Thứ sáu, 29/03/2024 21:15 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/3/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 13/03/2020 08:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/3/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/3/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Quảng Ninh, Hải Phòng tạm dừng các hoạt văn hóa xã hội lớn

Ngày 12/3, UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn hỏa tốc gửi Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, cùng UBND các địa phương chỉ đạo yêu cầu tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.

Cụ thể các hoạt động như: Biểu diễn nghệ thuật, các rạp chiếu phim, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sẽ tạm dừng hoạt động từ 22h ngày 12/3 đến hết ngày 25/3. Căn cứ tình hình thực tế sẽ có thông báo cho phép hoạt động trở lại sau.

Động thái này nhằm tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho nhân dân, du khách và cộng đồng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Đây cũng là biện pháp để hạn chế các hoạt động tập trung đông người, giảm thiểu tối đa các nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trước đó, vào ngày 11/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương tạm dừng dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh, dừng đón khách tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, trên các đảo thuộc vùng biển đảo Cô Tô, Vân Đồn; dừng hoạt động của các khu di tích lịch sử danh thắng trên toàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ 0h ngày 12/3 đến 0h ngày 27/3.

Quảng Ninh tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa

Riêng TP. Hạ Long, ngoài yêu cầu các cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar, điểm cung cấp trò chơi điện tử công cộng tạm dừng hoạt động kinh doanh đón khách sử dụng dịch vụ từ 20h ngày 11/3, UBND TP. Hạ Long còn yêu cầu các nhà hàng, hộ kinh doanh ăn uống hạn chế đón, phục vụ các đoàn khách đông người sử dụng dịch vụ tại cơ sở; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tạm dừng đón khách tham quan kể từ 8h ngày 12/3.

Hạ Long cũng tạm dừng hoạt động của khu du lịch Sunworld Hạ Long (bao gồm hệ thống cáp treo, Công viên Rồng, Công viên nước, Công viên Ba Đèo) từ ngày 12/3. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, trung tâm thương mại tạm dừng hoạt động các rạp chiếu phim do đơn vị quản lý, thời gian từ ngày 12/3.

Còn tại kỳ họp thứ 13 (bất thường) được tổ chức vào ngày 12/3, HĐND TP. Hải Phòng khóa XV đã thông qua nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, ổn định tình hình kinh tế-xã hội Thành phố.

Theo đó, UBND Hải Phòng sẽ dùng 10% ngân sách tiết kiệm trong chi thường xuyên năm 2020 của Thành phố để phục vụ công tác phòng, chống dịch; chuyển nguồn kinh phí đã phân bổ để tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ năm 2020, gặp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và tặng quà các hộ gia đình thành nguồn kinh phí để phòng, chống dịch bệnh.

Tổng kinh phí bố trí dự phòng được thông qua là 1.000 tỷ đồng để phòng, chống dịch COVID-19 với kịch bản 1.000 bệnh nhân dương tính. UBND Thành phố sẽ chủ động điều hành diễn biến thực tế của dịch. Thành phố chỉ đạo ngay việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư tiêu hao, hóa chất, khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch với tổng kinh phí gần 127 tỷ đồng.

Thành phố thống nhất mức hỗ trợ đối với các trường hợp cách ly tập trung là 65.000 đồng/người/ngày, 45.000 đồng/người/ngày đối với những người sống ở vùng cách ly. Mức chi trả cho các trường hợp thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực cách ly có trường hợp bệnh xác định là 65.000 đồng/người.

Hải Phòng cũng quyết định dừng tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ 2020, Lễ hội nghề cá Cát Bà, Liên hoa du lịch Đồ Sơn, gặp mặt kỷ niệm và tặng quà cho các hộ gia đình dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.

TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị lập thêm Bệnh viện dã chiến quy mô 20.000 giường

Chiều nay (12/3), Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, UBND TP với Thường trực 24 quận huyện ủy trên địa bàn TP.
Tại hội nghị, các thành viên tham dự đều đeo khẩu trang để phòng chống dịch Covid-19. Phóng viên báo chí được bố trí tác nghiệp tại Trung tâm báo chí và theo dõi hội nghị qua màn hình.

Báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, tính đến thời điểm này, TP đã có 4 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 3 ca đã khỏi bệnh. Ca nhiễm mới (bệnh nhân số 32) đến từ Anh đang được điều trị tại bệnh viện Nhiệt Đới TP. Cả 4 trường hợp đều lây lan từ bên ngoài, chưa ghi nhận trường hợp nào lây lan bệnh trong cộng đồng.

“Việt Nam và TP Hồ Chí Minh nói riêng đang bước vào giai đoạn mới nguy hiểm hơn. Tất cả các cơ quan, đơn vị đã vào cuộc, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ông Liêm đánh giá.

