Thứ năm, 18/04/2024 20:13 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/6/2020

MTĐT -  Thứ hai, 15/06/2020 10:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/6/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/6/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Huyện Bình Lục đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 13/6, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam long trọng tổ chức lễ đón nhận Huân chương lao động hạng Ba và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
Báo cáo về kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Chủ tịch UBND huyện Bình Lục Trần Xuân Dũng cho biết, xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện Bình Lục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đến nay, huyện Bình Lục có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Huyện không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng, huyện Bình Lục đã huy động trên 1.645 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 386 tỷ đồng. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp.

Huyện Bình Lục có 100% tuyến đường huyện và các xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn, xóm, đường ngõ xóm được bê tông hóa và đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Huyện đã đầu tư kiên cố hóa được gần 114km kênh mương; xây dựng mới gần 590 phòng học, phòng chức năng; xây dựng mới 12 trạm y tế và nâng cấp 6 trạm y tế; xây dựng các nhà văn hóa, khu trung tâm văn hóa - thể thao…

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Lục.

Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đời sống, văn hóa, huyện Bình Lục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất mới, hiệu quả cao, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết trong sản xuất… Từ đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện từ 11,5 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 46,21 triệu đồng năm 2019. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 3,56%.

Với những thành tích đạt được, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định công nhận huyện Bình Lục đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông biểu dương, chúc mừng thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Lục đã đạt được trong việc thực hiện phòng trào xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đề nghị, trong thời gian tới, huyện Bình Lục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu và đến năm 2025 có từ 3 - 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện tập trung huy động nguồn vốn đầu tư, nâng cấp đồng bộ các tuyến đường giao thông, hệ thống công trình thủy lợi; khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất; phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 -2025; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn để giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện cũng đẩy mạnh thực hiện phòng trào “Toàn đân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới; quan tâm thực hiện đến công tác bảo vệ môi trường; củng cố nâng cao phẩm chất, trình độ của đội ngũ giáo viên, đội ngũ y, bác sỹ; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, duy trì chỉ số cải cách hành chính đứng tốp đầu của tỉnh…

Nhân dịp này, UBND tỉnh Hà Nam tặng Cờ thi đua cho nhân dân và cán bộ huyện Bình Lục; tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới.

Thanh Hoá phê duyệt Liên danh trúng thầu dự án Khu đô thị gần 13 nghìn tỷ đồng

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa (bên mời thầu) tổ chức triển khai các bước công việc tiếp theo để lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Bên cạnh đó, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp; Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa thực hiện. Đồng thời, thực hiện những nội dung công việc thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Dự án Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và xã Hoằng Long có tổng diện tích 1.759.963m2, trong đó diện tích đất ở là 505.208m2, diện tích đất công cộng là 43.512m2, diện tích đất xây dựng công trình hỗn hợp là 139.824 m2, diện tích đất giáo dục là 25.308 m2, diện tích đất cây xanh là 186.734m2. Tổng chi phí thực hiện dự án lên đến 12.727 tỷ đồng.

Trụ sở Eurowindow Holding số 2 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội (Nguồn: EWH)

Được biết, dự án này được phê duyệt quy hoạch 1/500 vào hồi tháng 9/2019 có quy mô 292ha. Như vậy, so với quy hoạch được phê duyệt thì hiện diện tích dự án bị giảm mạnh, tức là chỉ bằng 60% quy mô ban đầu.

Eurowindow Holding (EWH) được thành lập vào tháng 3/2007. Doanh nghiệp này quản lý phần vốn đầu tư dưới dạng cổ phần tại các Công ty thành viên, Công ty sở hữu gián tiếp và khoản đầu tư tài chính vào một nhà băng tư nhân trong nước. EWH sở hữu nhiều tổ hợp nghỉ dưỡng dọc bờ biển miền Trung và nắm trong tay loạt dự án bất động sản ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.

Cũng tại Thanh Hóa, EWH đang triển khai dự án Eurowindow Park City có quy mô 6,7ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng tại ngã tư vòng xuyến chim Hồng Hạc có vị trí đắc địa với mặt tiền là hai đại lộ lớn Nguyễn Hoàng và Hùng Vương.

Công ty Cổ phần Xây dựng và Quản lý dự án số 1 (PCM1) được thành lập ngày 30/7/2010, trụ sở chính tại tầng 5 tòa nhà Thành Công, số 57 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động kinh doanh bất động sản. Đầu tháng 2/2020, PCM1 tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT hiện tại của Công ty này là bà Đoàn Thị Thanh Thủy (SN 1978), thay thế ông Phạm Anh Tuấn (SN 1976) vào ngày 29/5/2020.

PCM1 từng là nhà thầu xây dựng dự án tại số 2 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội nay là tòa nhà trụ sở của EWH. Bên cạnh đó, Công ty này còn quản lý các dự án như: Movenpick Resort Cam Ranh, Radisson Blu Resort Cam Ranh, Eurowindow Garden City, Eurowindow River Park.

Phê duyệt mở rộng KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600 lên 2.870 ha

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định số 826/QĐ-TTg với nội dung phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ, TP.HCM tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Cụ thể, Phó thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tên tự án từ "Hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ" thành "Đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ".

Quy mô dự án được điều chỉnh mở rộng từ 600 ha lên thành 2.870 ha.

Dự án có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).

Thời gian thực hiện dự án là 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, phần diện tích biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư có thời hạn thực hiện 50 năm kể từ ngày 11/7/2007. Tiến độ thực hiện dự án là 11 năm kể từ ngày được quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Dự án được thực hiện với mục tiêu xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn...

Về tổ chức thực hiện, dự án do Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Thủ tướng chỉ đạo chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án phải đảm bảo các vấn đề liên quan, trong đó có các nội dung bảo vệ môi trường, tổ chức triển khai thực hiện, quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật.

UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện về quy hoạch mở rộng dự án, việc giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất đúng quy định đảm bảo không thất thu ngân sách Nhà nước, chuyển mục đích sử dụng đất cho chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Xây dựng thành phố Huế trở thành Cycling City

Thành phố Huế đang từng bước khẳng định là đô thị văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Theo đó, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức hội thảo “Huế, thành phố xe đạp - bản sắc cộng đồng và hình ảnh thành phố đạp xe thân thiện với môi trường”.

Toàn cảnh thành phố Huế nhìn từ trên cao.

Hội thảo này nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong nước và trên thế giới về định hướng phát triển xây dựng thành phố Huế trở thành “Thành phố xe đạp” (Cycling City).

Việc đầu tư phát triển các tuyến đạp xe với nhiều mục tiêu khác nhau đã có được nhiều tác động tích cực, đóng vai trò là một công cụ thúc đẩy gia tăng chất lượng sức khỏe cộng đồng, môi trường và hoạt động kinh tế trong tương lai. Việc xây dựng Cycling City, quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe đạp là tầm nhìn phát triển phù hợp với thành phố Huế.

Tại hội thảo, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh đã thể hiện rõ nét con đường, định hướng phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới.

“Để xây dựng thành phố thông minh không phải bắt đầu từ những trang thiết bị hay công nghệ, mà trước hết là thông minh trong cách thức chúng ta lựa chọn đường lối, phong cách sống của mình. Những lựa chọn nào đó tôn trọng tự nhiên nhất, ít tác động đến tự nhiên nhất thì chúng tôi cho rằng đó là lựa chọn thông minh. Vì vậy, việc đi xe đạp là hướng đến mục tiêu như vậy”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khẳng định, xe đạp sẽ làm thay đổi cách thức con người tương tác với nhau, xã hội, tự nhiên và với chính bản thân mình. Mối quan hệ con người chúng ta trong xã hội sẽ gần gũi hơn so với việc sử dụng xe máy, ôtô như hiện nay.

Ông Fred Yound - Giám đốc điều hành Công ty Alta Go Planning Company khu vực Đông Nam Á nhận định: Huế là một trong những thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đi xe đạp trong người dân cũng như khách du lịch. Nhất là người đi xe đạp có thể trải nghiệm được văn hóa Huế, các địa điểm di tích chỉ với khoảng cách 9km từ trung tâm thành phố Huế đến các khu du lịch ngoại vi thành phố. Với chặng đường như vậy, người dân và du khách còn có thể giúp gia tăng sức khỏe và cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn và thân thiện với môi trường.
Bà Bùi Thu Hiền - Đồng sáng lập Trung tâm Kết nối thông minh (SICC) cho hay, việc hình thành các chương trình, sự kiện đạp xe sẽ giúp tăng cường số lượng người thường xuyên đạp xe và người ít đạp xe. Giảm tắc nghẽn giao thông và cải thiện chất lượng không khí, môi trường cũng như tăng cường sức khỏe, thể lực cho người dân. Đồng thời thông qua các sự kiện đạp xe sẽ giúp phát triển, củng cố bản sắc văn hóa, phục hồi và đa dạng hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi nhằm chia sẻ các kinh nghiệm phát triển thành phố xe đạp trên thế giới, các công cụ về kỹ thuật, quy hoạch và phát triển các dự án hạ tầng xe đạp và thúc đẩy tạo ra sự thay đổi trong thói quen sử dụng phương tiện giao thông, chuyển đổi từ sử dụng các phương tiện có phát thải khí CO2 sang sử dụng xe đạp trong hoạt động thương mại, du lịch và đi lại hàng ngày.

Thời gian gần đây, thành phố Huế đang tiến hành chỉnh trang các tuyến phố chính bao gồm cả vỉa hè và kẻ lại vạch trên lề để đảm bảo cho kết nối các tuyến xe đạp nhằm hướng đến phát triển các phong trào, tạo động lực cho người dân tham gia giao thông bằng xe đạp một cách tự nhiên. Ngoài ra, thành phố Huế cũng đang tập trung đầu tư các tuyến đường đi bộ kết nối dọc hai bờ sông Hương tạo một điểm nhấn mới cho du khách, người dân khi đi dọc sông Hương. Phấn đấu, Huế là thành phố đầu tiên triển khai có hiệu quả vấn đề này, từ đó làm thay đổi, nâng cao văn hóa giao thông trong mỗi người dân, du khách khi đến Huế.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.