Thứ sáu, 29/03/2024 13:48 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/2/2019

MTĐT -  Thứ ba, 19/02/2019 10:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/2/2019. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/2/2019 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổnng hợp.

TP.HCM chuẩn bị cấm xe máy vào trung tâm từ 2025

Theo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TPHCM, việc cấm xe máy vào khu vực trung tâm (4 quận) được thực hiện theo 3 giai đoạn và cấm hẳn từ năm 2030. Sắp tới, Ủy ban MTTQVN TPHCM sẽ tổ chức phản biện đề án này.

Việc phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để hạn chế xe cá nhân. Đồng thời, kết hợp hài hòa và triển khai đồng bộ giữa các giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế trong việc kiểm soát phương tiện cá nhân (gồm ô tô con, xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh).

Hạn chế nhu cầu lưu thông bằng phương tiện cá nhân là cần thiết và chỉ triển khai khi hệ thống giao thông công cộng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

 Các điều kiện cần sẽ phải đạt được trước khi tổ chức hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân như: hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe mô tô, xe gắn máy, dịch vụ cung cấp xe đạp hoặc xe gắn máy điện công cộng hỗ trợ kết nối với hoạt động vận tải hành khách công cộng được thuận lợi, với cự ly tiếp cận trung bình của hành khách dưới 500m.

Cụ thể, đề án được chia 3 giai đoạn thực hiện. Từ nay đến 2020, từ 2021 đến 2025, từ 2026 đến 2030. Giai đoạn đầu để hoàn thiện quy hoạch, cơ chế chính sách, bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng được ưu tiên cùng với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông khác.

Từ năm 2021 đến 2025, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về phát triển vận tải hành khách công cộng, ưu tiên xe buýt và tập trung nguồn lực phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Giai đoạn này cũng sẽ thực hiện một số giải pháp làm cơ sở triển khai việc kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, ngừng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại khu vực trung tâm thành phố.

Giai đoạn 2026 đến 2030, TP sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân và các giải pháp hỗ trợ tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực.

Ngoài ra, đề án cũng đề ra các nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng và nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân.

Hà Nội sửa chữa mặt cầu Thanh Trì từ 20/2

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội cho cào bóc, sửa chữa các vệt hằn lún, sống trâu trên mặt cầu, thay thế khe co giãn để đảm bảo phương tiện lưu thông êm thuận. Đồng thời, để đảm bảo an toàn giao thông, đơn vị thi công sẽ lắp đặt biển cảnh báo xe máy giảm tốc độ khi lưu thông trên cầu; bổ sung biển cấm ô tô tải, ô tô khách trên làn đường hỗn hợp theo quy định. Các công việc này sẽ được thực hiện và hoàn thành ngay trong quý 1/2019.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm, đơn vị quản lý cầu Thanh Trì phối hợp chặt chẽ để thiết lập đường dây nóng xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông nếu có trên cầu.

Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, có điểm đầu giao cắt với quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Q. Hoàng Mai), cắt đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại Thạch Bàn và điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Quận Long Biên).

TP.HCM tiếp tục di dời các đơn vị trong Công viên 23 tháng 9

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên môi trường sớm bàn giao mặt bằng chưa giải tỏa như khu sân khấu Sen Hồng trước khi triển khai xây dựng công viên 23.9.

Để triển khai xây dựng Công viên 23 tháng 9, UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải nghiên cứu phương án bố trí tạm bến xe buýt và bãi giữ xe 2 bánh đang nằm trong công viên. Trong thời gian này, TP tạm thời vẫn duy trì hoạt động của bến xe buýt và bãi xe 2 bánh cho đến khi triển khai xây dựng công viên.

Sau khi được xây dựng hoàn chỉnh, toàn bộ phần trên mặt đất của công viên này sẽ được sử dụng đúng chức năng là công viên cây xanh, mặt nước; không tổ chức triển lãm, hội chợ, mua bán kinh doanh trong công viên.

UBND TP cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc sớm báo cáo kết quả thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Công viên 23 tháng 9 trong quý 1/2019.

Theo báo cáo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Công viên 23/9 hiện có tổng diện tích 10,9ha gồm Khu A, Khu B, Khu C. Hiện mặt bằng công viên này có nhiều đơn vị quản lý và khai thác một cách chồng chéo, manh mún, thiếu kiểm soát, nhất là tại Khu B với các hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ, làm thay đổi công năng của công viên, gây ùn ứ giao thông khu vực.

Trong khi đó, hạ tầng công viên dần xuống cấp, sửa chữa mang tính tạm thời, chắp vá. Công viên chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tổng mặt bằng khiến việc sử dụng, kinh doanh, khai thác mặt bằng công viên diễn ra tùy tiện. Các khu vực, không gian tiện ích như: sân sinh hoạt cộng đồng, hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, trò chơi trẻ em, khu vận động cho thanh thiếu niên hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo quy hoạch, khu vực trung tâm 930ha của thành phố, toàn bộ khu vực Công trường Lam Sơn, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi đến công viên Quách Thị Trang và Công viên 23/9 đều quy hoạch đất công viên cây xanh, từ đó hình thành một trục không gian xanh, không gian công cộng liên hoàn cho khu vực lõi trung tâm. Ngoài ra, sau khi dự án metro số 1 hoàn thành, Công viên 23/9 sẽ có nhà ga trung tâm, nơi thu hút lượng lớn người đi đến thường xuyên.

Còn theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP, hiện có 4 đơn vị kiến nghị không tiến hành di dời ra khỏi mặt bằng Công viên 23/9 này gồm Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (sử dụng gần 18.500 m2 tại Khu C để làm bến xe buýt Sài Gòn), Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố sử dụng bãi xe 2 bánh vị trí phía sau mặt bằng số 2 Phạm Ngũ Lão để làm bãi giữ xe 2 bánh.

Hà Nội chỉ định thầu tư vấn Dự án Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội vừa chỉ định thầu rút gọn 4 gói thầu tư vấn thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3.

Trong đó, Công ty CP Điện lực sông Hồng được chỉ định thực hiện 2 gói thầu, gồm: Gói thầu số 15 Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán di chuyển, bảo vệ hệ thống điện, và Gói thầu số 18 Tư vấn giám sát thi công xây lắp hạng mục di chuyển, bảo vệ hệ thống điện.

Công ty CP Nước và Hạ tầng kỹ thuật Hà Nội được chỉ định thực hiện Gói thầu số 16 Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán di chuyển, bảo vệ hệ thống cấp nước.

Gói thầu số 13 Tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu của Dự án được chỉ định cho Công ty CP Xây dựng giao thông Hà Nội.

Trong số các nhà thầu được chỉ định thầu này, Công ty CP Xây dựng giao thông Hà Nội từng trúng 73 gói thầu trong 3 năm qua (2016, 2017, 2018). Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Công ty CP Xây dựng giao thông Hà Nội trúng 6 gói thầu tư vấn đều trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong đó, 2 gói thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình và 3 gói thầu khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.

Cũng trong khoảng 3 năm qua, Công ty CP Điện lực sông Hồng trúng hơn 40 gói thầu.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/2/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới