Thứ năm, 18/04/2024 08:34 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/8/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 11/08/2019 11:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/8/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/8/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Nâng cấp sân bay Nội Bài lên 80-100 triệu khách/năm

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về việc cử tri đề nghị Bộ GTVT sớm cắm mốc giới thực địa quy hoạch sân bay quốc tế Nội Bài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mục đích, tạo điều kiện cho 5 xã xung quanh khu vực sân bay tổ chức thực hiện các quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội.

Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài có định hướng mở rông, nâng cấp đạt khoảng 80-100 triệu hành khách/năm sau năm 2030. Để đảm bảo phương án mở rộng và quy hoạch chi tiết có chất lượng, có tầm nhìn quốc tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải như sân bay Tân Sơn nhất, vừa qua Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ Pháp tài trợ dự án hỗ trợ kỹ thuật Nghiên cứu phương án mở rộng và lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Nội bài giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ FASEP Chính phủ Pháp.

Theo Bộ GTVT, Tư vấn thiết kế hàng không ADPi do Chính phủ Pháp lựa chọn đã triển khai dự án từ giữa tháng 6-2019, thời gian thực hiện dự kiến khoảng 12 tháng. Theo đó, Tư vấn ADPi sẽ rà soát lại toàn bộ quy hoạch CHKQT Nội Bài đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt tại quyết định số 590/2008 và đề xuất phương án mở rộng đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển sân bay Nội Bài trong tương lai (bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng và chi phí giải phóng mặt bằng).

Nhiều chuyên gia ủng hộ việc sớm mở rộng, nâng cấp sân bay Nội Bài để tránh tình trạng như sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau khi Tư vấn ADPi hoàn thành, đề xuất phương án, quy hoạch chi tiết CHKQT và được cấp có thấm quyền phê duyệt (dự kiến vào quý 3/2020), Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện cắm mốc chỉ giới xây dựng theo quy hoạch để các xã xung quanh khu vực CHKQT Nội Bài có cơ sở sử dụng mặt bằng đất đai phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Được biết, từ nay đến năm 2030, Nội Bài phải xây dựng được đường cất hạ cánh số 3 và nhà ga hành khách công suất 25 triệu, để nâng công suất sân bay lên 50 triệu khách vào năm 2030. Sau năm 2030, đường cất hạ cánh số 4 tiếp tục được xây dựng, nâng công suất sân bay thêm 40 triệu người.

Theo Quy hoạch giao thông Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020, Nội Bài sẽ đạt cấp độ sân bay 4E với lưu lượng hành khách 20-25 triệu và trên 260.000 tấn hàng hóa mỗi năm; đến năm 2030 tiếp nhận 35 triệu khách; sau năm 2030 là 50 triệu khách và 500.000 tấn hàng hóa mỗi năm.

Tuy nhiên, hiện nay lưu lượng hành khách thông qua sân bay Nội Bài đã đạt 25 triệu, tương đương công suất thiết kế của cả hai nhà ga T1 và T2. Năm 2018, nhà ga đã có dấu hiệu quá tải, một số công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ xuất hiện hư hỏng.

Năm 2016, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở rộng sân bay về phía Bắc thay vì phía Nam như quy hoạch trước đó, song chưa dựa trên nghiên cứu đánh giá tổng thể nên Bộ GTVT chưa quyết định.

Đề xuất thành lập tổ giám sát đấu thầu chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc Nam

Tổ giám sát quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 sẽ do Bộ Kế hoạch và đầu chủ trì.

Đây là nội dung trong công văn số 7257/BGTVT – ĐTCT vừa được Bộ GTVT gửi tới Bộ Kế hoạch và đầu tư liên quan đến việc giám sát quá trình tuyển chọn nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông theo hình thức PPP.

Theo Bộ GTVT, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017. Đây là dự án rất quan trọng, cấp bách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế lựa chọn nhà đầu tư, nên việc kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật là rất cấp thiết.

Nếu quá trình lựa chọn nhà đầu tư không phát sinh các tình huống phải làm rõ, xử lý và sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành liên quan thì Bộ GTVT có thể khởi công các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong tháng 4/2020.

Tại cuộc họp ngày 12/6/2019 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì về việc triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Phó Thủ tướng đã kết luận (thông báo số 221/TB-VPCP ngày 26/6/2019 của Văn phòng Chính phủ): “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thành lập Tổ giám sát gồm đại diện các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ và mời Kiếm toán Nhà nước để thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật”.

Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai thành lập Tổ giám sát quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án.

Hiện nay, Bộ GTVT đang tiến hành đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển tham gia 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông với khoảng 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển của các liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước được nộp.

Được biết, sau khi mở thầu, bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của các nhà đầu tư trong khoảng 30 ngày theo các tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu. Theo hồ sơ mời sơ tuyển, điểm của nhà đầu tư được tính theo thang điểm 100. Trong đó, mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60 điểm; năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm 30 điểm và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm 10 điểm. Bộ GTVT sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP khoảng đầu tháng 9/2019. Theo quy định, bước sơ tuyển sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư có điểm xếp hạng cao nhất vào vòng đấu thầu.

Theo kế hoạch, Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ mời thầu toàn bộ 8 dự án thành phần khoảng đầu tháng 10/2019. Đăng tải Thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 10/2019.

Nhà đầu tư có thời gian tối thiểu 90 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Thời điểm đóng thầu khoảng tháng 1/2020. Bên mời thầu tổ chức đánh giá hồ sơ mời thầu trong vòng 30 ngày. Bộ sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 3/2010. Đăng tải kết quả lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng khoảng tháng 4/2020.

TP.HCM sắp công bố ranh quy hoạch khu 4,3ha tại Thủ Thiêm

Ngày 10/8, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, ngày 14/8, TP sẽ tổ chức họp báo thông tin các vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm.

Buổi họp báo sẽ công bố ranh giới 4,3ha đã được Thanh tra Chính phủ xác định nằm ngoài quy hoạch, và các vấn đề liên quan đến bồi thường cho khu vực này. Cũng theo ông Hoan, ngay ngày hôm sau TP sẽ tổ chức đối thoại với 28 hộ dân thuộc 5 khu phố cho rằng đất của mình cũng nằm ngoài quy hoạch.

Trước đó, tổ công tác về giải quyết các vấn đề Thủ Thiêm đã gặp gỡ 331 hộ thuộc khu 4,3 ha để ghi nhận các ý kiến, đề xuất của người dân liên quan đến chính sách bồi thường.

Phần lớn hộ dân muốn chọn phương án đất đổi đất, số ít chọn nhận tiền. Tổ công tác đã tổng hợp các đề xuất để báo cáo Thường trực UBND TP.

Theo trình tự, UBND TP sẽ báo cáo Thành ủy trước khi trình HĐND TP thảo luận và thống nhất bằng nghị quyết. Dự kiến, TP sẽ trình phương án bồi thường tại phiên họp HĐND ngày 20/8.

TP.HCM sắp họp báo công bố ranh quy hoạch khu 4,3 ha ở Thủ Thiêm. Ảnh: Zing

Liên quan đến Thủ Thiêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về việc thu hồi khoản tiền đã tạm ứng để đầu tư cho khu đô thị này.

Trong văn bản này, TP cho biết tại Kết luận số 1037 (tháng 6/2019) Thanh tra Chính phủ đề nghị TP thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị Thủ Thiêm (tính đến tháng 9/2018) là 26.300 tỷ.

Tuy nhiên TP cho rằng khoản tiền trên đã được dùng để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất tại KĐT Thủ Thiêm, do đó hiện không thể thu hồi lại.

Theo TP, để thu hồi khoản tạm ứng trên cần thực hiện các thủ tục để quyết toán vào Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Khu đô thị Thủ Thiêm. Dù vậy khi thực hiện các thủ tục quyết toán TP lại gặp một số vướng mắc. Từ đó UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ ngành liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục nhằm thực hiện thống nhất.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.