một số nội dung như:

UBND quận Hoàn Kiếm tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại trong hoạt động như: phương tiện dừng đỗ trước và sau rào an ninh tại các chốt ra vào; các điểm giao thông tĩnh bị quá tải; bãi xe tự phát thu quá giá quy định; vứt rác trên vỉa hè;

Khẩn trương triển khai dự án đầu tư cải tạo nâng cấp chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm và nghiên cứu thực hiện các dự án thành phần phụ cận Hồ Gươm như khu vực Nhà hàng Thủy Tạ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, kết nối đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, vườn hoa Lý Thái Tổ, tháp Hòa Phong, đền Vua Lê, các trục đường xung quanh hồ Hoàn Kiếm…

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp của các Sở, ngành như: Sở Tư pháp khẩn trương thẩm định Quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trong tháng 01/2020 làm cơ sở để UBND quận Hoàn Kiếm hoàn thiện trình UBND Thành phố phê duyệt;

Công an Thành phố Hà Nội chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, xử lý triệt để tình trạng móc túi, buôn bán hàng rong, tự ý nâng giá, đeo bám, chèo kéo khách du lịch, tình trạng taxi dù; tổ chức phân luồng giao thông hợp lý đối với các tuyến phố xung quanh khu vực không gian đi bộ nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông;

Sở VH-TT tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, các sự kiện làng nghề, lễ hội ẩm thực Việt hàng năm tại không gian đi bộ.

Liên quan đến việc Thành phố Hà Nội giao quận Hoàn Kiếm phối hợp Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu đề xuất xem xét thực hiện thí điểm không cho các phương tiện giao thông hoạt động trong thời gian 1 tháng đối với toàn bộ không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm để phân tích, đánh giá từ đó đưa ra giải pháp lâu dài cho việc quản lý phương tiện đi vào nội đô triển khai đến đâu, ông Phạm Tuấn Long cho biết, quận Hoàn Kiếm đang cùng Sở GT-VT nghiên cứu việc thí điểm triển khai không cho các phương tiện giao thông hoạt động 24/24 giờ, kết quả thí điểm sẽ được công bố sau Tết.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Long, vào dịp lễ, Tết hàng năm nếu rơi vào ngày cuối tuần hoặc liền kề ngày tổ chức không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận, Ban tổ chức sẽ kéo dài thời gian tổ chức. Năm nay, Tết Dương lịch rơi vào giữa tuần (thứ Tư) cho nên phố đi bộ sẽ không được tổ chức, các phương tiện vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, vẫn theo thông lệ, vào tối 31-12, phố đi bộ vẫn sẽ hoạt động để phục vụ cho sự kiện âm nhạc chào đón năm mới, countdown 2020 và đúng 6h sáng 1-1-2020 không gian đi bộ sẽ được trả lại cho hoạt động giao thông như bình thường.

Sóc Trăng khởi công xây dựng nhà máy điện gió Lạc Hòa

Ngày 31/12, tại Khóm Vĩnh An, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Vĩnh Châu đã tổ chức khởi công Dự án xây dựng nhà máy điện gió Lạc Hòa, giai đoạn 1.

Nhấn nút Khởi công Dự án điện gió Lai Hòa - Vĩnh Châu. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Dự án nhà máy điện gió Lạc Hòa giai đoạn 1 được xây dựng tại bãi bồi ven biển xã Lạc Hòa và phường 2 (thị xã Vĩnh Châu). Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 30MW, lắp đặt 8 turbine gió bao gồm: 6 turbine công suất 3,8MW và 2 turbine công suất là 3,6MW, 1 trạm biến áp 22/110kV - 40MVA, đường dây 110kV - 2 mạch dài khoảng 8,9km và mở rộng hai ngăn lộ tại TBA 110kV Vĩnh Châu để đấu nối dự án với lưới điện Quốc gia.

Quy mô quy hoạch dự án trên diện tích đất khảo sát khoảng 700ha, diện tích đất tạm thời 11,5ha; diện tích đất sử dụng có thời hạn 8ha.

Hạ tầng cơ sở gồm: nhà văn phòng, nhà điều hành, nhà phân phối, nhà nghỉ chuyên gia, nhà nghỉ cán bộ, nhà kho, nhà ăn, khu thể thao...

Ông Phạm Văn Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Vĩnh Châu, chủ đầu tư dự án cho biết, dự án được đầu tư theo phương thức nhà đầu tư độc lập. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 1.300 tỷ đồng.

Hàng năm, khi nhà máy đưa vào vận hành sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia trên 93 triệu KWh và cả giai đoạn 2 của nhà máy sẽ góp tổng cộng ít nhất 160 triệu KWh.

Từ đó, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Dự kiến, dự án sẽ nối lưới hòa vào lưới điện quốc gia vào quý II/2021.

Theo ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ mang lại lợi ích rất lớn, lâu dài, bền vững.

Điều này không những góp phần tự bảo đảm cân đối nguồn điện cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực, phát triển du lịch tại địa phương...

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng mong muốn, Công ty cổ phần năng lượng Tái tạo Vĩnh Châu tập trung nguồn lực, sớm hoàn thành dự án có chất lượng, đúng kế hoạch.

Đồng thời, thực hiện tốt cam kết trong đăng ký đầu tư, đảm bảo an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Từ ngày 1/1/2020, Đắk Nông có thành phố Gia Nghĩa

Theo Nghị quyết, thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông trên diện tích tự nhiên quy mô 284,11km2, dân số 85.082 người. Thành phố Gia Nghĩa tiếp giáp các huyện Đắk Glong, Đắk Song, Đắk R’Lấp, và các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và nằm trên tuyến Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh).

Một góc thành phố Gia Nghĩa

Thành phố Gia Nghĩa bao gồm 8 đơn vị hành chính, gồm 6 phường: Nghĩa Đức, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân, Nghĩa Thành, Nghĩa Trung, Quảng Thành và 2 xã: Đắk Nia, Đắk R’Moan.

Toàn tỉnh Đắk Nông có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện (Cư Jut, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Đắk R’Lấp, Krông Nô, Tuy Đức) và 1 thành phố; 71 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 60 xã, 6 phường và 5 thị trấn.

Tỉnh Đắk Nông được thành lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 1/1/2004.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới