Thứ sáu, 26/04/2024 05:20 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/2/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 14/02/2020 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/2/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/2/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp

Chính thức thu phí tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn từ ngày 18/2

Chiều 13/2, đại diện Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thông tin, từ 0h ngày 18/2, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ bắt đầu thu phí chính thức sau hơn một tháng vận hành miễn phí.

Ông Vũ Minh Hoàng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang -Lạng Sơn cho biết tuyến cao tốc này sẽ áp dụng hình thức thu phí kín, chủ phương tiện trả tiền theo quãng đường sử dụng, mức phí được áp dụng cho từng loại xe.

Cụ thể, loại xe nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) có mức phí thấp nhất 2.100 đồng/km; mức phí cao nhất áp dụng cho loại xe nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet) là 8.100 đồng/km.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chính thức thu phí từ ngày 18/2. Ảnh: Dân Việt

Cũng theo ông Vũ Minh Hoàng, với mức phí đang áp dụng, nhà đầu tư thu cả hai tuyến nâng cấp Quốc lộ 1 và tuyến cao tốc, dòng tiền của dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn vẫn âm khoảng 5.000 tỷ đồng trong 9 năm đầu khai thác so với phương án tài chính ban đầu.

Được biết, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gồm 2 hợp phần: Hợp phần QL1 (tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500) với chiều dài 110 km; Hợp phần cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500) với chiều dài 64 km. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 12.189 tỷ đồng.

Từ 0h ngày 15/1, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã đưa Dự án vào khai thác vận hành miễn phí phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết Canh Tý trong thời gian 30 ngày, để phương tiện tham gia giao thông đánh giá giá, chất lượng của tuyến đường, đồng thời để Nhà đầu tư đánh giá lại hệ thống khai thác vận hành trên tuyến cao tốc.

Nghiên cứu cập nhật tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang vào quy hoạch

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trước đó, cử tri tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư nâng cấp Quốc lộ 26, Quốc lộ 27 lên quy mô đường cấp III miền núi; xem xét bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột đi Nha Trang và sớm tiến hành đầu tư xây dựng giai đoạn 2021 – 2025.

Trả lời các vấn đề liên quan đến kiến nghị trên, Bộ GTVT cho biết, về việc nâng cấp tuyến Quốc lộ 26 qua địa bàn Đắk Lắk, Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, rà soát hiện trạng, trong trường hợp cần thiết báo cáo Bộ xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ công tác duy tu, sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông. Đối với Quốc lộ 27, dự kiến sẽ đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Tỉnh Đắk Lắk rất cần đường cao tốc nối với Nha Trang để tạo động lực phát triển.

Về quy hoạch tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột đi Nha Trang, Bộ GTVT sẽ phối hợp với địa phương để nghiên cứu, cập nhật bổ sung tuyến này vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030 làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Trong năm 2019, trong các buổi làm việc với lãnh đạo Trung ương, Bộ và các sở ngành, ông Bùi Văn Cường – Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định, một trong những chủ trương đột phá vừa thúc đẩy phát triển du lịch và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chính là việc sớm xây dựng cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, từ TP Buôn Ma Thuột đến TP Nha Trang chỉ hơn 180 km mà mất từ 6 đến 8 tiếng, do phải đi qua những con đường gấp khúc, nhỏ hẹp. Quốc lộ 26 hiện nay xe Conteiner 20 feet thì đi được, nhưng 40 feet thì không thể đi được. Vì vậy cần phải xây dựng cho được tuyến đường cao tốc, nối hai địa phương Đắk Lắk – Khánh Hòa, tuyến cao tốc này sẽ giúp kinh tế-xã hội của nhiều địa phương phát triển mạnh hơn.

TP.HCM thúc tiến độ thi công nhiều công trình văn hóa trọng điểm

Ngày 13/2, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP vừa yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án cấp bách, công trình trọng điểm văn hóa đã được thông qua chủ trương đầu tư, gắn với chủ đề năm 2020.

Theo đó, chính quyền hối thúc tiến độ thực hiện các công trình văn hóa trọng điểm như Bảo tàng TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng-nhạc-vũ kịch, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật đa năng, Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, một số dự án thuộc khu đô thị thông minh...

Đối với những dự án chậm tiến độ, tổ công tác cần theo dõi sâu sát, đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng.

Phối cảnh Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng - Ảnh: Internet

Đáng chú ý, về phương thức đầu tư khu chức năng số 19 tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, UBND TP.HCM cũng giao các cơ quan chức năng phân chia khu này thành nhiều dự án thành phần để tính chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng, kể cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; tổ chức đấu thầu các dự án thành phần này để lựa chọn nhà đầu tư.

Đồng thời, UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 đối với khu đất số 765 và 751/8 đường Hồng Bàng, phường 6, quận 6 theo hướng giữ nguyên quy mô dân số theo quy hoạch được duyệt; tăng hệ số sử dụng đất toàn khu lên 9.0, trong đó hệ số tăng thêm chỉ được bố trí chức năng thương mại - dịch vụ.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng chấp thuận tách phần diện tích đất dự án khu nhà ở Doxaco và dự án trạm xăng dầu Nguyễn Văn Linh ra khỏi kế hoạch đấu thầu toàn khu chức năng số 19.

Dự án mở rộng Cảng Đồng Nai giai đoạn 2B có vốn đầu tư gần 370 tỷ đồng

Sáng 13/2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã làm việc với Công ty CP Cảng Đồng Nai, TP.Biên Hòa và các sở, ngành về dự án mở rộng Cảng Đồng Nai giai đoạn 2B tại phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa.

Quang cảnh buổi làm việc

Với quy mô gần 5,5 hecta, dự án sẽ mở rộng kho bãi, hệ thống giao thông trong nội bộ cảng, kết nối với Xa lộ Hà Nội ở phía Bắc, kết nối với quốc lộ 51 thông qua đường Châu Văn Lồng ở phía Nam. Dự án do Công ty CP Cảng Đồng Nai đề xuất, có vốn đầu tư gần 370 tỷ đồng, nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa của Cảng Đồng Nai, với trọng tâm là khai thác hàng container, giữ vững vai trò của Cảng Đồng Nai trong việc tiếp chuyển hàng hóa đến các KCN trong tỉnh và vùng phụ cận.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định việc mở rộng Cảng Đồng Nai là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, dự án đang bị chậm do một số vướng mắc về quy hoạch. Do đó, TP. Biên Hòa cần sớm hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo chủ trương của UBND tỉnh, trong đó bao gồm vị trí khu vực các dự án của Công ty CP Cảng Đồng Nai. Việc này cần được hoàn thành trong tháng 3 tới để dự án sớm triển khai.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 14/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.