Thứ sáu, 29/03/2024 18:32 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/12/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 14/12/2019 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/12/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/12/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Khánh thành Nhà máy Thủy điện 1.400 tỷ đồng tại Quảng Trị

Ngày 13/12, tại thôn Tà Liêng, xã Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị đã tổ chức khánh thành dự án Thủy điện Đakrông 4. Có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ tháng 12/2017.
Dự án Thủy điện Đakrông 4 do Công ty Cổ phần Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị làm chủ đầu tư. Là công trình góp sức để xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền Trung.

Nhà máy Thủy điện Đakrông 4 có 2 tổ máy, tổng công suất 28MW, điện lượng trung bình hàng năm trên 85 triệu Kwh, thiết bị tuabin trục đứng có công nghệ của Châu Âu.

Công trình gồm có các hạng mục chính: Đập dâng nước được làm bằng bê tông vĩnh cửu và đập tràn tự do, chiều cao đập lớn nhất 28 m, tổng chiều dài đập 283 m; đường hầm dẫn nước qua núi và đường ống áp lực dài 3,2 km, đường kính hầm 6,5 m, đường ống áp lực bằng thép có đường kính rộng 6 m. Đường điện đấu nối dài 8km, nối từ trạm của nhà máy hòa với lưới điện quốc gia tuyến Khe Sanh - Tà Rụt.

Cắt băng khánh thành (Ảnh: Cái Văn Long).

Ngoài vốn đầu tư làm Nhà máy Thủy điện Đakrông 4, Công ty cổ phần Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị cải tạo, trải thảm bê tông nhựa tuyến đường từ điểm nối Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào đập chính của công trình.

Qua đó, giúp người dân địa phương mà chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều đi lại được thuận lợi; đồng thời tạo điều kiện cho giao thương, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trong 2 năm xây dựng Nhà máy Thủy điện Đakrông 4, Công ty Cổ phần Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị cũng đã nộp ngân sách gần 60 tỷ đồng.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị, sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, chính quyền các cấp, nhất là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân địa phương đã góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thành nhà máy.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: "Nhà máy thủy điện Đakarông 4 khánh thành với 28MW sẽ góp thêm gần 86 triệu kW vào lưới điện quốc gia và cũng góp phần để trong năm nay chúng ta hoàn thành chương trình phát trên 100 triệu kW điện năng lượng tái tạo”.

Ông Chính nói thêm: “Công trình này thi công nhanh nhất với 1 năm, 9 tháng, đúng như cam kết với tỉnh. Chủ đầu tư trước đây đã được cấp phép đầu tư từ năm 2008 nhưng đến năm 2018 (sau 10 năm) vẫn không hoàn thành, buộc tỉnh phải thu hồi dự án và mời Tập đoàn Sơn Hải vào để thực hiện dự án này. Đây là công trình có kết cấu hạ tầng, đẹp nhất, trong quá trình đầu tư Tập đoàn Sơn Hải đã hỗ trợ 500 triệu tiền mặt cho bà con 3 xã trong vùng dự án là xã Đakarông, Tà Long và Ba Nang. Hi vọng trong tương lai Tập đoàn Sơn Hải sẽ là nhà sản xuất điện lớn nhất tỉnh Quảng Trị”.

Hà Nội triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06/2015 của HĐND TP Hà Nội về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, với nhiều giải pháp, Hà Nội đã xử lý được 55 điểm ùn tắc - chỉ tiêu đặt ra là giảm tối thiếu 40 điểm.

Theo báo cáo của UBND TP gửi tới kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa 15 về việc thực hiện Nghị quyết 06, tình hình TNGT trên địa bàn có trọng tâm, trọng điểm, có phân công, phân nhiệm rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ động triển khai thực hiện đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo.

TP đã ưu tiên bố trí các nguồn lực (vốn, cơ chế chính sách...) để thực hiện chương trình một cách thuận lợi và có hiệu quả. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, kết quả đạt được được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao như nhiều nút, tuyến đường trước đây từng là điểm nóng về tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) đã cơ bản giải quyết được tình trạng UTGT như nút cầu vượt nút giao Cổ Linh; cầu vượt Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái; cầu vượt nút giao An Dương...

Việc phân luồng, xử lý vi phạm ATGT là một biện pháp giảm thiểu UTGT hiệu quả. Ảnh: V.H

Các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2012-2015 đến nay cơ bản hoàn thành, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu UTGT trên địa bàn TP; các dự án mới trong giai đoạn 2016-2020 hiện triển khai chậm, chưa đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra.

Hàng năm đều giảm cả 3 chỉ tiêu về số vụ, số người chết, số người bị thương so với các năm trước. So sánh thời điểm 10 tháng đầu năm 2019 với thời điểm năm 2015, TNGT giảm 637 vụ, giảm 189 người chết, giảm 743 người bị thương. Bình quân mỗi năm, giảm 127 vụ (7,49%), giảm 38 người chết (6,31%), giảm 149 người bị thương (10,41%). Việc giảm tai nạn giao thông hàng năm đạt so với chỉ tiêu đặt ra là giảm 5%-10% hàng năm trên cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức thấp.

Từ năm 2016 đến nay đã xử lý được 55 điểm UTGT là đạt so với yêu cầu chỉ tiêu (đến cuối năm 2020 giảm tối thiểu 40 điểm UTGT). Tuy nhiên do lưu lượng giao thông tăng nhanh lại phát sinh nhiều điểm ùn tắc mới cần tiếp tục xử lý để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm thiểu tình trạng UTGT trên địa bàn TP.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này, UBND TP đã triển khai nhiều giải pháp như ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông vận tải (triển khai phần mềm Govone trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến buýt BRT; đang tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống bản đồ kỹ thuật số hiển thị tình trạng giao thông theo thời gian thực; đang triển khai xây dựng tiêu chí lắp đặt camera trên địa bàn TP để triển khai lắp đặt đồng bộ…).

Nghiên cứu, rà soát các tuyến đường, các nút giao thông có tình trạng UTGT hoặc có nguy cơ xảy ra ùn tắc cũng như mất an toàn giao thông để phân loại và có giải pháp cải tạo, sửa chữa hoặc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông độc lập: Trong 3,5 năm đã sửa chữa 36 tuyến đường, lắp đặt 112 nút đèn tín hiệu giao thông…

Cùng đó, đã tiến hành cải tạo, sửa chữa mặt đường, vỉa hè tại 17 vị trí nút giao, tuyến đường; 5 vị trí giao cắt với đường sắt; cải tạo chỉnh trang 6 tuyến đường để nâng cao năng lực thông hành, giảm UTGT theo đúng nội dung Chương trình.

Ngoài ra, UBND TP đã ban hành danh mục và thực hiện việc giải tỏa, thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện trên 231 tuyến phố không bố trí các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn. Công tác tuần tra kiểm soát để hướng dẫn, phân luồng, giải tỏa chống lấn chiếm tại các nút thường xảy ra UTGT, các công trình trọng điểm đang thi công trên địa bàn TP được thực hiện thường xuyên, liên tục góp phần đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu UTGT.

Đặc biệt, TP đã triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông có vai trò giảm UTGT với 10 dự án, trong đó đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 7 công trình; đã hoàn thành nhiều dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng phục vụ đối ngoại kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khung của khu vực đô thị trung tâm, giải quyết bức xúc dân sinh, giảm UTGT.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại như: Nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn chậm triển khai và chưa hoàn thành đúng tiến độ ảnh hưởng đến mục tiêu chung giảm thiếu UTGT trên địa bàn Thủ đô; công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT còn chưa thường xuyên, quyết liệt; lực lượng kiểm tra xử lý vi phạm còn mỏng, thẩm quyền xử lý của các lực lượng còn bất cập, mức xử lý vi phạm đối với một số hành vi vi phạm còn thấp, chưa đủ tính răn đe.

Năm 2020 TP sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình trọng điểm, các tuyến đường sắt đô thị; tập trung cho công tác tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, giám sát, điều hành giao thông; tiếp tục đầu tư, mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vận tải.

Xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu dân cư

Đơn kiến nghị của nhiều bạn đọc ở TT12, Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, (quận Hà Đông, Hà Nội), phản ánh: “Cơ sở chế biến thực phẩm HNF FOODS tại số nhà 6, dãy TT12 vi phạm quy định về những ngành nghề cấm sản xuất chế biến thực phẩm trong khu dân cư. Cụ thể, HNF FOODS sản xuất kim chi, giò, chả… thương mại với số lượng lớn. Động cơ máy chế biến và máy làm mát thực phẩm gây tiếng ồn, ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình. Nước lẫn rác thải ra gây tắc đường cống thoát nước; rác thải vứt bừa bãi khắp nơi, bốc mùi hôi nồng nặc. Hằng ngày, nhiều người đến nhập hàng, xuất hàng hóa gây ồn ào, mất trật tự khu dân cư… Trong đăng ký kinh doanh của HNF FOODS là số nhà 83, ngõ 92, đường Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), nhưng thực tế lại kinh doanh và sản xuất tại số nhà 6, TT12, Khu đô thị Văn Phú. Đây có thể là hành vi né tránh kiểm tra của các cấp chính quyền…”.

Dẫn chúng tôi ra sân sau, sát nơi để các máy móc của HNF FOODS đang hoạt động, bà Lý Thị Duyên, ở dãy TT12, phường Phú La chia sẻ: “Hằng ngày, tiếng máy móc của cơ sở phát ra rất to khiến cả gia đình tôi mất ăn, mất ngủ. Mấy thanh niên có sức khỏe còn chịu được chứ những người cao tuổi, trẻ nhỏ sống ở đây cứ như bị “tra tấn” đến đinh tai, nhức óc. Bên cạnh đó, rác thải sau khi chế biến thực phẩm vứt bừa bãi, chất đống ngoài đường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều bệnh tật truyền nhiễm. Các xe máy, ô-tô đến lấy hàng thì để bừa bãi, cản trở lối đi. Nhiều hộ dân ở đây không chịu được cảnh ô nhiễm đã phải bán nhà hoặc sang phường khác thuê nhà để ở…”. Cùng chung ý kiến với bà Duyên, ông Nguyễn Tuấn Cương, ở phường Phú La, cho biết thêm: “Nhà tôi ở gần công ty này cho nên mỗi khi qua đây, chúng tôi phải bịt mũi, nín thở bởi mùi rác rưởi, mùi nước thải bốc lên hôi nồng nặc. Để tránh mùi hôi tanh xộc vào nhà, mỗi khi ăn cơm trưa hoặc cơm tối, chúng tôi phải đóng cửa, bật điều hòa. Những hôm trời mưa thì đỡ mùi, hôm nào trời nắng, oi bức thì rất khó chịu…”.

Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND phường Phú La Nguyễn Văn Chính, chúng tôi được biết: Công ty HNF FOODS được thành lập từ năm 2014 và có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do các cơ quan chức năng cấp. Về các nội dung người dân ở dãy TT12, Khu đô thị Văn Phú phản ánh HNF FOODS gây ô nhiễm môi trường là hoàn toàn đúng. Sau khi nhận được các đơn kiến nghị của người dân, lãnh đạo phường Phú La và quận Hà Đông đã tổ chức cuộc họp giữa đại diện chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể, người dân và đại diện HNF FOODS. Tại cuộc họp ngày 4-10-2019, đại diện công ty thừa nhận tiếng ồn lớn là do hệ thống điều hòa đã cũ. Về lượng rác thải của Công ty thải ra hằng ngày thì từ tháng 1 đến tháng 7-2019 do Ban Quản lý dự án Khu đô thị Văn Phú chịu trách nhiệm thu gom. Từ tháng 8-2019 đến nay, do chưa ký hợp đồng thu gom rác với công ty môi trường cho nên HNF FOODS tự thu gom rác hằng ngày. Kết luận cuộc họp, đại diện chính quyền phường Phú La và các ban, ngành quận Hà Đông đã yêu cầu HNF FOODS khẩn trương khắc phục các tồn tại về tiếng ồn, mùi rác và nước thải, phương tiện vận chuyển trước ngày 15-10-2019; đến ngày 31-12-2019, HNF FOODS phải di chuyển cơ sở sản xuất sang địa điểm khác xa khu dân cư. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo công ty lại nêu lên một số khó khăn, vướng mắc và xin lùi việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đến ngày 31-12-2020.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Chính, sau buổi họp nêu trên, lãnh đạo UBND phường đã gửi hai công văn đến UBND quận Hà Đông và Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông để báo cáo về sự việc nêu trên; kết quả khắc phục; kiến nghị phương án giải quyết; nhất là việc HNF FOODS chưa cung cấp được hồ sơ liên quan kế hoạch cam kết bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo phường cũng chưa nhận được các văn bản trả lời chính thức từ phía UBND quận và Phòng Tài nguyên và Môi trường quận.

Vừa qua, Phó Giám đốc HNF FOODS Vũ Doãn Duy cũng gửi Văn bản số 02/BC-HNF ngày 20-11-2019 báo cáo lãnh đạo phường Phú La về kết quả giải quyết những nội dung phản ánh của người dân liên quan công ty. Tuy nhiên, trong báo cáo này, những thông tin về quy trình xử lý nước thải không được nhắc đến. Kế hoạch cam kết bảo vệ môi trường đang chờ hướng dẫn từ Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông. Vừa qua, khi chúng tôi đến khu dân cư xác minh theo đơn thư của bạn đọc phản ánh thì thấy nhiều túi rác thải được chất đống đối diện cửa công ty này, tràn cả xuống đường. Tiếng máy móc sản xuất, chế biến thực phẩm kêu rất to. Rác thải, nước thải lẫn váng mỡ động vật bốc mùi hôi nồng nặc. Thậm chí, nhà số 7, TT12 (ngay sát công ty) còn được đơn vị thuê thêm để mở rộng diện tích sản xuất, chế biến thực phẩm…

Trước những thông tin phản ánh của bạn đọc liên quan HNF FOODS, đề nghị các ban, ngành phường Phú La và quận Hà Đông điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những vi phạm nêu trên theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sớm di dời cơ sở này ra khỏi địa bàn khu dân cư TT12 của phường Phú La.

Hà Nội cải tạo 46 công trình giao thông phục vụ Tết Canh Tý 2020

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về việc phê duyệt danh mục các công trình cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc trên địa bàn Thành phố sử dụng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ Hà Nội năm 2019, Sở này sẽ tổ chức thi công cải tạo, sửa chữa, xén dải phân cách mở rộng mặt đường 46 tuyến đường giao thông trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội sẽ lên kế hoạch kéo giảm thêm các điểm ùn tắc trên toàn thành phố vào năm 2020

Cụ thể, Sở Giao thông vận tải sẽ thực hiện xén dải phân cách mở rộng mặt đường kết hợp chỉnh trang cây xanh, thảm cỏ trên dải phân cách đường Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy), đường Liễu Giai, Văn Cao (quận Ba Đình); cải tạo, sửa chữa đường phố Tràng Tiền, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm). Cải tạo, sửa chữa đường Quốc lộ 21B đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn huyện Thanh Oai, Ứng Hòa; Quốc lộ 32 qua địa phận thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì; Quốc lộ 3 thuộc địa phận huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn;...

Ngoài ra, bước vào năm 2020, Hà Nội sẽ lên kế hoạch kéo giảm thêm các điểm ùn tắc trên toàn thành phố. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, đến giữa năm 2019, các cơ quan, đơn vị của thành phố đã tập trung xử lý dứt điểm được 6/33 "điểm đen" ùn tắc gồm: Láng - Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Khang - cầu 361; cầu Mọc; khu vực đường vành đai 3 trên cao - Pháp Vân - Giải Phóng; Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ; Ngõ 80, 82, 84 Chùa Láng.

Để xóa các "điểm đen" ùn tắc này, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, trong đó có tổ chức thực hiện bổ sung nhiều biển báo, gờ giảm tốc, điều chỉnh chu kỳ đèn đối với 15/21 điểm. Đồng thời triển khai lắp đặt thiết bị rada tại 2 nút giao thông Trung Kính - Mạc Thái Tổ và Phạm Văn Bạch - Dương Đình Nghệ phục vụ công tác thu thập thông tin tín hiệu tại các nút giao thông điển hình.

Đáng lưu ý, thời gian qua Hà Nội đã hoàn thành 23/30 công trình giao thông, góp phần giảm tải cho nhiều khu vực. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận tổ chức rà soát, đề xuất danh mục xén dải phân cách, cải tạo đảo giao thông, di chuyển cây xanh trên địa bàn 12 quận với tổng số 15 tuyến đường, 5 đảo giao thông, 7 hầm chui dân sinh, 3 nút giao thông để tổ chức giao thông.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp xử lý 27 điểm ùn tắc và chủ động phát hiện sớm, xử lý các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông mới phát sinh. Hà Nội cũng triển khai xây dựng phương án thu hẹp dải phân cách, cải tạo đảo giao thông trên nhiều tuyến đường khác; xây dựng các cầu qua sông Tô Lịch, cầu đi bộ trên đường Láng để tiếp tục giảm áp lực giao thông, xóa sổ các "điểm đen" ùn tắc trên địa bàn.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới