Thứ bảy, 20/04/2024 17:15 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/12/2019

MTĐT -  Thứ tư, 18/12/2019 09:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/12/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/12/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

Đà Nẵng chính thức vận hành bãi đỗ xe thông minh đầu tiên

Ngày 17/12, Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, UBND TP đã thống nhất đề xuất của Sở này về công tác vận hành thử công trình Bãi đỗ xe tại số 255 Phan Châu Trinh (giai đoạn 1). Theo đó, Bãi đỗ xe tại số 255 Phan Châu Trinh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng sẽ được đưa vào vận hành chính thức khai thác dịch vụ 24/24h, có thu giá dịch vụ trông giữ xe bắt đầu từ ngày 20-12.

Giá dịch vụ trông giữ xe tại Bãi đỗ xe 255 Phan Châu Trinh được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 50/2019/QĐ-UBND ngày 03-12-2019 của UBND TP, cụ thể như sau:
Đối với ô tô dưới 7 chỗ, mỗi lượt đỗ dưới 60 phút là 15 ngàn đồng/ lượt. Giờ thứ 2 là 15 ngàn đồng/ lượt, giờ thứ 3 và giờ thứ 4 là 20 ngàn đồng/ lượt; từ giờ thứ 5 trở đi là 25 ngàn đồng/ lượt. Giá gửi xe qua đêm là 120 ngàn đồng/ đêm.

Giá giữ xe theo tháng, từ 6 giờ sáng đến 22 giờ là 1,5 triệu đồng; từ 22 giờ đến 6 giờ sáng là 1 triệu đồng; cả ngày đêm là 2 triệu đồng.

Bãi đỗ xe thông minh 255 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng

Bãi đỗ xe số 255 đường Phan Châu Trinh là bãi đỗ xe thông minh, cao tầng đầu tiên trong số 14 bãi được Đà Nẵng quy hoạch và kêu gọi đầu tư từ nhiều năm qua có tổng diện tích quy hoạch là 1.000 m2 và được quy hoạch sử dụng kết cấu bằng thép lắp ghép, công trình phụ trợ, giao thông, sân bãi.

Đây là 1 trong những bãi đỗ xe được Đà Nẵng quy hoạch và kêu gọi nhà đầu tư nhằm giảm thiểu tình trạng xẻ lòng đường làm bãi đỗ, giảm ách tắc giao thông tại trung tâm thành phố.

Ban hành Nghị định về kinh doanh vận tải bằng ô tô trước 30/12/2019

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ rà soát dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Thông báo kết luận nêu rõ: Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực, cùng với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của các nước; lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp; rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Nghị định đã 2 lần lấy ý kiến Thành viên Chính phủ, đã lấy ý kiến của 6 Bộ trưởng ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp; Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc họp, chỉ đạo hoàn thiện. Đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định vẫn còn một số nội dung cần phải tiếp tục xem xét kỹ lưỡng hơn.

Ảnh minh họa

Để bảo đảm tính khả thi của Nghị định, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, cũng như bảo đảm công bằng, bình đẳng trong kinh doanh vận tải; tạo hành lang pháp lý chung để các đơn vị kinh doanh vận tải tự do lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện của mình theo quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/12/2019.

Trong đó tập trung rà soát, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo chặt chẽ về pháp lý.

Đồng thời rà soát kỹ các nội dung quy định về kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình giữa các cơ quan quản lý nhà nước (ngành Công an, Giao thông vận tải, Tài chính…) để đáp ứng yêu cầu quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cát cứ trong sử dụng dữ liệu, làm nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong quản lý, điều hành giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải rà soát kỹ toàn bộ dự thảo Nghị định, loại bỏ các nội dung không phù hợp với Luật giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị định, báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 30/12/2019.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Công an, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các cơ quan có liên quan tổ chức họp báo để thông tin, tuyên truyền đầy đủ, minh bạch các nội dung của Nghị định này, sau khi Nghị định được ban hành.

Hải Phòng: 3.196 tỷ đồng đầu tư dự án thoát nước và quản lý chất thải

Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hải Phòng (Bên mời thầu) vừa công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Hợp phần Thoát nước mưa và Hợp phần thoát nước thải thuộc Dự án Thoát nước mưa, nước thải và Quản lý chất thải rắn Hải Phòng (Giai đoạn 1).

Đây là dự án đầu tư phát triển, có tổng mức đầu tư được duyệt là 3.196 tỷ đồng, sử dụng ngân sách TP. Hải Phòng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo đó, trong tháng 12/2019, Bên mời thầu sẽ chỉ định nhà thầu thực hiện 6 gói thầu tư vấn của Dự án gồm: Gói thầu số 1 - Lập nhiệm vụ và dự toán các gói thầu tư vấn bổ sung; Gói thầu số 2 - Lập Báo cáo đề xuất điều chỉnh dự án; Gói thầu số 3 - Thẩm tra Dự án điều chỉnh lần 4; Gói thầu số 4 - Lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán điều chỉnh lần 4; Gói thầu số 5 - Thẩm tra Dự toán công trình điều chỉnh lần 4 và Gói thầu số 6 - Thẩm tra Thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh lần 4.

Thủ đô mới của Indonesia sẽ được hưởng quy chế tỉnh tự trị

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, thủ đô mới của Indonesia sẽ mang quy chế tỉnh tự trị, trong khi vùng lõi dành cho các cơ quan chính phủ sẽ trở thành “khu vực đặc biệt”.

Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa cho biết thành phố thủ đô sắp được xây dựng tại hai huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan sẽ trở thành địa phương cấp tỉnh thứ 35 của Indonesia.

Vùng lõi - nơi đặt Phủ Tổng thống, trụ sở các bộ và các tổ chức nhà nước khác - sẽ chiếm khoảng 56.000 ha trong tổng diện tích 256.000 ha của thủ đô mới và được đặt dưới quyền của một người quản lý do chính quyền bổ nhiệm. Tuy nhiên, hiện vai trò và thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý này vẫn chưa rõ.

Một góc thành phố Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP

Theo ông Suharso, Chính phủ Indonesia đang soạn thảo một đạo luật chi tiết về thủ đô mới, bao gồm cả việc thành lập một khu tự trị mới. Dự kiến, Tổng thống Joko Widodo sẽ sớm ban hành sắc lệnh thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc di dời và xây dựng thủ đô mới.

Trước đó, Bộ Nội vụ cho hay kế hoạch dời đô sẽ kéo theo việc ban hành và sửa đổi ít nhất 9 luật khác, trong đó có điều luật thay đổi quy chế đặc biệt hiện nay của Jakarta, một luật mới về quy hoạch không gian thủ đô và luật sửa đổi về chính quyền khu vực. Theo kế hoạch, công việc này sẽ được hoàn tất trong năm 2020 và để khởi công xây dựng thành phố thủ đô vào đầu năm 2021.

Cuối tháng Tám vừa qua, Tổng thống Joko Widodo thông báo thủ đô mới của Indonesia sẽ được chuyển từ Jakarta đang bị đe dọa bởi tình trạng sụt lún đất và ách tắc giao thông nghiêm trọng sang tỉnh Đông Kalimantan, cách thủ đô hiện nay khoảng hai giờ bay.

Kế hoạch di dời thủ đô dự kiến sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (32,79 tỷ USD), trong đó Chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.