 Sau Bệnh viện dã chiến ở Củ Chi và Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh chuẩn bị lập thêm Bệnh viện dã chiến mới với quy mô 20.000 giường bệnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP, hàng ngày từ 17h, UBND TP họp trực tuyến với một số sở ban ngành quận huyện để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

“Hiện tại, TP đã thành lập 2 khu cách ly ở huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè với quy mô 500 giường bệnh. Dự kiến nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP sẽ tiếp tục triển khai 2 khu cách ly tập trung với tổng số 21.000 giường, bao gồm: Bệnh viện Ung bướu 1.000 giường và ký túc xá Đại học Quốc gia TP với 20.000 giường. Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, TP phấn đấu, tuyệt đối không để dịch bệnh lây nhiễm cho nhân viên y tế và gia đình”, ông Liêm nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh TP, Giám đốc Đại học Quốc gia TP - PGS.TS Huỳnh Thành Đạt khẳng định, sẵn sàng phối hợp nếu TP muốn trưng dụng cơ sở vật chất phục vụ phòng chống dịch Covid -19 khi tình hình diễn biến phức tạp.

Kết thúc hội nghị, Thành ủy TP đã công bố Chỉ thị số 26 của Ban thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.

Đồng thời, chỉ thị yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch bệnh tại từng đơn vị, địa phương. Thành ủy TP cũng yêu cầu không để dịch bệnh lây lan, vượt quá kả năng phòng, chống dịch của các ngành y tế các quận, huyện và thành phố, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân..

Chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chính thức thu phí không dừng trên quốc lộ 5

Hai trạm thu phí trên tuyến quốc lộ này được bố trí 2 làn thu nằm giữa theo hướng mỗi chiều xe có một làn không dừng.

Các xe đã nạp tiền vào tài khoản giao thông, dán thẻ thu phí tự động (ETag) khi lưu thông vào làn không dừng thì barie tự động mở.

Làn không dừng cũng được bố trí lưu thông cho các xe sử dụng vé tháng, vé quý. Với các xe đã mua vé tháng, khi đi vào làn này, máy nhận diện qua biển kiểm soát để barie tự mở.

Trong ngày đầu thu phí tự động VETC, khá đông xe không dán thẻ ETag vẫn đi vào làn thu phí không dừng dẫn tới ách tắc.

Để đảm bảo giao thông trên tuyến thông suốt, đơn vị quản lý phải bố trí nhân viên phân làn đường từ xa.

Chính thức thu phí không dừng trên quốc lộ 5 từ hôm nay

Giám đốc Ban Quản lý bảo trì và khai thác quốc lộ 5 (Tổng công ty phát triển hạ tầng cà Đầu tư tài chính Việt Nan- VIDIFI) Nguyễn Văn Huỳnh cho biết, mỗi ngày tuyến đường có khoảng 18.000 lượt xe qua mỗi trạm thu phí, trong số này có 30% là vé quý, vé tháng. Do vậy, việc thu phí không dừng sẽ giảm ùn tắc giao thông tại trạm và tiết kiệm thời gian cho chủ xe.

Để phục vụ phương tiện dán thẻ ETag, mỗi trạm thu phí trên quốc lộ 5 bố trí 2 điểm cung cấp dịch vụ của công ty TNHH thu phí tự động VETC, phục vụ việc dán thẻ, mở tài khoản giao thông (miễn phí lần đầu).

Trong tổng số gần 4 triệu xe trên cả nước hiện nay mới chỉ có 8.00.000 xe dán thẻ ETag.

Ông Huỳnh cho rằng cơ quan chức năng cần có biện pháp bắt buộc để tăng số lượng sử dụng dịch vụ thu phí không dừng.

TP.HCM có Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh

Ngày 12/3, UBND TP.HCM ban hành quyết định đổi tên Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị và bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho trung tâm này.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị trực thuộc Sở GTVT TP.HCM. Sau khi đổi tên, trung tâm có thêm chức năng, nhiệm vụ như tổ chức, vận hành khai thác và bảo trì đường bộ trong phạm vi được Sở GTVT thành phố phân cấp. Trung tâm cũng chịu trách nhiệm việc tổ chức quản lý, vận hành hệ thống giám sát và điều khiển giao thông.

Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn được đổi tên thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị.

Ngoài ra, trung tâm cũng quản lý, triển khai ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn thành phố, thực hiện các nhiệm vụ khác do giám đốc Sở GTVT thành phố giao.

TP.HCM giao cho Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thành phố các nhiệm vụ như quản lý và vận hành khai thác đường hầm sông Sài Gòn, quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, điều khiển giao thông.

Ngoài những chức năng, nhiệm vụ cũ, từ nay trung tâm sẽ đảm nhận thêm công tác tổ chức và điều tiết qua hầm trong các trường hợp khẩn cấp; yêu cầu tháo dỡ, giải phóng chướng ngại vật ảnh hưởng đến giám sát giao thông. Đồng thời phối hợp với các cơ quan kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT, bảo vệ công trình giao thông đường bộ, kiểm soát tải trọng tại các trạm kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn thành phố.

Trung tâm này được thành lập vào năm 2010 với tên gọi Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Cho đến năm 2012, TP.HCM quyết định đổi tên thành Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới