Thứ sáu, 19/04/2024 12:49 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/9/2019

MTĐT -  Thứ tư, 11/09/2019 10:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/9/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/9/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Lý do người dân TP.HCM đi xe buýt ngày càng ít

HĐND TP.HCM vừa có buổi khảo sát tình hình vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020. Tham dự buổi khảo sát có bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP cùng các đại biểu HDND TP.

Tại buổi khảo sát, đại diện Sở GTVT báo cáo: Tính đến tháng 8-2019, TP có 137 tuyến xe buýt (99 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá). Hiện TP có 2.322 xe buýt (453 xe sử dụng nhiên liệu CNG, còn lại là dùng dầu diesel).

Từ năm 2014, khối lượng vận chuyển xe buýt bắt đầu giảm. Tuy nhiên, từ năm 2018, hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) lại chuyển biến theo xu hướng tích cực.

Từ năm 2018, hoạt động vận tải hành khách công cộng ở TP.HCM  chuyển biến theo xu hướng tích cực - Ảnh TRUNG HIẾU

Dù vậy, theo Sở GTVT, hiện VTHKCC chỉ mới đáp ứng được 9,2% nhu cầu giao thông đô thị ở TP. Theo kế hoạch đến 2020 khối lượng VTHKCC phải đáp ứng được 15%-20% nhu cầu giao thông đô thị TP. TP đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển VTHKCC để đạt được kế hoach đề ra.

Hiện các phương tiện cá nhân trở nên phổ biến ở TP, dẫn đến tình trạng gia tăng mật độ lưu thông trên đường, tác động đến chất lượng dịch vụ xe buýt cũng như nhu cầu sử dụng giao thông công cộng ngày càng suy giảm.

Chưa kể hệ thống bến bãi còn hạn chế; chính sách thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng còn chưa nhiều, dẫn đến việc triển khai thực hiện các dự án bến bãi theo hình thức hợp tác công tư (PPP) còn chậm.

Theo đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành, quận - huyện tiếp tục phối hợp, góp ý hoàn thiện Đề án tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. Đồng thời, quan tâm để bố trí đủ kinh phí trợ giá cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP. UBND TP xem xét, thông qua chủ trương thực hiện các dự án, giải pháp phát triển VTHKCC bằng xe buýt thuộc “Chương trình chống ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2021-2025”.

Hà Nội: 15 đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận được phê duyệt

Đó là thông tin được Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết chiều 10/9, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Xuân Linh, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo và hoàn thành việc rà soát, đánh giá các tiêu chí kinh tế - xã hội so với tiêu chí của Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận; đồng thời đã xây dựng kế hoạch thực hiện bằng 15 đề án thành phần. Đây là các đề án nhằm hoàn thành các tiêu chí thực hiện Đề án xây dựng huyện Đông Anh thành quận.

Cụ thể, Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước huyện Đông Anh theo hướng phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý chính quyền đô thị giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo; Đề án hoàn thiện và phát triển hệ thống giao thông, hạ tầng xử lý nước thải trên địa bàn huyện theo tiêu chí đô thị giai đoạn 2018-2023 và những năm tiếp theo; Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xây dựng huyện Đông Anh thành quận giai đoạn 2018-2023 và những năm tiếp theo; Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2023 và những năm tiếp theo; Đề án phát triển giáo dục đào tạo huyện giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo; Đề án bảo tồn, phát huy các bộ môn văn hóa, thể thao truyền thống trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo;

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh thông tin tại Hội nghị. (Ảnh: NK)

Cùng với đó là các Đề án quản lý ao hồ trên địa bàn huyện theo hướng đô thị; Đề án trồng và quản lý cây xanh trên địa bàn; Đề án hoàn thiện hệ thống chiếu sáng; Đề án xây dựng, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố huyện giai đoạn 2017-2020; Hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án xây dựng công an huyện thành công an quận; Tập trung hoàn thiện hạ tầng và đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu thực hiện đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận…

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá toàn bộ các tiêu chí so với Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận và Đề án đầu tư xây dựng xã, thị trấn thành phường. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện quyết liệt để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, huyện sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các điểm dân cư phát triển đô thị trên địa bàn, làm cơ sở và căn cứ để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết hợp với xử lý nước thải; tập trung thực hiên quyết liệt trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng…

Thông tin cụ thể về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Xuân Linh cho biết, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao (10,1%); nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội được triển khai thực hiện và đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, các khó khăn vướng mắc đều được tháo gỡ kịp thời, đặc biệt là các dự án trọng tâm, trọng điểm của thành phố và huyện. Hiện huyện đã và đang thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) 176 dự án, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm như: Dự án Công viên Kim Quy, Dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia mới; Dự án Công viên phần mềm, Dự án thành phố thông minh…

TP:HCM: Chuẩn bị khởi công 7 dự án giảm ùn tắc các cửa ngõ

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, trong tháng 9 sẽ trình Sở GTVT TP phê duyệt thiết kế 2 dự án, đó là hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và dự án xây cầu vượt trước bến xe miền Đông mới, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại khu vực này.

Dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ có tổng vốn đầu tư là hơn 830 tỷ đồng, mới được UBND TP duyệt phương án cấp vốn. Dự án sẽ xây đảo tròn trung tâm có đường kính 60 m và 2 hầm chui, cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh.

"Điểm đen" ùn tắc giao thông tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7.

Hai hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh sẽ đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 480 m, bao gồm đường dẫn 2 đầu hầm và hầm kín. Trong đó, hầm kín chui dưới giao lộ đường Nguyễn Văn Linh với đường Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 80 m; hầm hở phía khu chế xuất Tân Thuận dài khoảng 200 m, phía Quốc lộ 1A dài khoảng 200 m.

Dự kiến cuối tháng 12 có thể khởi công 2 đường chui. Giai đoạn hoàn thiện sẽ được triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Với dự án xây cầu vượt trước bến xe miền Đông mới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP sẽ trình Sở GTVT TP duyệt thiết kế trong tháng 9. Nếu Sở thông qua trong tháng 10, Ban sẽ tổ chức đấu thầu trong 2 tháng và đến giữa tháng 12 có thể khởi công.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cũng đã xây dựng phương án đầu tư cho 5 dự án mở rộng các đường phía cửa ngõ TP, bao gồm mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22, 50 và nút giao An Phú. Hiện nay UBND TP đã gửi văn bản cho các sở, ngành để góp ý. Trong 10 ngày tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP sẽ báo cáo thường trực HĐND TP.

Nếu được HĐND TP thông qua, quý II/2020 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP sẽ trình báo cáo khả thi, sau đó sẽ trình báo cáo thiết kế kỹ thuật. Trong trường hợp mặt bằng được giao sớm, thì đến năm 2023 có thể hoàn thành.

Hòa Bình đề xuất xây trụ sở liên cơ quan 745 tỷ đồng

UBND tỉnh Hòa Bình mong muốn xây dựng trụ sở liên cơ quan mới với số vốn dự kiến là 745,2 tỷ đồng. Dự án xây dựng tại vị trí bãi thải Nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Ngày 23/7, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản xin phép Chính phủ xây dựng khu trụ sở liên cơ quan tỉnh Hòa Bình. Trong báo cáo, Hòa Bình cho biết trụ sở mới sẽ có tổng vốn đầu tư 745,2 tỷ đồng.

Trụ sở UBND tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Báo Thành Tra.

Về quy hoạch đầu tư xây dựng, vị trí quy hoạch khu trụ sở liên cơ quan là nơi đổ thải Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Dự án san nền tạo mặt bằng khu vực đổ thải đang trình thẩm định, sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Kính phí bồi thường, giải phòng mặt bằng do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chi trả.

Ngay sau khi nhận được văn bản báo của UBND tỉnh Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản lấy ý kiến một số bộ ngành, trong đó có Bộ Xây dựng.

Ngày 13/8, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi tới Văn phòng Chính phủ bày tỏ quan điểm về dự án của UBND tỉnh Hòa Bình. Bộ Xây dựng cho rằng với tổng mức đầu tư dự kiến 745,2 tỷ đồng, dự án thuộc nhóm B theo Luật Đầu tư công. Do đó, HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, dự án phảo đáp ứng yêu cầu Chỉ thị 12/2017 của Thủ tướng về việc tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ Xây dựng cũng lưu ý UBND tỉnh Hòa Bình cần xây dựng phương án xử lý, sắp xếp lại trụ sở của các cơ quan dự kiến di dời vào Khu liên cơ quan mới. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở, tránh lãng phí và phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

“Dự án phải đảm bảo khả năng huy động vốn của địa phương”, văn bản của Bộ Xây dựng nêu.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 11/9/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?