Thứ sáu, 29/03/2024 12:43 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 16/09/2019

MTĐT -  Thứ hai, 16/09/2019 09:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 16/9/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 16/9/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Chuẩn bị thu phí quốc lộ 26

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đề nghị UBND 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa phối hợp trong việc tổ chức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn cho dự án xây dựng tuyến tránh thị xã Ninh Hòa và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 26 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo Bộ GTVT, dự án tuyến tránh thị xã Ninh Hòa và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 26 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk với tổng chiều dài 18km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 3-7-2017. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, nhà đầu tư chưa thể triển khai thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn cho dự án do gặp phải sự phản đối của người dân địa phương.

Trên cơ sở kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và đề nghị của các địa phương, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư bổ sung dự án thêm 28km nữa từ nguồn vốn còn dư của dự án. Dự án đầu tư bổ sung này cũng đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 13-8-2019. Trong quá trình điều chỉnh dự án, Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến của các địa phương về quy mô đầu tư, vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí, thời gian hoàn vốn, thời gian bắt đầu thu phí... và đều nhận được sự thống nhất cao.

Hiện nhà đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ các loại vé, đáp ứng đủ điều kiện để triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho dự án. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị chức năng giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, có các biện pháp xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội để đảm bảo hoạt động thu phí diễn ra an toàn, giao thông thông suốt.

Sáng nay, khởi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Sáng nay (16/9), tại Quảng Trị, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ khởi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Đây là dự án khởi công đầu tiên trong 11 dự án thành phần cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1291 ngày 19/6/2018. Dự án có tổng chiều dài gần 100km, điểm đầu tại Cam Lộ (Quảng Trị) qua các địa phận TP Đông Hà, TX Quảng Trị, huyện Triệu Phong, Hải Lăng, đến các địa phương Thừa Thiên - Huế: Phong Điền, TX Hương Trà, TX Hương Thủy và điểm cuối tại La Sơn (Phú Lộc).

Một đoạn cao tốc La Sơn - Tuý Loan kết nối với tuyến Cam Lộ - La Sơn sắp được khởi công xây dựng

Theo phê duyệt, giai đoạn đầu dự án có mặt cắt ngang với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 12m. Riêng các đoạn nền đường đào sâu có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 23m; Các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền B= 7,5m x 2 (mặt đường) + 1,5m (dải phân cách) + 2.5m x 2 (dải dừng xe khẩn cấp) + 0,75m x 2 (lề đường) = 23m.

Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí GPMB khoảng 434 tỷ đồng…

Thời gian qua, các đơn vị chức năng thuộc Bộ GTVT đã phối hợp các địa phương nỗ lực đẩy nhanh các công tác chuẩn bị hồ sơ, tư vấn thiết kế, GPMB, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp… triển khai dự án. Đến nay, cả hai địa phương Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm và đang vào giai đoạn áp giá đền bù, GPMB thực địa. Đặc biệt, Quảng Trị tiên phong bàn giao hơn 10km mặt bằng cho đơn vị triển khai dự án.

Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường HCM cho biết, Ban đã chủ động phối hợp với địa phương tháo gỡ vấn đề mặt bằng, đồng thời tổ chức bộ máy quản lý, điều hành ngay tại hiện trường dự án... để đưa công trình khởi công sau thời gian chuẩn bị ngắn nhất. Việc thi công được giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng để đảm bảo thời hạn triển khai theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Dự kiến đến đầu năm 2020, tất cả các gói thầu trên tuyến sẽ triển khai đồng bộ. Mục tiêu sau 2 năm, dự án Cam Lộ - La Sơn hoàn thành, hình hài tuyến cao tốc nối Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế và kết nối liên hoàn với cao tốc La Sơn - Túy Loan (sẵn sàng thông xe), cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đang khai thác), tạo “trục động lực” xuyên miền Trung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và liên vùng…

Hiệp hội vận tải Hải Phòng kiến nghị giảm phí đường bộ cho đầu kéo, sơmi rơmooc

Đó là một trong những kiến nghị của Hiệp hội vận tải Hàng hóa đường bộ Hải Phòng cùng một số đơn vị hội viên trước khó khăn của doanh nghiệp vận tải.

Theo đó, Hiệp hội vận tải Hải Phòng có 3 đề xuất trọng tâm như sau: Đề xuất giảm phí sử dụng đường bộ (tiền vé) cho các phương tiện đầu kéo, sơmi rơmooc trên các tuyến đường cao tốc và các đường giao thông khác vì hiện nay tiền vé quá cao, giá vé đi cao tốc gấp đôi giá vé bình thường. Đề xuất thứ 2 là cần phải xóa bỏ hoàn toàn việc thu phí bảo trì đường bộ để giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp. Thứ 3 là đẩy mạnh tiến trình hoạt động của các trạm thu phí điện tử không dừng.

Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho rằng, hiện nay, phí sử dụng đường bộ (tiền vé) cho các phương tiện đầu kéo, sơmi rơmooc trên các tuyến đường cao tốc quá cao.

Được biết trước đó, đã rất nhiều lần Hiệp hội vận tải Hải Phòng có văn bản gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị bỏ thu phí bảo trì đường bộ vì phí chồng phí.

Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, các phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18/2012 của Chính phủ. Quỹ này quy định các tuyến đường được đầu tư bằng ngân sách nhà nước (trong đó có QL5) không được thu phí BOT vì các xe khi đi đăng kiểm đã nộp phí bảo trì đường bộ. Đó là với phương án Nhà nước giữ nguyên việc thu phí bảo trì đường bộ. Nếu Nhà nước vẫn kiên quyết cho các nhà đầu tư thu phí QL5 tại 2 trạm thu phí như hiện nay thì doanh nghiệp vận tải Hải Phòng đề nghị Thủ tướng bãi bỏ phí đường bộ.

Theo ông Tiến, tại Công ty vận tải và thương mại Hà Anh (Hải Phòng) hiện có 50 đầu xe đầu kéo. Mỗi năm công ty này đóng gần 1 tỷ tiền phí bảo trì đường bộ. Thế nhưng khi lưu thông trên QL5 công ty này tiếp tục đóng thêm phí qua trạm khoảng gần 2 tỷ/năm. Doanh nghiệp phải đóng 2 lần phí cho cùng một hạng mục thì vô lý.

Theo kiến nghị của Hiệp hội vận tải Hải Phòng, mặc dù Chính phủ đã có chủ trương về việc xóa bỏ quỹ bảo trì đường bộ, tuy nhiên thực chất các phương tiện khi đi đăng kiểm vẫn phải nộp phí. Do vậy, cần phải xóa bỏ hoàn toàn việc thu phí bảo trì đường bộ để giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp.

Dù đã nhận thông báo về chủ trương thu phí điện tử từ nhiều năm nay nhưng theo thực tế rất ít trạm được triển khai và đi vào hoạt động. Hơn nữa, tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa mặn mà.

Ông Đặng Thế Phương – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho biết, hiện nay việc thu phí điện tử không dùng vẫn chưa được thực hiện rộng rãi như chủ trương đã thông báo trước đó. Trong khi phương án này không chỉ giúp minh bạch hoạt động thu phí mà còn hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe tại các trạm thu phí. Vì vậy, Hiệp hội vận tải Hải Phòng cùng các doanh nghiệp vận tải Hải Phòng đề nghị đẩy mạnh tiến trình hoạt động của các trạm thu phí điện tử không dừng.

Vấn đề này Hiệp hội vận tải Hải Phòng kiến nghị với các cơ quan nhà nước như sau: Thay vì phải mua thẻ qua tài khoản của cơ quan chủ quản là Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) mà thẻ sẽ được dùng là tài khoản của doanh nghiệp. Thẻ dùng tới đâu sẽ khấu trừ vào tài khoản của doanh nghiệp tới đó, tránh tình trạng số dư trong tài khoản chưa sử dụng hết sẽ nằm lại trong tài khoản của Công ty dịch vụ VETC, ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, mỗi xe nên sử dụng 1 thẻ tránh tình trạng 1 xe khi tham gia giao thông trên nhiều tuyến đường phải mua nhiều thẻ như hiện nay.

Bên cạnh đó, Hiệp hội vận tải Hải Phòng cũng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết vướng mắc lớn khi phí BOT chiếm 8-12% chi phí của doanh nghiệp. Đồng thời, chứng từ thu phí điện tử hợp pháp nhưng chưa hợp lệ để các doanh nghiệp khai báo khấu trừ thuế.

Hà Nội: Liên danh 6 nhà thầu trúng gói thầu 128 tỷ xây trường

Nhà thầu liên danh là Công ty CP Phòng cháy chữa cháy Thăng Long - Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hà Xuân - Công ty TNHH Tratech - Công ty CP Xây dựng Hoàng Phát - Công ty CP Bá Dương Nội - Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển năng lượng Hà Nội vừa trúng Gói thầu số 08 Thi công xây dựng và mua sắm, lắp đặt thiết bị + chi phí hạng mục chung, chi phí đóng điện nghiệm thu trạm biến áp... thuộc Dự án Xây dựng Trường THPT Mỹ Đình.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu nêu trên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm, Hà Nội mời thầu. Giá trúng thầu là 128,616 tỷ đồng (giá gói thầu là 128,799 tỷ đồng). Loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh với thời gian thực hiện là 600 ngày.

Theo Bên mời thầu, 2 nhà thầu không vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật là Tổng công ty CP Miền Trung và Liên danh Thiên Ân - Kinh doanh năng lượng - Máy tính Hà Nội - Thiết bị cơ điện Hồng Thái.

Đáng chú ý, Tổng công ty CP Miền Trung là một trong những đối thủ rất đáng gườm với Nhà thầu trúng thầu. Tổng công ty CP Miền Trung từng một mình đảm nhận Gói thầu Xây dựng Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa hơn 464,085 tỷ đồng vào năm 2017. Vào tháng cuối năm 2018, Tổng công ty CP Miền Trung cũng trúng Gói thầu Xây dựng Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) với giá trúng thầu là 152,199 tỷ đồng... Với thành tích đáng nể như vậy nhưng nhà thầu này vẫn trượt Gói thầu số 08 vì không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 16/09/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới